22/05/2011 - 22:24

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ- KỸ THUẬT CẦN THƠ

Mở rộng mô hình đào tạo liên thông

Giờ thực hành của sinh viên lớp liên thông trung cấp lên cao đẳng ngành Chăn nuôi,
Trường CĐ KT-KT Cần Thơ.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện mô hình đào tạo liên thông, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (CĐ KT- KT) Cần Thơ đang tiếp tục mở rộng quy mô loại hình đào tạo này. Trong năm học mới 2011-2012, trường tuyển sinh nhiều ngành học liên thông nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học...

Với nhiều ưu điểm, như: có thể học tiếp lên bậc học cao hơn mà không phải học lại từ đầu; khi tốt nghiệp được cấp bằng chính quy; có thể vừa học vừa làm; không phải chịu quá nhiều áp lực và “cạnh tranh” khi thi cử... nên học liên thông được xem là một giải pháp hợp lý đối với những người muốn nâng cao trình độ chuyên môn và những học sinh muốn học đến trình độ đại học hoặc cao hơn nhưng sức học không vượt trội... Anh Nguyễn Phú Khương hiện đang học liên thông ngành Chăn nuôi Thú Y tại Trường CĐ KT- KT Cần Thơ, chia sẻ: “Sau khi học xong trung cấp Chăn nuôi Thú Y tôi đã đi làm một thời gian rồi mới tiếp tục đăng ký học liên thông lên cao đẳng. Chương trình đào tạo liên thông rất phù hợp với khả năng và điều kiện học tập của tôi. Tôi dự kiến sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục học liên thông lên đại học. Mặc dù thời gian học dài hơn so với học thẳng lên đại học nhưng bù lại, sau khi tốt nghiệp, ngoài kiến thức chuyên môn, tôi đã có kiến thức thực tế vững vàng...”.

Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ KT - KT Cần Thơ, cho biết: “Nắm bắt được xu hướng phát triển của mô hình học liên thông, 4 năm qua, Trường CĐ KT-KT đã mở nhiều lớp liên thông, bao gồm liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và cao đẳng lên đại học ở các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Bác sĩ thú y, Nuôi trồng thủy sản... Đến nay đã có trên 600 sinh viên ở các lớp liên thông ra trường. Đa phần các sinh viên này đều có việc làm ổn định, thu nhập khá tốt hoặc tiếp tục học cao hơn”. Để phát huy loại hình đào tạo này, tạo cơ hội cho nhiều đối tượng học tập nâng cao trình độ, theo kế hoạch, năm 2011, Trường CĐ KT-KT Cần Thơ tuyển 180 sinh viên cho ngành Chăn nuôi thú y, Nuôi trồng Thủy sản, Quản trị Đất đai (liên thông từ trung cấp lên cao đẳng); 320 sinh viên cho 4 ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Bác sĩ thú ý, Nuôi trồng thủy sản (từ cao đẳng lên đại học) và 160 sinh viên liên thông từ trung cấp lên đại học ở ngành kế toán. Theo lời ông Chinh, để đảm bảo điều kiện nhân lực, vật lực cho công tác đào tạo, thời gian qua, Trường CĐ KT- KT Cần Thơ đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường hiện có 171 người, trong đó trên 60% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học. Các giảng viên đều có kinh nghiệm, nỗ lực đổi mới phương phát giảng dạy cho phù hợp với từng loại hình đào tạo. Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyên, Trưởng khoa Kinh tế- Nông nghiệp, có thời gian hơn 20 năm đứng trên bục giảng, trong đó hơn 4 năm dạy các lớp liên thông, cho biết: “Sinh viên các lớp liên thông có ưu thế là phần lớn đã đi làm, có tay nghề, vốn sống thực tế tốt nên dễ đối chiếu, hiểu sâu bài giảng. Tuy nhiên, cũng vì đang đi làm nên sinh viên thường bị động về thời gian. Bên cạnh đó, so với các lớp đại học, cao đẳng chính quy, sinh viên học liên thông ở nhiều độ tuổi, khả năng tiếp thu cũng có phần chênh lệch. Vì vậy, để việc học đạt hiệu quả, bên cạnh đòi hỏi người học thật sự chuyên cần, giảng viên cũng phải có cách dạy phù hợp”.

Mặc dù có nhiều nỗ lực khắc phục những khó khăn, nhưng thực tế, việc đào tạo liên thông ở các trường nói chung, Trường CĐ KT-KT Cần Thơ nói riêng, vẫn còn gặp một số vướng mắc. Theo Điều 4, Quyết định số 06-2008/QĐ-BGDĐT về quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, đại học thì đối với đào tạo liên thông trung cấp lên CĐ hoặc từ CĐ lên đại học thì người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học, người có bằng tốt nghiệp trung cấp phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn mới được tham gia dự tuyển. Theo thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, quy định này khiến việc học của các sinh viên gián đoạn một thời gian khá dài mới được tiếp tục nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc học. Ông Chinh đề nghị: “Để rộng đường cho học sinh học liên thông, cần nghiên cứu lại quy định theo hướng cho người tốt nghiệp trung cấp hoặc CĐ trung bình- khá được dự thi học liên thông, thay vì phải mất thêm 1 năm- vì còn phải qua một kỳ thi tuyển”. Còn theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, hiện nay, các lớp liên thông đều phải qua thi tuyển nên ít nhiều làm hạn chế số lượng thí sinh vào học. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các trường trong việc quyết định hình thức tuyển sinh (có thể thi tuyển hoặc xét tuyển) hệ vừa làm, vừa học, liên thông nhằm tạo điều kiện để sinh viên vào học. Và trường sẽ tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, bởi “sản phẩm” đầu ra sẽ quyết định thương hiệu của nhà trường.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết