24/02/2012 - 09:46

Lúng túng với điểm mới trong tuyển sinh

Từ kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ; đồng thời, bổ sung nhiều điểm mới theo hướng có lợi cho thí sinh, các trường. Đây là bước đột phá trong kỳ thi tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh ở các trường. Tuy nhiên, khi triển khai những điểm mới vào thực tế, cán bộ các trường lẫn thí sinh đều “rối”...

Thí sinh chỉnh sửa giấy báo dự thi tại Phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ
trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011.Cán bộ công nhân viên huyện Thới Lai tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: LÊ HẬU 

Cách đây vài năm, Bộ GD&ĐT đã từng có dự định cải tiến thi cử ở 2 kỳ thi quan trọng của học sinh: THPT và ĐH, nhằm tiến tới một kỳ thi tuyển quốc gia. Thế nhưng, trước sự thấp thỏm của thí sinh và phụ huynh nên qua nhiều kỳ tuyển sinh, dự định này lần lượt bị tạm hoãn. Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, do Bộ GD&ĐT tổ chức vào trung tuần tháng 2-2012, đã chính thức công bố những thay đổi trong tuyển sinh 2012 và lộ trình đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy đến năm 2020. Riêng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Bộ đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm mới. Cụ thể như: tuyển thẳng đối với học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, bổ sung khối thi A1 (Toán, Lý, tiếng Anh), điều chỉnh lịch thi, bổ sung cụm thi Hải Phòng và cho phép thí sinh dự thi tại cụm thi Vinh đăng ký học tại các trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh, giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển.... PGS.TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT, cho biết: “Việc điều chỉnh, bổ sung những điểm mới này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và các trường. Về phía các trường ĐH, CĐ cũng có những điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo”.

Lý thuyết là vậy nhưng khi triển khai, hầu hết cán bộ, học sinh không khỏi băn khoăn, lúng túng. Bạn Lê Ngọc Trâm Anh, học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, nói: “Tuy ở thành phố, có điều kiện thuận lợi tiếp cận nhiều thông tin tuyển sinh nhưng em vẫn băn khoăn về những điểm mới trong tuyển sinh năm nay. Em không rõ ngành, trường nào có tuyển khối A1”. Theo Trúc Như, học sinh trường THPT ở huyện Cờ Đỏ, năm nay, Bộ không còn quy định tuyển nguyện vọng 2, 3, các trường sẽ xét tuyển ra sao? Thí sinh được nộp bao nhiêu hồ sơ, đợt, nếu như có điểm thi từ bằng điểm sàn trở lên theo quy định của Bộ”.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển sinh, theo cô Võ Thị Ngọc Mỹ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, năm nay Bộ GD&ĐT bổ sung thêm khối A1, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội vào ĐH, nhất là các em giỏi tiếng Anh có thể thi môn này, thay vì thi môn Hóa học. Tuy nhiên, Bộ vẫn chưa có văn bản chính thức quy định cụ thể những điểm mới về điều chỉnh thời gian thi, xét tuyển, số lần nộp... để các trường thực thi. Vì thế, trong phần tư vấn tuyển sinh, chúng tôi chỉ cho các thí sinh biết thời gian xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Trường ĐH Cần Thơ vẫn giữ khối thi truyền thống để xét tuyển thí sinh vào các ngành học.

Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, năm nay sẽ không quy định thời gian của các đợt xét tuyển. Các trường tự chủ quy định thời gian và số lần xét tuyển, thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển nhiều lần. Quy định này tạo thuận lợi cho các trường trong xét tuyển, nâng cao chất lượng đầu vào, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Trước đây, một số trường cao đẳng ở Cần Thơ, khi tuyển theo ngành học, có những ngành thí sinh đạt điểm thi cao nhưng vẫn trượt ở nguyện vọng sau, trong khi thí sinh ở nhiều ngành khác có mức điểm chuẩn thấp hơn lại trúng tuyển. Tuy nhiên, theo phân tích của lãnh đạo một số trường thì phương án này cũng sẽ gây nhiều phiền toái, bởi lượng thí sinh “ảo” sẽ rất nhiều. Việc quy định có thể nộp bản sao giấy chứng nhận kết quả để dự tuyển vào bất cứ trường nào, thí sinh có thể nộp cùng lúc 10 hồ sơ (thậm chí nhiều hơn) để xét tuyển, nhưng chỉ chọn một trường để học. Điều này đồng nghĩa với việc 9 hồ sơ còn lại sẽ “ảo”. Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, cho biết: “Tuy phương án này có lợi cho thí sinh nhưng các trường sẽ gặp nhiều rắc rối và khó kiểm soát khi xét tuyển. Nếu áp dụng, trường phải tính toán kỹ về mặt kỹ thuật, bởi lượng hồ sơ “ảo” sẽ rất lớn. Năm 2011, số lượng thí sinh “ảo” của trường chiếm 50%”. Hằng năm, các trường: CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Cần Thơ đều có số lượng thí sinh “ảo” chiếm từ 40%-50%.

Một khía cạnh khác khiến lãnh đạo các trường lo lắng là việc kéo dài thời gian xét tuyển thí sinh đến 31-12 (dự kiến của Bộ GD&ĐT), bởi làm như thế sẽ dẫn đến tình trạng “ngâm” hồ sơ của thí sinh. Đó là chưa kể việc chương trình học của thí sinh “lệch” quá xa giữa thí sinh trúng tuyển đợt đầu và đợt sau, ảnh hưởng nhiều đến việc học của thí sinh và kế hoạch đào tạo của các trường. Do vậy, theo lãnh đạo, cán bộ quản lý các trường ĐH, CĐ, để nâng cao hiệu quả tuyển sinh 2012, Bộ nên sớm ban hành văn bản chính thức, cụ thể hóa những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh, nhằm giúp các trường thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện.

* * *

Rõ ràng, việc đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012 đã giúp các trường thuận lợi hơn khi xét tuyển, thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học. Thế nhưng, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT mới có chủ trương về xét tuyển, chưa có các kỹ thuật cụ thể hóa. Vì vậy, Bộ cần thiết sớm ban hành văn bản chính thức để các trường chủ động thực thi và cán bộ, thí sinh không phải lúng túng.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết