19/08/2009 - 20:58

Một bí thư chi đoàn năng động...

Anh Nguyễn Trung Thành với con cá kiểng Chép Phụng.

Cách nay khoảng 6 năm, Nguyễn Trung Thành (SN 1982) ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, đã mạnh dạn tìm hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi bằng nghề nuôi cá kiểng. Giờ đây, mô hình nuôi cá kiểng của Thành là điểm sáng ở địa phương. Anh còn là một cán bộ Đoàn năng nổ với nhiều phong trào thiết thực thu hút thanh niên tham gia. Năm 2008, Thành vinh dự được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xét tặng giải thưởng Lương Định Của (tôn vinh thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và tham gia xây dựng nông thôn mới)...

Đến thăm cơ ngơi của Thành ai cũng tỏ ra thích thú khi nhìn những ao cá san sát nhau, màu xanh ngắt của lục bình trải dài trên mặt hồ với nhiều loại cá kiểng đủ màu sắc. Như con ong cần mẫn, ngay từ lúc trời còn tờ mờ sáng, Thành đã rảo quanh các ao nuôi một vòng để thay nước, cho cá ăn, vớt rong rêu... và công việc kéo dài gần hết buổi sáng. Thành phân bua: “Thức ăn phải phân loại ra đối với từng loại cá và ngày tuổi, chăm sóc kỹ lưỡng. Nuôi cá cảnh khó nên phải có đam mê, ít ai chịu làm và cũng không dám đầu tư vì sợ bị lỗ. Riết rồi quen, đi nửa ngày là thấy nhớ. Cá khỏe, khi thấy người thì rộ lên như reo vui đòi ăn, còn cá bệnh bơi lờ đờ trên mặt nước”. Nhìn đôi tay thuần thục với từng động tác cho cá ăn đến việc vớt rong rêu bám trên hồ nhẹ nhàng và nâng niu cho thấy Thành rất yêu quý đàn cá của mình. Hỏi về quá trình nuôi cá kiểng- một câu chuyện dài, Thành kể thao thao bất tuyệt bằng cả nhiệt huyết và lòng say mê. Nhiều năm trong nghề, Thành đúc kết kinh nghiệm: Nuôi cá ngoài kỹ thuật còn phải nhạy với thị trường. Cực nhất là công đoạn cho cá ăn khi cá vừa nở, lúc cá bị bệnh phải xử lý thuốc khéo léo...

Thành đến với nghề nuôi cá cũng là một sự tình cờ. Sinh ra trong gia đình trung nông, mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào 3 công vườn trồng cam, cóc, nhưng gần chục năm qua, ở xứ Phong Điền nhiều nhà vườn trồng cam bị thất bát nặng nề vì bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi... Có gia đình phải gồng gánh con cái đi xứ khác làm ăn, thanh niên thì lên Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... làm công nhân. Lúc ấy, Thành cũng nghĩ mình sẽ ly hương tìm cơ hội làm ăn, nhưng một dịp tình cờ đã thay đổi hẳn ý định của chàng trai trẻ. Vào năm 2003, ông Nguyễn Văn Hiếu (cha của Thành) tận dụng ao trống phía sau nhà, thả vài chục con cá tai tượng nuôi để cải thiện bữa ăn gia đình. Rồi số cá này đẻ trứng, nở con, Thành bắt đầu nảy ra ý định ép cá giống bán. Nghĩ là làm, tháng 7-2003 anh bắt tay vào công việc, chưa có kinh nghiệm và kiến thức nên Thành thất bại ngay lần đầu tiên. Thành kể: “Lúc đầu trứng cá nở rất nhiều nhưng không dưỡng được cá bột, số lượng chết khoảng 90%, do không nắm được kỹ thuật chăm sóc. Không nản chí, được sự động viên của gia đình, nên tôi tìm mọi cách duy trì ao cá, với hy vọng có thể thay đổi cuộc sống”. Thành quyết chí bám đất làm giàu trên chính mảnh vườn của gia đình, vừa nuôi cá, vừa tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Năm 2004, Thành được Xã Đoàn cử tham gia lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản, đây cũng là bước ngoặt làm thay đổi con đường khởi nghiệp của Thành...

Với vốn kiến thức học được, Thành áp dụng ngay trên ao cá nuôi của mình và lần này anh thu được hơn chục triệu đồng tiền bán con giống. Vốn năng động, Thành lân la hết thư viện của xã đến huyện, rồi tìm thông tin trên mạng, tất cả tài liệu liên quan đến ươm giống, ép cá anh đều đem về nghiền ngẫm, không chỉ cho mình mà còn chia sẻ thông tin với thanh niên trong xã. “Thất bại là mẹ thành công”- Thành vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, nhờ vậy mà tỷ lệ thành công luôn được nhân đôi ở lần sau. Rồi trong lần tình cờ, Thành ra Cần Thơ mua thức ăn cho cá, được chủ tiệm bán cá kiểng gợi ý ép thử cá kiểng giống. Nghe bùi tai, nhưng Thành chưa có ý định nuôi cá kiểng, anh mang về thả trong hồ sau nhà để giải trí cho vui. Song thị trường cá giống (cá tai tượng, điêu hồng, rô phi...) rớt giá liên tục, đầu ra khó khăn. Một lần nữa, Thành thử sức ở lĩnh vực mới, lấy ngắn nuôi dài, bán cá thịt thương phẩm để có nguồn phục vụ việc nuôi cá kiểng. Được Xã Đoàn cử đi học lớp Trung cấp thủy sản ở Trường Cao đẳng cơ điện nông nghiệp (Ô Môn)- cơ hội để Thành củng cố và nâng cao kiến thức, anh chuyển sang nuôi cá kiểng. Hơn 5 năm “bén duyên” với nghề, anh hiện có trên 40 hồ cá kiểng với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Với Thành, làm giàu không chỉ có con đường vào đại học mà còn nhiều con đường khác và anh đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình, trở thành một thanh niên nông thôn tiên tiến thế hệ 8X... Thành kể, tốt nghiệp phổ thông, hai năm liền Thành từng làm hồ sơ thi vào ngành Sư phạm tiểu học, Thú y- Trường Đại học Cần Thơ, với ý nghĩ sau khi ra trường về quê đi dạy học đỡ đần gia đình và phục vụ bà con nông dân. Nhưng rồi giảng đường đại học chỉ là giấc mơ, nên anh đành gác lại và chuyên tâm cho việc làm nông, phụ giúp gia đình. Ngoài công việc gia đình, Thành còn tham gia công tác Đoàn ở địa phương và anh luôn năng nổ đi đầu trong việc tham gia vận động đoàn viên, thanh niên chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tự tin vươn lên làm giàu. Nguyễn Trung Thành hiện là Bí thư Chi đoàn ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa. Thành sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm bản thân và bán cá giống trả chậm cho thanh niên trong xóm khi có nhu cầu phát triển kinh tế. Mỗi khi có đợt tuyên truyền về chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng- anh luôn là một tuyên truyền viên đắc lực của xóm, ấp: người Bí thư đoàn năng nổ luôn vác loa rong ruổi khắp xóm để tuyên truyền cho bà con. Anh cùng đoàn viên thanh niên trong ấp phát quang bụi rậm, làm đường thông thoáng, sửa chữa cầu giúp cho việc đi lại của người dân được thuận lợi... Ngoài ra, Thành còn tìm hiểu và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của thanh niên để kịp thời hỗ trợ về mặt vật chất, tinh thần. Nhằm thu hút nhiều đoàn viên thanh niên tham gia hoạt động Đoàn, Thành luôn năng động thay đổi nội dung sinh hoạt với nhiều hình thức sinh động, những sáng kiến trong sản xuất của các thành viên sẽ được đưa ra bàn bạc, thảo luận làm mô hình học hỏi, rút kinh nghiệm. Thành tìm những câu chuyện về Bác Hồ phổ biến cho đoàn viên thanh niên trong ấp học tập, làm theo. Với những thành tích đạt được, Thành nhận rất nhiều giải thưởng, bằng khen của Trung ương và địa phương. Cuối năm 2008, Thành vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham gia xây dựng nông thôn mới...

Sau 6 năm xây dựng và phát triển, hiện nay mỗi năm, cơ sở của Thành cung cấp ra thị trường trên 60.000 con cá kiểng các loại, không chỉ ở TP Cần Thơ, mà mở rộng sang các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu. Ngoài việc chủ động tìm kiếm thị trường, trong kinh doanh, Thành đặt chữ tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu để giữ chân khách hàng. Ông Nguyễn Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa nhận xét: “Mô hình nuôi cá kiểng của Nguyễn Trung Thành có hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp gia đình cải thiện đời sống vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thành là một thanh niên gương mẫu trong lao động, lối sống, cuối năm 2006 Thành đã vinh dự được kết nạp Đảng”. Theo ông Nam, Thành là gương điển hình thanh niên nông thôn với nhiều ý tưởng làm giàu chân chính và mô hình của anh có thể nhân rộng cho các chi đoàn khác học tập.

Chia tay Thành, tôi nhớ mãi lời tâm sự chân tình pha lẫn mộc mạc của anh: “Làm nông nghiệp dù rủi ro nhưng nếu mình biết cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nó sẽ trở thành mô hình phát triển rất bền vững. Nhưng đòi hỏi mình phải có tình cảm với mảnh đất quê mình, chịu thương chịu khó, việc làm giàu đâu có gì khó!”. Nhìn cơ ngơi hiện tại cùng lời tâm sự của Thành, anh xứng đáng là hình ảnh của tuổi trẻ hôm nay: năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, luôn tạo cơ hội cho bản thân vươn lên trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Bài, ảnh: M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết