24/04/2015 - 09:17

Môi trường đầu tư ĐBSCL qua góc nhìn PCI 2014

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI năm 2014) đánh dấu quá trình 10 năm cộng đồng doanh nghiệp "xếp hạng" môi trường đầu tư và "chấm điểm" chính quyền địa phương. Tuy nhiên, với các địa phương trong vùng ĐBSCL, kết quả PCI năm 2014 không có nhiều tín hiệu vui bởi có đến 11/13 tỉnh, thành trong vùng tụt hạng.

* Tín hiệu cảnh báo từ "vùng sáng"

Nhiều năm liền, ĐBSCL được đánh giá là khu vực năng động, môi trường đầu tư thông thoáng với các chỉ số thành phần: thiết chế pháp lý tốt, chính quyền năng động, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức thấp. Đó chính là "phần mềm bù lỗ" cho những hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực mà nhiều địa phương đang nỗ lực khắc phục. Mặc dù ĐBSCL vẫn là "vùng sáng" trong bản đồ PCI cả nước, 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Kiên Giang trong "Top 10", thuộc nhóm "rất tốt" và "tốt", 8 địa phương trong nhóm "khá"; nhưng bảng xếp hạng năm nay ghi nhận tình trạng 11 tỉnh, thành trong vùng đồng loạt tụt hạng là một chỉ báo cần được quan tâm.

Đồng Tháp và Long An là 2 tỉnh trong vùng tăng hạng. Đồng Tháp không chỉ tiếp tục khẳng định "phong độ" nhiều năm liền mà còn vươn lên vị trí thứ 2 cả nước, tăng 4 bậc. Nhiều chỉ số thành phần của Đồng Tháp đạt điểm số cao và tăng vọt như: gia nhập thị trường tăng từ 7.02 lên 9.37 điểm, chi phí thời gian từ 6.76 lên 8.45 điểm, thiết chế pháp lý từ 5.68 lên 7.91 điểm. Tỉnh "khuất nẻo" này lại được đánh giá cao về chỉ số cơ sở hạ tầng qua cảm nhận của doanh nghiệp (xếp thứ 6 cả nước), cao hơn Cần Thơ (thứ 14), Hà Nội (15) và Long An (19). Nói như Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: "Từ chỉ số PCI, nghĩ đến sức bật mới và giấc mơ khởi nghiệp". Đó là hành trình thay đổi tư duy - hành động, ứng xử theo kiểu "xin - cho" thành "đồng hành cùng doanh nghiệp", từ "suy nghĩ cho doanh nghiệp" đến "suy nghĩ như doanh nghiệp", từ "quản lý, điều hành" thành "kiến tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp".

Lãnh đạo TP Cần Thơ họp nghe các doanh nghiệp FDI kiến nghị giải quyết khó khăn vướng mắc trong hoạt động kinh doanh. Ảnh: ANH KHOA

"Thành tích" địa phương thứ hai trong vùng phải kể đến là Long An, xếp thứ 2 trong vùng, thứ 7 cả nước, tăng 12 bậc, các điểm số thành phần cũng rất ấn tượng: gia nhập thị trường tăng từ 7.32 lên 8.19 điểm, chi phí thời gian từ 6.51 lên 7.21 điểm, thiết chế pháp lý từ 5.8 lên 7.21 điểm.

Trường hợp của Kiên Giang, xếp thứ 3 trong vùng ĐBSCL, thứ 9 cả nước, tuy tụt hậu 6 bậc, nhưng các điểm số thành phần tương ứng cũng đạt khá: gia nhập thị trường tăng từ 7.34 lên 8.64 điểm, thiết chế pháp lý từ 6.4 lên 7.33 điểm; điểm tổng hợp sụt giảm do các điểm số thành phần như phí không chính thức, tính năng động, tiếp cận đất đai sụt giảm. 10 địa phương còn lại trong vùng đồng loạt tụt hạng, từ 5 đến 19 bậc. Cần Thơ - thành phố trung tâm, động lực của vùng, nếu như năm 2013 vươn từ vị trí thứ 14 lên thứ 9, tăng 5 bậc, thì năm nay rớt 6 bậc, xếp thứ 15 cả nước. Mặc dù điểm số thành phần gia nhập thị trường tăng từ 7.38 lên 8.48 điểm, thiết chế pháp lý tăng từ 5.0 lên 6.38 điểm, nhưng các chỉ số khác đều giảm sút, thậm chí thấp dưới ngưỡng như: tính năng động giảm từ 6.46 xuống 4.03 điểm, về chi phí không chính thức, điểm số giảm từ 7.63 xuống 5.61, tiếp cận đất đai cũng giảm từ 6.58 xuống 5.66 điểm.

"Điểm đen" của ĐBSCL được ghi nhận là việc 2 tỉnh rơi vào "nhóm thấp" và "tương đối thấp". Đó là trường hợp Cà Mau nhiều năm còn "lẹt đẹt" ở nhóm cuối, tiếp tục rớt 2 bậc, xếp hạng 58/63 tỉnh, thành cả nước; Tiền Giang "rơi tự do" từ nhóm khá năm trước, giảm 15 bậc xuống hạng 52, vào nhóm "tương đối thấp". Tương tự là Trà Vinh, từ "hiện tượng" phấn đấu của các năm trước, nay giảm 19 bậc, từ hạng 13 xuống 32 cả nước.

* Nên hướng đến giá trị "cốt lõi"

Năm nay là năm thứ 10 VCCI tổ chức công bố chỉ số PCI. Tuy chỉ có giá trị tham khảo, nhưng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL rất quan tâm kết quả xếp hạng này. Lãnh đạo nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã tổ chức họp đánh giá, phân tích nghiêm túc kết quả PCI, mổ xẻ mặt mạnh, điểm yếu của mình, "đặt hàng" bộ máy tham mưu phải có giải pháp, quyết tâm cải thiện thứ hạng, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ cần địa phương nào lơ là, tự hài lòng, là tự rơi vào cái bẫy do mình giăng ra. PCI là một quá trình nỗ lực liên tục không ngừng. Kết quả tốt một tỉnh làm được, thì tỉnh khác cũng làm được và có thể làm tốt hơn. Cuộc cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng và "fair play" giữa các địa phương là một vòng xoáy vô cùng, không có nhiều không gian, thời gian cho sự dừng lại để nghỉ ngơi. Mặt khác, PCI không phải là một loại "bằng khen" kết thúc một năm thi đua, mà nó chính là một công cụ đo lường điều hành kinh tế của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Để giải quyết được những khó khăn, thách thức về cơ sở hạ tầng, chống tiêu cực, nhũng nhiễu, thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo lao động, chính quyền địa phương cần tiến hành đồng bộ cải cách thể chế, điều hành năng động và nhiều việc phải làm hơn là nhắm vào thứ hạng. Việc "vượt lên chính mình" còn quan trọng hơn "vượt qua tỉnh bạn". Thứ hạng cao hơn so với năm trước cũng chẳng mang lại nhiều ý nghĩa nếu như các chỉ số đo "hàn thử biểu" - mức độ hài lòng của doanh nghiệp không tốt hơn, môi trường đầu tư không hấp dẫn hơn, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không được nâng cao hơn.

Vì vậy, vấn đề "cốt lõi" là chính quyền địa phương cần nhìn môi trường đầu tư, chất lượng quản lý điều hành ở không gian rộng lớn hơn là "tư duy hành chính tỉnh". Đó là sự liên kết vùng để tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn. Xét ở góc độ này, PCI của 10 năm qua chưa được tính đến. Trong 9 chỉ số thành phần CPI, chưa có chỉ số "liên kết vùng". Đó cũng chính là "đơn đặt hàng" cho các nhà làm PCI trong thời gian tới, là phương tiện để chính quyền địa phương "nắm tay nhau" cùng tiến bộ hơn là "cạnh tranh nhau" để có thứ hạng cao theo kiểu "xé rào thu hút đầu tư" đã từng xảy ra không lâu!

Trần Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết