02/12/2023 - 15:26

Mình là vợ chồng

Từ ngày kết hôn, Hồng không đi làm công nhân như trước mà mở tiệm may nhỏ tại nhà. Vừa nhận may quần áo cho khách, Hồng tranh thủ lo vườn tược, cơm nước, chăm sóc mẹ chồng đau ốm... Cứ thế, suốt 10 năm qua, một mình cô gồng gánh việc nhà. Hiệp - chồng cô làm kỹ sư cầu đường, bôn ba tứ xứ, những mong gầy dựng kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. 

Khi kết hôn, Hồng lường trước 2 vợ chồng sẽ thường xuyên xa cách nhưng cô không nghĩ rằng, suốt hơn 10 năm, anh cứ đằng đẵng xa nhà. Mỗi năm, anh chỉ về vài lần vào các dịp lễ, Tết. Tuy vợ chồng thường xuyên gọi điện thoại cho nhau nhưng anh rất kiệm lời, chỉ hỏi thăm qua loa. Cuộc trò chuyện giữa 2 người thường không cùng quan điểm, dù đơn giản như việc cho con vào học trường điểm, mua thêm máy điều hòa... Cứ bàn đến việc nhà, Hồng lại thấy chồng cáu bẳn, bảo cô tự mình lo liệu. Hồng rất buồn, suy nghĩ phải chăng chồng cô “xa mặt cách lòng” như người ta vẫn nói. Cô thấy hẫng hụt và cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. 

Hơn tháng qua, mẹ chồng đổ bệnh, Hồng tất tả chăm nom. Thương con dâu, bà Hai cũng hiểu rõ tình cảnh vợ chồng cô hơn ai hết. Hôm ra khỏi phòng phẫu thuật, bà nhẹ nhàng gọi cô đến bên cạnh, kể cho cô nghe câu chuyện ngày xưa. Bà nói lúc trước cảnh nhà nghèo rớt mồng tơi, chiều nào chủ nợ cũng tìm đến đòi nợ. Ba chồng cô lao lực, bị tai biến nhưng gia đình túng quẫn, không cứu chữa kịp thời. Kể từ ngày ba mất, Hiệp tự hứa phải kiếm thật nhiều tiền mong đổi đời. Ðến khi trưởng thành, anh bôn ba khắp nơi, cũng vì vậy mà ít quan tâm vợ con... Bà Hai chỉ mong Hồng cảm thông để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hồng nghe mà chạnh lòng. Quả thật, chồng cô sống vô cùng tiết kiệm. Tiền lương tháng nào cũng gửi gần hết cho vợ con, chỉ dành một ít chi tiêu ăn uống. Mấy năm qua, anh không dám mua áo mới cho mình, nhưng Tết nào cũng chủ động kêu vợ con đi sắm sửa… Dẫu lời nói anh đôi lúc cộc cằn nhưng anh chưa làm gì lỗi lầm với vợ con.

Mẹ chồng xuất viện, Hồng đưa con gái vào Nam thăm chồng. Chật vật cả quãng đường xa cô mới tìm được nơi anh sinh sống. Trong căn trọ nhỏ, cô thấy chồng mặt mũi lấm lem, tất tả sửa máy cho khách hàng để kiếm thêm thu nhập. Nhìn căn bếp chỉ có nồi cơm nhỏ, dĩa cá khô mặn cùng mấy gói mì tôm treo vắt vẻo… lòng cô trào dâng nỗi xót xa. Tối đó, hai vợ chồng cùng trò chuyện thẳng thắn, giãi bày hết những khúc mắc bấy lâu để thấu hiểu nhau hơn. Ðây cũng là lần đầu tiên Hiệp có cơ hội cầm bàn tay vợ thật kỹ, đôi bàn tay chai sần, có thêm những vết sẹo để lại từ lâu mà anh không hay biết. Anh lặng người khi biết chốn quê nhà, vợ tảo tần sớm hôm. Còn Hồng cũng thấy thật thương chồng vất vả, cô không còn trách móc anh vô tâm... Ðó cũng là lần đầu tiên vợ chồng cô có cùng quan điểm, cùng thống nhất sẽ trở về quê lập nghiệp, trên hết là cả gia đình được đoàn tụ, hạnh phúc.

MÂY HỒNG

Chia sẻ bài viết