18/11/2022 - 12:29

Mộc mạc cồn Hô 

Bài, ảnh: ÁI LAM

Cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 20km, cồn Hô (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) là điểm đến xanh của tỉnh Trà Vinh, đang thu hút du khách gần xa. Vườn cây sum suê trĩu quả, không gian xanh thoáng mát, cồn Hô vẫn giữ nét hoang sơ, dân dã hiếm có của miệt vườn Nam Bộ xưa.

Du khách tham quan cồn Hô.

Du khách tham quan cồn Hô.

Cồn Hô là một cù lao nhỏ giữa dòng Cổ Chiên, quanh năm được phù sa bồi lắng, đất đai màu mỡ, vườn cây quanh năm xanh tốt. Nhìn từ xa, cồn Hô hiện lên là một dải đất xanh mướt, yên bình. Quả thực, không gian nơi đây rất tĩnh lặng với chỉ 12 hộ dân sinh sống. Cuộc sống của bà con gắn bó với ruộng vườn, đánh bắt cá trên sông. Ông Huỳnh Văn Nguyên, thường gọi ông Hai Nguyên, một người dân cố cựu trên đất cồn, cho biết theo dân gian truyền miệng, xưa có một cá hô rất to, chết, trôi dạt vào cồn. Người dân nơi đây đã tổ chức an táng và coi đó là thần ngư. Từ đó lấy tên đặt là cồn Cá Hô. Nhìn từ trên cao hoặc trên bản đồ cồn cũng có hình dạng giống như con cá hô. Về sau tên gọi ngắn đi là cồn Hô.

Trước kia cồn Hô có diện tích 29ha, nhưng do sạt lở hiện chỉ còn khoảng 25ha. Trên cồn, chỉ có con đường đê bằng đất kết nối các nhà với nhau. Do đó, khi tham quan trên cồn Hô du khách chỉ có thể đi bộ. Ông Hai Nguyên nói: “Người dân ở đây sống tình cảm, chan hòa. 12 hộ dân xem nhau như người thân trong gia đình, luôn giúp đỡ lẫn nhau. Vì thế, khi quyết định làm du lịch cải thiện đời sống, mọi người đều đồng lòng”. Người dân trên cồn sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn trái, trong đó cây chủ đạo là bưởi da xanh. Đôi lúc có xen canh các loại cây cam, quýt, dừa, các loại thảo dược… Khi nông nhàn thì đánh bắt cá trên sông kiếm thêm thu nhập. Khi làm du lịch, bà con nơi đây phải tự thân đầu tư mọi thứ, có gì làm đó, hình thành nên mô hình du lịch “tự thân”.

Du khách check-in ở vườn Vũ Minh.

Du khách check-in ở vườn Vũ Minh.

Khi đến cồn Hô, du khách sẽ ấn tượng bởi những mảnh vườn xanh mướt, nối tiếp nhau, với vài mái tranh thấp thoáng. Nhà vườn Vũ Minh đón chào du khách bằng một không gian xanh mát mẻ của những cây bưởi, cây dừa sum suê trĩu quả. Chỉ cần thả bộ ra vườn, du khách có thể bắt gặp những liếp rau xanh, giàn bầu bí đầy trái, vườn lan rực sắc. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm hái dừa, chèo ghe dọc theo các mương hái trái cây, câu cá rồi cùng gia chủ làm cá nướng trui. Anh Nguyễn Vũ Minh nói: “Khi làm du lịch tôi cải tạo vườn, cảnh quan cho đẹp mắt, còn lại thì giữ nguyên nếp sống miệt vườn xưa nay, làm sao để du khách khi đến đây sẽ cho họ cảm giác như trở về nhà ở quê, thoải mái và vui vẻ”.

Men theo con đê đất đến vườn thảo dược Hai Trải của chị Châu Thị Phụng, chị đón chào du khách bằng nụ cười thân thương của người Nam Bộ. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm ngâm chân thư giãn trong nước thảo dược. Nguyên liệu chính của nước thảo dược này là những lá cây quanh vườn nhà, như: sả, gừng, lá lốt… Tất cả được nấu theo bí quyết gia truyền của gia đình, mục đích là làm ấm chân, lưu thông mạch máu, giảm bớt mệt mỏi khi lao động nặng. Đối với du khách đi bộ nhiều thì việc ngâm thảo dược sẽ giúp mát xa chân, giảm mỏi. Chị Châu Thị Phụng chia sẻ: “Tại đây, mỗi nhà sẽ làm một sản phẩm. Nhà nào có gì thì góp sức làm sản phẩm đó. Hồi lúc bắt đầu, tôi cũng lo vì không biết mình nên làm cái gì. Sau nghĩ đến gia đình có mấy bí quyết về thảo dược, nên làm. Nhờ làm du lịch mà cuộc sống của gia đình tôi tốt hơn trước, chồng chạy tàu đưa khách, còn tôi thì đón khách ở vườn thảo dược. Ở đây mỗi tháng cũng có vài chục khách, trong đó có nhiều khách quốc tế. Hoạt động du lịch ở cồn cũng đang được nhiều người biết đến hơn”.

Du lịch cồn Hô đi vào hoạt động từ tháng 10-2020, có khoảng 8 dịch vụ để du khách trải nghiệm: tham quan vườn cây ăn trái, nghề làm rượu, chèo ghe, bơi xuồng, câu cá, ngâm chân thảo dược, thưởng thức ẩm thực… Các nhà vườn vẫn giữ cái tên thường gọi dân dã của người Nam Bộ, như: vườn Hai Nguyên, lò rượu Tư Lập, vườn thảo dược Hai Trải, ẩm thực Ba Phi… Đặc biệt tại đây có hoạt động trải nghiệm đèn dầu về đêm. Những chiếc đèn dầu le lói trong không gian tĩnh mịch của vườn cây tựa như đưa du khách trở về thời xa xưa của nông thôn miền Tây, khi chưa có điện. Chị Cao Thị Miền, Công ty du lịch Đại Lợi (Trà Vinh), nói: “Tour đèn dầu thường bắt đầu từ 3-4 giờ chiều. Sau khi du khách trải nghiệm các điểm tham quan thì trời cũng sập tối, lúc đó sẽ thấy được các nhà thấp đèn dầu trước sân. Đi bộ trong đêm tối với ánh đèn le lói sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm về nông thôn xưa”. Còn Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc công ty TNHH du lịch Việt Xanh (An Giang), bày tỏ: “Lâu lắm rồi tôi mới trải nghiệm lại không gian quê đúng nghĩa như thế này và cũng không nghĩ rằng giữa nhịp sống hiện đại sẽ còn địa phương như thế. Cồn Hô mang đến cho người ta cảm giác sống lại ký ức xưa về văn minh miệt vườn hồi đó”.

Vẫn giữ nét hoang sơ, dân dã với không gian xanh lý tưởng, cồn Hô thích hợp là điểm đến để thư giãn, trải nghiệm tìm hiểu về văn hóa nông thôn Nam Bộ. Đặc biệt sự thân thiện, chất phác và hiếu khách của người dân nơi đây rất dễ níu chân du khách.

 

Chia sẻ bài viết