25/09/2010 - 20:00

Hướng tới 1000 năm Thăng Long- Hà Nội

Lý Thánh Tông - ông vua thứ ba Triều Lý
Học từ thuở ấu thơ, lên ngôi trị quốc thành vua đa tài

Mùa xuân năm Quý Hợi (1023) khi chưa lên ngôi Hoàng đế, Hoàng tử Lý Phật Mã(tức vua Lý Thái Tông) và Kim Thiên Mai Thị đã sinh cho Triều Lý một con trai trưởng, đặt tên là Lý Nhật Tôn.

Năm Thuận Thiên thứ 19 (1028) vua Lý Thái Tổ băng hà. Lý Phật Mã nối ngôi, lấy niên hiệu là Lý Thái Tông. Một năm sau, Lý Nhật Tôn được vua cha phong là “Đông Cung thái tử” khi mới 6 tuổi đời.

Hoàng tử Nhật Tôn đã nhiều lần được theo vua cha đi chinh chiến, đánh đông dẹp bắc, bảo vệ mở mang bờ cõi Đại Việt, củng cố Vương triều. Nhật Tôn đã mục kích chứng kiến nhiều biến cố trọng đại, nắm bắt nhân tình thế thái, làm quen với triều chính, tiếp cận cuộc sống thần dân.

Chùa Một Cột. Ảnh: TƯ LIỆU 

Năm 1037, Nhật Tôn đã được cha phong làm “Đại nguyên soái” cùng cha đi đánh giặc vùng Sơn cước Lâm Tây xa lắc (bây giờ là Sơn La- Lai Châu- Tây Bắc tổ quốc), lập nhiều chiến công lớn, đánh giặc loạn. Năm 1039 vua cha Lý Thái Tông đi dẹp bọn Nùng Tôn Phúc vùng biên ải phía Bắc, Lý Nhật Tôn được cử làm “giám quốc”, coi sóc kinh thành ở hậu phương, xử lý công việc triều chính, trực tiếp xét xử nhiều vụ kiện tụng thấu lý đạt tình theo “Hình thư” quy định, trông coi việc xây điện Quảng Vũ to đẹp, hoàng tráng theo chỉ lệnh của vua ban.

Năm 20 tuổi (1043), Lý Nhật Tôn được cử làm “Đô thống Đại nguyên Soái” đi đánh Châu Ái (nay là vùng đất Thanh Hóa cách kinh đô Thăng Long hàng trăm dặm đường). Năm 1044, khi vua cha đi đánh Chiêm Thành ở phương Nam, Lý Nhật Tôn được giao làm “Lưu thủ kinh sư” (nhiếp chính), thay cha giải quyết công việc chính sự - và nhiều công việc khác đại sự của quốc gia.

Tuy mới lên ngôi được hơn hai giáp (1028-1054) vua cha Lý Thái Tông thấy mình yếu đi nhiều, đã hạ chiếu cho phép Lý Nhật Tôn được ra coi chầu, nghe chính sự. Mùa thu năm Giáp Ngọ (1054), Lý Nhật Tôn lên ngôi hoàng đế niên hiệu là Lý Thánh Tông khi 31 tuổi, đủ năng lực, thành thạo trị quốc do đã qua 2 thập niên được vua cha đào tạo qua thực tiễn, làm quen với việc cai quản một quốc gia.

Trong 18 năm trị quốc, Lý Thánh Tông vừa quan tâm thực hiện an dân, dĩ nông vi bản, sửa sang việc văn. Vua còn rất chú trọng “phòng thủ” cả 2 đầu đất nước, kể cả việc phát huy thanh thế “Quốc uy” với một nước lớn ở ngoại biên, sử dụng tốt tài năng của các võ tướng Lý Thường Kiệt- Tông Đản đem quân bình định Châu Ung, Châu Khiêm. Năm 1059, vua mang quân đến đây để phô trương “binh uy”. Năm sau đó, vua lại cho tướng Thân Thiệu Thái cai quản Lạng Châu (Lạng Sơn) đánh quân Tống gây hấn ở đây, bắt sống Dương Bảo Tài- Tướng của nhà Tống. Vua Tống cử sứ thần sang giảng hòa.

Ở Phương Nam, Chiêm Thành thường xuyên gây rối. Năm 1096, Thánh Tông thân chinh bắt sống vua Chiêm là Chế Củ, đem về Thăng Long giam giữ. Ít lâu sau Chế Củ được trả lại tự do. Để tri ân tấm lòng nhân ái, bao dung của Hoàng đế và nhân dân Đại Việt, vua Chiêm cắt 3 châu là Địa Lý, Ma Linh, và Bố Chánh dâng cho vua Đại Việt (nay là các huyện Lệ Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa thuộc Quảng Bình)...

Bên cạnh tài trị nước, võ công hiển hách, tấm lòng trung hậu, yêu dân là nét đặc trưng nhất của vua Lý Thánh Tông, được lưu truyền qua sử sách.

Mùa đông năm Ất Mùi (1055), trong tiết đại hàn, nhà vua đã nói với triều thần: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù tội bị giam ngục tối khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc chẳng ấm thân, khốn khổ vì đói rét, hoặc có kẻ chết không đúng tội, trẫm rất xót thương”, nhà vua đã lệnh cho Hữu Ty phát chăn chiếu và cấp cơm ăn 2 bữa mỗi ngày cho tù nhân.

Tiếng đồn lan nhanh, vang xa, thần dân mến phục vua Lý và nhủ nhau phải ăn ở “đức nhân”, làm theo phép nước để thiên tử vui lòng.

Lý Thánh Tông còn là một vị vua sùng đạo Phật. Vua làm theo triết lý “từ bi” của đạo Phật, cho xây nhiều chùa lớn nổi tiếng như chùa Sùng Khánh, Báo Thiên, Thiên Phúc, Thiên Thọ, dựng tháp Báo Thiên cao nhất, phát trên một vạn cân đồng để đúc chuông, viết văn trên văn bia chùa Tiên Du chữ “Phật” cao một trượng 6 thước.

Vua còn cho sửa lại Hồ Tây, xây cung Dâm Đàm kề đó để tiện việc ngự giá câu cá, bơi thuyền, cho người học hiểu nhạc khúc, cách đánh trống cho người Chiêm Thành ở ngoài biên giới phía Nam để dạy lại nhạc công trong cung.

Quốc thái, dân an, năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông đột ngột băng hà sau 50 năm hưởng dương, trong đó có 19 năm trị quốc, Thái tử Càn Đức (con trai vua và Nguyên phi Ỷ Lan) nối nghiệp, niên hiệu Lý Nhân Tông khi còn nhỏ nhưng có Nguyên Phi Ỷ Lan nhiếp chính cùng các trung thần Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành phò tá, người coi việc võ, người chăm sóc việc văn, non sông Đại Việt vẫn vững bền, phát triển.

Đà Giang

Chia sẻ bài viết