Truyện ngắn NHÃ THI
Tiếng mưa mỗi lúc càng bì bọp lớn hơn, rồi cả trận mưa ào ạt. Sấm chớp liên hồi trên nền trời, gió giật từng cơn muốn tung cánh cửa sơ sài của căn nhà lá nhỏ sau vườn để canh cây trái hoa màu. Út Lẫy choàng tỉnh sau một giấc ngủ say vì cả ngày mệt nhọc với vườn ruộng ao đìa.
Những giọt mưa nghịch ngợm xuyên ngang qua khe hở vách lá, rơi trúng vào mặt rát cả da và lành lạnh, làm Út Lẫy tỉnh hẳn. Năm nay, mưa nắng bất thường, nghe nói do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hồi sáng giong xuồng hớt tôm sớm, thấy nước dâng cao hơn mọi khi, chắc lũ sẽ lớn so với năm rồi. Thường mỗi năm, Út Lẫy làm dấu mực nước ở gốc cây xoài sau vườn nhà, nên có thể dự đoán được mùa nước lên, lớn hay nhỏ.
Từ lúc về quê sống đến nay, Út Lẫy để ý thấy vào mùa nước nổi thường kèm theo mưa to, giông gió lớn. Nhưng cái thú bơi xuồng giăng câu, lưới cá, xúc tép, đổ lọp, đặt trúm bắt lươn, bắt cua đồng khiến Út Lẫy quên đi thời tiết.
*
* *
Ngày còn học phổ thông, mùa nước nổi trùng với kỳ nghỉ hè, Út Lẫy cùng bọn bạn học rủ nhau bơi xuồng trên cánh đồng nước ngập, tắm đồng, hái bông điên điển, bắt cua còng bám theo rễ cây. Có lần mải mê bắt cua dưới gốc điên điển, tới hồi nhìn lên thấy một con rắn quấn lòng thòng trên cành cây cách đầu non thước, đang chăm chăm nhìn mình, cô bạn học Bảy É của Út Lẫy mặt tái xanh như tàu lá chuối, quờ tay ôm chặt cổ Út, vừa khóc vừa la thảm thiết. Lẫy bị siết cổ, nghẹn họng cũng la ú ớ. Thằng Hùng ngồi phía sau lẹ làng xô xuồng tạt ra xa, tay chống sào nhanh đi chỗ khác. Nhỏ Lành vẫy nước lên đầu Bảy É cho tỉnh. Tới lúc cô nàng buông cổ Út Lẫy, Út mới è è thở.
|
|
Bảy É có tên cúng cơm như vậy là vì ông bà cha mẹ của cô nàng trồng cây hột é trúng mùa tốt hạt, lại là con thứ bảy trong nhà. Còn tên thật khai sinh thì rất đẹp Trần Minh Sương- hạt sương buổi sớm. Còn Út Lẫy cũng có kỷ niệm về cái tên vừa nghe đã thấy đặc biệt dỗi hờn. Bởi nhà ngoại của Út cứ nhằn nhừ cha Út mải lo làm việc công sở để trễ nải ruộng vườn. Khi Út "oa oa" chào đời dù tên trong giấy tờ là Lê Hưng Vinh vững chắc cơ ngơi, nhưng vẫn phải mang tên thường gọi là Lẫy- bởi nhà ngoại Út hay con mắt ngó nghiêng mỗi khi cha Út mải chuyện trên xã mà quên tưới rẫy rau.
Dù bị siết cổ thở không thông, Út Lẫy vẫn nhớ Bảy É vì sợ quá mà làm rơi kẹp tóc ở gốc cây điên điển. Âm thầm bơi xuồng đến chỗ mà Bảy É đánh rơi cái kẹp để lặn mò, liên tiếp ba ngày vẫn tay không. Đến chừng nước rút, khi mặt đất vừa mấp mé nhô lên, Út đến tìm nữa, vái thầm trong bụng gặp hên. Lần này thì hên thật, nhặt được chiếc kẹp dễ dàng. Lẫy mang trao trả chiếc kẹp tóc cho É, nàng ta rất mừng, đưa mắt nhìn Lẫy, cảm động không thôi
Thời gian dần trôi, những năm học đan xen các mùa nước nổi với cánh đồng bát ngát ngập sâu cùng những đám điên điển xa trông trổ bông màu vàng ánh. Út Lẫy cùng các bạn vẫn rong chơi trên xuồng ba lá không biết chán. Bảy É đã trở thành thiếu nữ, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn mông lung về phía chân trời. Mỗi dịp được ngồi trên xuồng do Út Lẫy bơi, nhìn mây trôi trên bầu trời xanh, vài chú cò trắng đứng soi mình trong làn nước, cô nàng dường như quên hết thời gian.
Tốt nghiệp phổ thông, Lẫy và É cùng lên tỉnh thành học. Út Lẫy học ngành nông nghiệp còn É vào kiến trúc. Ngày nghỉ thường có những cuộc hẹn, với tư cách bạn cùng quê, khi thảo cầm viên, lúc ngắm công viên, thỉnh thoảng lòng vòng dạo phố. Tấp đại bên lề uống ly nước mía ăn ổ bánh mì, nhìn người qua đường cũng vui mắt. Tình cảm chưa kịp nói thành lời.
Bất ngờ, tin mẹ của É bị tai nạn giao thông qua đời, cha chịu nạn chung với mẹ, thương tật trầm trọng. Vì cứu cha mà nhà É nợ nần tứ phía. Nhà nội É mai mối cho cô làm dâu một gia đình giàu có. Mọi chuyện ập đến nhanh như thủy triều. Lẫy bàng hoàng chết lặng nhìn hun hút bóng xe hoa.
*
* *
Học ngành nông nghiệp, hằng ngày hết giờ làm việc trên xã, Út Lẫy chăm lo ruộng vườn sau nhà, sống những chuỗi ngày bận rộn mà yên tĩnh. Mỗi mùa nước nổi bơi xuồng ra cánh đồng ngập nước mênh mông đánh bắt cá, tìm đến đám điên điển ngày xưa, tần ngần một mình, rồi nhìn đám cua còng ranh mãnh thấp thoáng dưới gốc điên điển mà nhớ về ngày đó. Khi bơi xuống ngang chỗ Bảy É đánh rơi chiếc kẹp ngày nào, Út Lẫy hình dung gương mặt hoảng sợ đáng thương của cô. Lại nhớ mái tóc dài bay bay trước đầu xuồng dạo ấy.
Đôi tay Út Lẫy vẫn mải miết tỉa bỏ những cây nhỏ, bón phân thêm, dọn dẹp cỏ hoang xung quanh. Đám điên điển nhờ Út bỏ công chăm sóc vẫn luôn xanh tốt, để đến mùa nước cho rất nhiều hoa. Màu hoa vàng óng rực rỡ trong tâm tưởng Út Lẫy. Nhiều người nói Út Lẫy dư hơi, vì cây điên điển sống khỏe, bộ rễ quến tụ phù sa, không cần chăm sóc. Chỉ có Út Lẫy mới hiểu việc làm của mình không thừa, thậm chí còn chưa đủ. Út Lẫy chăm sóc đám điên điển để có ngày Bảy É lại về đây, nhìn cảnh cũ chưa hề thay đổi, mà nở nụ cười của một thời hồn nhiên vô lo nghĩ.
Hôm nay, nhà Út Lẫy có khách. Bảy É sau nhiều năm cuối cùng đã đủ bình tĩnh và can đảm trở về thăm chốn cũ người xưa. Cô dẫn theo con gái vừa hai tuổi. Út Lẫy hỏi: "Minh Sương có hạnh phúc?". Cô cười: "Sống trọn nghĩa vợ chồng, cho con một gia đình đủ đầy là đủ với mình". Út Lẫy vui buồn lẫn lộn tần ngần ngắm cô con gái đáng yêu của Bảy É.
Sau một hồi tụ họp hàn huyên cùng bọn thằng Hùng, nhỏ Lành. Út Lẫy chống xuồng đưa Bảy É ra bờ điên điển xưa. Tóc cô bay bay, quay lại nói với Út: "Mình mong Út cũng sẽ tìm được hạnh phúc". Út Lẫy cười: "Ừ".
Màu vàng của mùa điên điển dù không đổi, nhưng Út Lẫy không thể chối bỏ rằng thời gian và biến cố cuộc đời đã làm nhiều chuyện thay đổi, không thể quay về như ngày xưa. Đã vậy, Út Lẫy cũng thầm nguyện cho Bảy É mãi hạnh phúc