23/06/2019 - 13:47

Mùa chim dồng dộc 

Truyện ngắn: NGUYỄN AN BÌNH

Thao bắt xe đò về quê từ sáng sớm. Sau nhiều năm rời quê lên thành phố học, tìm được công ăn việc làm rồi cuốn theo nhịp mưu sinh, khoảng cách thời gian mỗi lần về nhà của Thao cứ dần nới rộng. Mẹ Thao, một đời chăm lo cho con sau khi chồng mất, biết tánh Thao hậu đậu nên thường nhắc những ngày giỗ kỵ trong nhà để Thao quay về. Cũng may Thao có em gái theo nghề gõ đầu trẻ, lập gia đình sống gần đó nên yên tâm phần nào.

Thao thường tự nhủ rằng, thôi cố gắng thêm một thời gian nữa, dành dụm tiền mua nhà rước mẹ lên thành phố, còn nhà cửa ruộng vườn giao lại cho vợ chồng em gái. Thao từng nói ý định này với mẹ nhưng bà không bằng lòng, vì không nỡ xa mảnh vườn và nơi yên nghỉ của ba Thao. Lần này Thao về, ngoài việc nhắc lại ý định dạo trước, còn để qua nhà Ngà thắp nén nhang cho chú Năm, ba của Ngà, người hàng xóm tốt bụng đã giúp đỡ gia đình Thao rất nhiều. Ngày chú mất, Thao đang trong đợt công tác.

Xuống xe đò, Thao đi bộ dọc theo bờ kênh về nhà. Dòng kênh đỏ một màu phù sa đang chảy xuôi ra sông cái, nước đang ròng. Hôm qua chắc có một đám mưa qua đây nên cây cối bên đường xanh mởn, ánh nắng vàng rực rỡ, bầu trời trong xanh, mặt đường còn loang loáng nước. Con đường này ngày xưa chỉ là đường đất nhỏ, mỗi ngày Thao, Ngà và biết bao học trò qua đây để đến trường tiểu học nằm bên đường tỉnh lộ. Vào trung học, trường càng xa hơn, mấy năm đầu Thao vẫn đi bộ đến trường. Sau mẹ dành dụm mua cho chiếc xe đạp, anh cho Ngà quá giang. Thời học sinh trôi qua trong chớp mắt.

Thao về nhà, mẹ mừng lắm, nắm tay anh run run rồi hối anh ra sàn nước rửa mặt cho trôi bụi đường. Chưa gì đã nghe ngoài cổng có em gái Thao liếng thoắng hỏi mẹ anh đã về chưa. Thao lau mặt bước vào nhà, cô em nhìn anh cười vui vẻ: "Em vừa đi ngang qua nhà chị Ngà, cho chỉ hay hôm nay anh về". Thao nhìn mẹ, nói: "Con qua bên đó thắp nhang cho chú Năm, rồi con về ăn cơm sau…". Mẹ cười hiền: "Vậy mới phải chứ".

Nhà Ngà cách nhà Thao khoảng cây số, phải qua con rạch nhỏ, Thao vừa bước vào nhà, Ngà đang lui cui trong bếp, nói vọng ra: "Thao phải không?". "Ừ, Thao thắp nhang cho chú Năm nhé!". Thắp nhang xong, Thao theo Ngà qua chái bếp. Cô chỉ vào mấy tổ chim dồng dộc treo dài theo chái bếp mà chú Năm lưu giữ sau mỗi mùa chim dồng dộc đến xây tổ rồi bay đi, Ngà nói: "Ba nhắn khi nào Thao về, mấy tổ chim dồng dộc này Thao thích cái nào thì cứ lấy, đem lên thành phố treo cho vui để đỡ nhớ nhà, nhớ quê".

Lời nhắn của chú Năm khiến Thao lặng đi. Thao nhớ hồi nhỏ anh là đứa trẻ nghịch ngợm quấy phá, thường hay lén qua vườn hàng xóm để hái trộm trái chín, hay leo lên mấy cây cao bắt chim non để nuôi, hoặc trộm trứng. Thao leo trèo như khỉ, thậm chí những cành nhỏ chơ vơ rìa ngoài mé sông giáp nước, anh cũng không sợ. Mẹ nhiều lần la mắng hoặc đòn roi trước những trò nghịch ngợm tai quái của Thao, nhưng anh vẫn không bỏ.

Có lần Thao đến nhà chú Năm gởi ít trái cây chín bói ở vườn nhà biếu lấy thảo, chú kêu Thao đi theo chú ra sau vườn. Đó là khoảng đất khá rộng chú trồng rau màu, xung quanh là những hàng tre cao ngút ngắt, một hàng me keo lá nhỏ li ti, có cả một rặng trâm bầu đang mùa ra hoa. Hai chú cháu nhìn về phía trước, chú chỉ vào đám tre tàu: "Cháu thấy trên cao kia không? Đó là chim dồng dộc. Mùa này chúng về làm tổ để sinh sản".

Đúng là có những con chim đang bay tới bay lui, tha mấy cọng cỏ rồi dùng mỏ để đan kết thành tổ. Có cái đã gần xong, có cái còn dở dang, nhưng không có cái nào giống cái nào. Chú Năm giải thích: "Chim dồng dộc giống như chim sẻ, chúng sống và sinh sản theo bầy đàn, thường bắt cặp làm tổ và đẻ trứng vào mùa lúa chín. Cháu có nhìn thấy không, con nào trên đầu có chùm lông màu vàng là con chim trống, còn con chim mái chỉ có bộ lông màu xám nâu mà thôi, nên nếu không nhìn kỹ có khi chúng ta nhầm là chim sẻ". Thao khẽ kêu lên: "Thế mà hồi nào tới giờ cháu không chú ý tới". Chú Năm cười độ lượng: "Ừ! Thì cháu chỉ lo nghịch phá chúng thôi chứ có thèm để ý gì đến cuộc sống của bọn chúng đâu. Chúng cũng sống có tình có nghĩa như chúng ta vậy. Nên mình phải biết sống thân ái với bọn nó…".

Thao hơi ngượng nên không nói gì, chắc thành tích phá phách đi bắt trộm chim non hoặc ăn cắp trứng xem chúng có màu gì, to nhỏ ra sao… được Ngà báo cáo tường tận với chú rồi nên chú muốn nhắc khéo. Tự nhiên Thao cảm thấy giận Ngà vô cùng. Làm như không để ý đến tâm trạng của Thao, chú Năm nói tiếp: "Tụi dồng dộc nầy sống tình cảm lắm. Chúng kết bạn không phải theo mùa mà gắn bó với nhau cả đời. Cháu hãy thử xem cách làm tổ, ấp trứng cùng nuôi dạy con của chúng thì biết. Hàng me keo nầy, những ngọn tre tàu nầy rồi cả rặng trâm bầu tít xa kia là nơi chú chứng kiến bao mùa chim dồng dộc bay về xây tổ. Chúng hót không hay, màu sắc cũng không đẹp, cũng không ai thèm bắt chúng về nuôi làm kiểng, nhưng chú thích nhất là sự cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại đến mức tài hoa của chúng khi làm tổ. Đôi chim cứ cần mẫn bay đi bay về, miệng ngậm những cọng rơm, những chiếc lá mía, lá sả về kết tổ. Trên mấy hàng me keo, có mấy chiếc tổ đã hoàn thành, có cái như chiếc vớ, hay chiếc giầy ống, có cái như quả chuông úp ngược mà ở giữa phình to ra. Đây là nơi tổ ấm của những đôi chim dồng dộc, từ đó một thế hệ dồng dộc mới ra đời, bay đi rồi năm sau đến mùa lúa chín, đàn chim lại quay về, hết mùa chim này đến mùa chim khác nối tiếp...".

Lời kể của chú Năm khiến Thao quên cả giận Ngà. Những ngày sau lúc rảnh rỗi, Thao thường ra sau vườn nhà chú Năm nhìn tổ của bầy chim dồng dộc ở trên cao xây đến đâu rồi. Cũng từ những chiếc tổ dồng dộc dễ thương này, những con dồng dộc mái đẻ, ấp trứng nở ra chim non. Thao còn chứng kiến những chú chim trống canh giữ tổ ấm. Khi chim mái ấp trứng, ngoài thời gian đi tìm mồi, chim trống luôn có mặt trong cái tổ nhỏ làm kẻ gác cổng, người bảo vệ một cách tận tụy. Rồi tiếng chim non líu ríu vang lên đồng loạt như một bản đồng ca trong cơn gió chiều rất êm tai, chim dồng dộc bố mẹ thay nhau đi tìm mồi về mớm cho lũ chim non. Có đêm mưa to quá, Thao bỗng thao thức, sáng sớm chạy qua nhà rủ Ngà đi học, Thao tranh thủ chạy ra sau vườn xem tổ của bọn chim dồng dộc có bị ảnh hưởng gì không. Vậy mà không có một tổ chim nào rớt xuống.

Từ ngày được chú Năm dẫn ra sau vườn xem loài chim dồng dộc làm tổ, Thao đâm ra yêu quý loài chim và đâm ra ghét kẻ nào săn bắt phá hoại cuộc sống yên bình của chúng. Mùa hè năm nào cũng vậy, anh Nghị con bác Ba về quê chơi cũng đều đem theo khẩu súng săn, tha thẩn từ khu vườn này qua khu vườn nọ để bắn chim. Hồi trước, Thao là người theo chân anh Nghị với mơ ước cũng có khẩu súng săn như anh; sau thì Thao không thèm chơi với anh Nghị nữa.

***

"Bây giờ mở đường, mở chợ, xây nhà khắp nơi, không còn nơi chốn cho dồng dộc quay về làm tổ, có lẽ bọn chúng rúc sâu vào chốn thâm sơn cùng cốc nào rồi cũng nên. Bởi vậy mấy cái tổ chim này ba muốn giữ lại làm kỷ niệm. Cuộc sống bây giờ dường như không còn gì vui nữa", lời của Ngà đưa Thao về thực tại.

Thao không nói gì. Tâm trạng của Ngà, Thao biết rất rõ. Thuở ấy, Thao, Ngà và Vững là bạn thân. Thao và Ngà cùng xóm, còn Vững ở xóm trên. Tuy hằng ngày Thao chở Ngà bằng xe đạp đến trường, nhưng chỉ có Vững với Ngà là cùng đội văn nghệ. Ngón đàn ghi-ta bay bổng của Vững và tiếng hát ngọt ngào của Ngà khiến hai đứa có những lúc dường như bỏ lại Thao lạc lõng. Đến năm cuối cấp ba, Vững rời trường theo gia đình lên thành phố học. Suốt năm đó, nhiều lần Thao muốn thố lộ tình cảm với Ngà nhưng thấy cô có vẻ lảng tránh nên thôi. Rồi Thao cũng lên thành phố học sau khi tốt nghiệp phổ thông, Ngà ở lại vì cô không thể bỏ mặc chú Năm sống thui thủi một mình.

Thao nhìn Ngà khẽ nói: "Có bao giờ Ngà nghĩ mình sẽ như cánh chim dồng dộc rời tổ bay xa tìm một khoảng trời rộng lớn cho riêng mình không?". Ngà im lặng một chút, lắc đầu: "Bay đi đâu và để làm gì? Khoảng trời cao rộng ấy biết có dung nạp cánh chim lẻ loi này không?". Thao lại không nói gì. Anh một lần nữa không nói với Ngà điều mà anh định nói từ lâu, rằng nếu Ngà muốn là cánh chim dồng dộc bay xa, thì anh sẽ mạnh mẽ bay theo và che chở cho cô, dù ở chân trời góc bể. Nhưng thôi, nói ra sợ Ngà từ chối rồi ngượng ngập cho cả hai.

Ngà chợt hỏi: "Chừng nào Thao trở lại thành phố?". "Sáng sớm mai", Thao trả lời có vẻ bình thản, mà trong thâm tâm muốn gào lên: Sao Ngà không hỏi Thao chừng nào trở về, để Ngà trông Ngà đợi. Thao nhìn ra sau vườn. Đã qua mùa chim dồng dộc về làm tổ. Tất cả như lùi vào dĩ vãng, dần xóa mờ những kỷ niệm êm đẹp tuổi ấu thơ của anh và Ngà vào một góc khuất nào đó của cuộc sống, mà mãi mãi sau nầy anh không thể tìm được nữa.

Chia sẻ bài viết