20/06/2022 - 08:59

Lưu giữ hương vị bánh dân gian 

“Khuôn bếp luôn đỏ lửa” là mong muốn của chị Trần Thị Thu Pha, chủ cơ sở bánh kẹp Nguyễn Trường, ở khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, khi say sưa kể về nghề gắn bó hơn 20 năm qua. Thông lệ cứ 12 giờ đêm, lúc mọi nhà, mọi người ngủ say, thì khuôn bếp nhà chị Pha lại đỏ lửa đón ngày lao động mới. Không đơn thuần để mưu sinh, chị Pha rất vui được giới thiệu và lan tỏa hương vị bánh quê đến thực khách gần, xa…

Người thợ mong muốn lưu giữ hương vị giòn thơm bánh kẹp truyền thống.

Trưa nắng lên cao, các chị vẫn tập trung nướng bánh với 12 khuôn bếp đỏ rực, trán lấm tấm mồ hôi nhưng ai cũng khẩn trương, kết thúc mẻ bột cuối trong ngày. Mỗi người thao tác nhịp nhàng, thuần thục đổ bánh, gỡ và quấn bánh ngay trên khuôn bếp. Với đôi tay khéo léo của các chị, những cái bánh kẹp giòn, xốp, thơm lừng lần lượt ra lò. Cẩn thận sắp xếp từng cái bánh, chị Thu Pha cho biết: “Khi mọi hoạt động trở lại bình thường sau dịch bệnh, tôi cũng bắt tay khôi phục kinh doanh, sửa sang khuôn bếp, trang thiết bị, kêu gọi nhân công trở lại làm việc, kết nối đầu mối lớn, nhỏ tại các chợ. Nhờ công nghệ thông tin, mạng xã hội nên việc nắm nhu cầu đặt hàng càng nhanh chóng, hiệu quả. Tuy số lượng bánh chưa nhiều như trước nhưng cũng là tín hiệu phục hồi khá lạc quan. Ðiều cần làm là đảm bảo chất lượng và giữ giá thành sản phẩm để duy trì mối quen và phát triển đơn hàng mới”.

Chị Pha kể, làm bánh kẹp là nghề truyền thống tại địa phương. Thời con gái, chị đã làm nghề nướng bánh kẹp mướn tại các cơ sở trên địa bàn phường. Chị Pha chuyên cần làm việc, vừa trau dồi tay nghề, học “lóm” công thức pha bột cân bằng độ giòn, xốp, ngọt, béo theo khẩu vị chung, tích lũy kinh nghiệm nướng bánh để trở thành thợ giỏi, với mong muốn sau khi lập gia đình có thể làm chủ cơ sở bánh kẹp. Năm 2015, vợ chồng chị Pha bắt đầu khởi nghiệp mở lò bánh kẹp nhỏ tại nhà với lưng vốn ít ỏi. Chị Pha chia sẻ: “Ðúng là “vạn sự khởi đầu nan” nhưng vợ chồng tôi không nản lòng còn động viên nhau nỗ lực. Lúc đầu, mỗi ngày làm vài ký bột, được hơn chục ký bánh, bán lẻ. Vợ chồng chở nhau mang bánh đi khắp chợ xã, chợ quê chào hàng, tìm mối. Về sau, sản lượng tăng dần và đơn hàng đều đặn. Từ vài mối hàng lúc đầu, giờ chị Pha có khoảng 40 mối hàng thường xuyên tại các xã, phường trong thành phố. Anh Nguyễn Văn Hải, chồng chị Pha, đảm trách việc giao hàng, nói: “Trong giao tiếp làm ăn, vợ chồng tôi luôn đảm bảo chữ tín, trung thực, tôn trọng góp ý của khách hàng, nhất là chấp nhận giảm lợi nhuận để đảm bảo chất lượng, hương vị tự nhiên bánh kẹp truyền thống”.

Chị Pha nướng bánh theo đơn đặt hàng mỗi ngày, bình quân từ 12 đến 18 khuôn bếp, đạt sản lượng từ 90-100kg bánh, giá bán 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí, chị Pha thu lợi nhuận từ 350.000 đồng/ngày. Dịp Tết Nguyên đán, từ giữa tháng Chạp, sản lượng bánh có thể tăng gấp đôi, chị Pha phải mướn thêm thợ, tăng khuôn bếp, tăng ca, mới kịp giao hàng. Hiện giá nguyên liệu, giá xăng, chi phí vận chuyển đều tăng nhưng cơ sở bánh kẹp Nguyễn Trường vẫn cố gắng bình ổn giá bánh để phục vụ thực khách gần, xa. Lúc trước, chị Nguyễn Thị Xuân làm đủ nghề kiếm sống, thu nhập bấp bênh. Chị Xuân được người quen giới thiệu và gắn bó nghề nướng bánh kẹp gần 7 năm. Chị Xuân bày tỏ: “Lúc đầu, tôi chịu khó làm quen và thích nghi không khí nóng mới làm việc được lâu dài. Nhờ nghề này tôi có thu nhập lo chi tiêu hằng ngày và dành thời gian gần gũi, dạy dỗ 2 con trai”. Chị Nguyễn Thị Nhị, thợ nướng bánh khuôn bếp gần bên, cho biết: “Tôi nướng bánh kẹp tại cơ sở này cũng gần 7 năm, thu nhập từ 180.000-240.000 đồng/ngày, tùy sản lượng bánh. Tôi thấy nghề này phù hợp điều kiện sức khỏe, sở thích nên sẽ gắn bó lâu dài, không phải bon chen tìm việc”. Theo chị Thu Pha, nghề làm bánh kẹp rất cực nhưng chị thấy vui vì được làm nghề yêu thích, còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho chị em và các thành viên trong gia đình.

Chị Huỳnh Thị Pha, Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Hưng, cho biết, hiện toàn phường có trên 10 cơ sở sản xuất bánh kẹp, thu hút nhiều phụ nữ trung niên tham gia, vừa giúp ổn định việc làm tại chỗ, thêm thu nhập, vừa duy trì và phát triển nghề bánh truyền thống. “Với chức năng, nhiệm vụ của Hội, chúng tôi tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất bánh kẹp được vay vốn chương trình giải quyết việc làm để mở rộng sản xuất; vận động chủ cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường. Ðồng thời, giới thiệu phụ nữ trung niên thiếu việc làm vào làm nhân công tại các cơ sở sản xuất bánh kẹp để có thu nhập ổn định” - chị Huỳnh Thị Pha, Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Hưng, chia sẻ.

Chia sẻ bài viết