04/06/2012 - 21:03

Mùa hè và nỗi lo !

Giờ học đàn của các em ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều - nơi mà nhiều phụ huynh thường đưa con đến học vào những ngày hè.

Những năm gần đây, khi mùa hè đến là nhiều phụ huynh lại lo lắng tìm chỗ học thêm văn hóa, chỗ học các môn năng khiếu và cả chỗ để vui chơi cho con em mình. Nhu cầu vui chơi của học sinh khi mùa hè đến đang bị bỏ ngỏ nhiều năm qua...

Chỉ mới hơn 1 tuần lễ sau khi con trai được nghỉ hè, chị Nguyễn Thị Lê, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã bơ phờ hẳn. Chị kể: “Con trai tôi vừa học xong lớp 1, mới tổng kết tuần vừa rồi. Từ bữa cháu nghỉ hè đến nay, công việc của tôi rối tung lên. Mang con theo vào cơ quan thì bị phê bình vì cháu phá quá. Để cháu ở nhà một mình thì không an tâm. Gởi cháu về quê cũng không có ai giữ. Trường của cháu thì nói đến 11-6 mới tổ chức dạy hè. Thật tình, tôi không biết phải làm sao trong một tuần tới”. Trường hợp của chị Lê không phải là hiếm, nhất là trong những gia đình trẻ ở thành thị hiện nay. Gởi con cái về quê thì các cháu còn nhỏ, sông nước nên không an tâm. Hơn nữa, bây giờ ở quê, các gia đình cũng neo người nên cũng khó gởi con. Nhốt con cái ở nhà cũng sợ những tai nạn đáng tiếc... Giải pháp thuê người cũng được nhiều gia đình nghĩ đến nhưng không mấy khả thi, bởi thời gian thuê ngắn nên khó tìm người. Mặt khác, việc tìm người đáng tin cậy để giao cả nhà cửa, con cái không phải là điều dễ dàng.

Không đến mức khó như chị Lê vì chị có mẹ giữ con nhưng chị Hòa ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cũng rối như tơ vò. Không có bạn bè chơi, suốt ngày con trai chị dán mắt vào tivi, bất kể chương trình nào cháu cũng có thể xem được, kể cả những chương trình dành cho người lớn. Khi không cho cháu xem tivi, cháu lại chúi mũi vào trò chơi game trên máy vi tính. Nhiều khi mãi chơi game, cháu bỏ cả cơm và cãi lại lời bà ngoại. Mua sách thiếu nhi, mua giáo khoa cho cháu tự học, cháu cũng không thể tự học trước và cũng không thích đọc sách... Chị Hòa băn khoăn: “Bà ngoại đã lớn tuổi nên hai bà cháu khó chia sẻ nhiều điều. Ngoại lại dạy theo kiểu xưa, rất nghiêm khắc nên cháu phản ứng. Cháu không có anh em, bạn bè trang lứa trong xóm cũng không có nên cũng chẳng thể chơi với ai. Vợ chồng tôi đi làm suốt đến tối mới về đến nhà nên không biết quản cháu thế nào nữa. Chỉ mong có chỗ chơi lành mạnh cho cháu tham gia nhưng ở đây không có”.

Mặc dù ý thức được việc mùa hè là mùa cho trẻ vui chơi để tích tụ lại năng lượng sau một năm học nhưng chính chị Hòa, chị Lê và rất nhiều phụ huynh khác rất mong trường tổ chức các lớp dạy hè để tiếp tục cho con đi học. Một số phụ huynh may mắn khi giáo viên dạy lớp của các cháu tổ chức nhận giữ các cháu ở nhà. Chị Trần Thị Thanh Thảo, ở phường An Hội, quận Ninh Kiều, cho biết: “Vợ chồng tôi đang rối vì không biết gởi con ở đâu thì nghe cô của cháu nhận giữ giúp tại nhà đến lúc trường tổ chức dạy hè, nên vợ chồng tôi mừng quá gởi cháu ngay. Ở nhà cô, cháu có bạn bè để chơi, còn tránh được những trò chơi xấu nên mình cũng đỡ lo. Cô mà không nhận giữ cháu giùm, vợ chồng tôi sẽ rối lên như mấy năm trước nữa”. Có lẽ đây là giải pháp tình thế thích hợp nhất trong hoàn cảnh hiện tại của nhiều phụ huynh.

Thông thường mùa hè là mùa học sinh nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các lớp học năng khiếu... Thế nhưng câu hỏi của nhiều phụ huynh đặt ra là: Cho con em mình vui chơi và học năng khiếu ở đâu? Đây là câu hỏi không dễ trả lời, bởi hiện nay sân chơi dành cho thiếu nhi ở TP Cần Thơ rất thiếu. Ngoài quận Ninh Kiều có Nhà Văn hóa Thiếu nhi hoạt động mạnh với nhiều môn học trong hè, như: đàn, vẽ, võ thuật... thì hầu như trẻ không biết học và chơi ở nơi nào khác. Hơn nữa, với số lượng học sinh trên địa bàn quận quá đông, trong khi, Nhà Văn hóa thiếu nhi thì chỉ hạn hẹp trong một khuôn viên nhỏ nên thường gây quá tải... Ngoài quận Ninh Kiều, các nhà văn hóa thiếu nhi khác gần như chỉ hoạt động cầm chừng và nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được nơi vui chơi dành cho thiếu nhi như, Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Cờ Đỏ...

Không thể để cái khó bó cái khôn, một số huyện vùng ven đã tự xoay xở bằng nhiều cách. Ông Nguyễn Văn Liếng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ngành cũng đã chỉ đạo các trường tổ chức các hoạt động vui chơi hè cho học sinh. Đồng thời, thực hiện tốt các nội dung trong phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực để các em có chỗ, nơi vui chơi. Điểm mới ở Vĩnh Thạnh năm nay là một số trường tổ chức cho học sinh giỏi tham quan các địa danh lịch sử...”. Do đặc thù địa phương nên nhiều học sinh ở Vĩnh Thạnh tìm đến nhà thờ để học các môn năng khiếu, như: đàn, vẽ... Còn ở Phong Điền- Được mệnh danh là “cái nôi” của môn võ cổ truyền Vovinam nên phong trào học võ trong thời gian hè được tổ chức khá rầm rộ. Thế nhưng không phải trẻ nào cũng thích và có năng khiếu học võ. Em Nguyễn Gia Huy, học sinh lớp 2, nhà ở xã Nhơn Ái được bà ngoại dắt đi đăng ký học võ, nhưng vừa thấy các bạn tập luyện em đã đòi về vì không thích. Đó không phải là trường hợp cá biệt, em Lương Thái Hải, học võ hơn 1 năm nhưng vẫn không thích, cứ nằng nặc xin nghỉ vì đi học võ bị phạt hoài mệt quá... Nếu không học võ, học sinh ở Phong Điền cũng không biết học môn năng khiếu gì khác để qua những ngày hè...

Một cán bộ quản lý giáo dục ở Vĩnh Thạnh chia sẻ: “Cả huyện không có nhà văn hóa thiếu nhi nên trẻ ở đây thiệt thòi lắm”. Tình trạng này cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác trên địa bàn TP Cần Thơ. Vì không có nơi để vui chơi lành mạnh, phát triển năng khiếu nên nhiều em vùi đầu vào các trò chơi game- nghiện game và học hành sa sút khi tựu trường trở lại- Đây là một hậu quả đoán trước được nhưng các ngành, các cấp ở TP Cần Thơ vẫn chưa có giải pháp nào để tháo gỡ!

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết