28/09/2019 - 20:41

Luật lệ đi đường 

Có thể nói, từ khi hình thành Nhà nước sơ khai, ngoài những thông lệ được quy ước bởi cộng đồng, Nhà nước cũng đặt ra pháp luật để điều chỉnh hành vi đi đường trong xã hội, đó là luật đi đường mà ngày nay gọi là Luật  Giao thông. Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm luật và lệ này, ngoài việc bị pháp luật chế tài, còn bị xã hội chê cười, cộng đồng lên án, xem như người kém ý thức và ứng xử văn hóa kém chuẩn mực.

Bức ký họa nhà thuốc tây Bùi Văn Sách và rạp hát Casino, nơi xe ngựa thường qua lại cách nay hơn nửa thế kỷ ở Cần Thơ. Ảnh tư liệu.

Bức ký họa nhà thuốc tây Bùi Văn Sách và rạp hát Casino, nơi xe ngựa thường qua lại cách nay hơn nửa thế kỷ ở Cần Thơ. Ảnh tư liệu.

Ngày trước, đa số làng quê Bắc bộ đều có cổng làng. Cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống và tâm linh của con người. Cổng là ranh giới ước lệ, biểu hiện quyền uy của làng xã. Có làng còn dựng bia với hai chữ Nho "Hạ mã" ở bên cổng để nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả người quyền quý cũng phải xuống ngựa để tỏ ý tôn trọng làng(1). Đây là lệ chứ không phải luật. Trong luật của Nhà nước, không có quy định việc bắt buộc xuống ngựa trước cổng làng như vậy. Nhưng ở góc độ làng, có quyền yêu cầu. Ai đến cổng làng mà xuống ngựa là người hành xử có văn hóa; còn không xuống ngựa, tất nhiên pháp luật cũng không chế tài, nhưng về mặt xã hội, người đó sẽ bị xem kém văn hóa. Giống như ngày nay, khi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... làm việc, thường thấy tấm bảng ghi: "Vui lòng xuống xe, tắt máy, dẫn bộ". Việc thực hiện theo yêu cầu đó cho thấy sự tôn trọng người khác và ứng xử văn hóa chuẩn mực. Mặc dù pháp luật không quy định, nhưng nếu ai không chấp hành nội quy này thì là hành vi kém văn hóa.

Ở Nam bộ ngày trước, sau khi kinh, rạch được đào, nạo, vét, khai thông, ghe xuống đi lại tấp nập. Để việc đi lại được thuận tiện, nề nếp, có trật tự và tránh tai nạn xảy ra, nhà chức trách đã đặt ra những quy định buộc các chủ ghe phải tuân theo. Điều này đã được cụ Trịnh Hoài Đức ghi lại trong "Gia Định thành thông chí" như sau:

"Ở Gia Định chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở hoặc để đi chợ, hay để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi, mà ghe thuyền chật sông ngày đêm qua lại, cho nên nhiều khi đụng chạm nhau bị hư hại, rồi sinh ra kiện cáo, hai bên đều đổ lỗi cho nhau, ai được ai mất, vẫn khó xử đoán cho đắc tình. Khi ấy viên Điều khiển tham mưu Đồn dinh là Nghi biểu hầu ra lệnh: Phàm ghe thuyền đi bất luận gặp gió nước thuận hay nghịch, khi đi gần gặp nhau thì đều phải hô là bát (tục thường ghe đi phía tả gọi lại cạy, đi phía hữu gọi là bát) thì ghe mình đi qua phía hữu, ghe kia cũng phải đi phía hữu, để cho thuận lái thuận sào dễ điều khiển mà tránh nhau. Nếu ghe này đã hô bát mà ghe kia còn đi tới phía tả không tránh để cho đụng nhau hư hỏng, thì lỗi ấy về ghe không tránh kia. Lại trong trường hợp ấy còn có kẻ biện chiết chưa chịu khuất phục, thì phải xét ghe nào chở nhẹ hơn và đi thuận dòng nước, thừa thế ấy chạy mau phải đụng ghe kia, thì ghe ấy bị lỗi"(2).

Xe đò đưa khách những ngày mới hình thành. Ảnh tư liệu.

Xe đò đưa khách những ngày mới hình thành. Ảnh tư liệu.

Sau này đường bộ phát triển, để giao thông được đảm bảo thông suốt, không lộn xộn, không gây mất trật tự ở đô thị và đặc biệt là để tránh tai nạn giao thông xảy ra, nhà cầm quyền đã đưa ra nhiều quy định buộc những nhà xe phải tuân thủ. Tác giả Ngọc Anh trong bài viết "Trăm năm xe cộ và đường sá Cần Thơ" ghi lại những quy định ấy:

"Trước tiên là quy tắc đi đường, sau này gọi là Luật Giao thông. Những năm đầu thế kỷ XX, do mới tiếp xúc với xe cộ tân tiến, dân Cần Thơ còn đi lại khá tùy tiện, dễ gây tai nạn. Báo An Hà số 274 và số 293 viết: Ngày 23-7-1922 xe đò của ông Võ Hiếu Để số 2037 từ Cần Thơ đi Bạc Liêu đụng với xe đò số 973"; "Ngày 08-11-1922 xe kiếng số 34 bị lật ở cầu lớn Cái Răng làm 3 hành khách trong xe bị u đầu, trầy mặt.

Để việc đi lại có nề nếp, ngày 15-3-1923, Thống đốc Nam kỳ ra Lời nghị: "Xe chở chuyên hàng vật, cùng là xe đưa bộ hành, chẳng hề khi nào chạy quá 40 kilomètres trong 1 giờ đồng hồ. Còn xe camion bánh đặc được phép chạy mỗi một giờ có 12 kilomètres mà thôi" (Điều 36).

Trong nội ô, bến xe và tuyến đường của xe khách được quy định:

- Xe ngựa được chạy khắp thành phố, đậu tại đường Paul Bert bên trái ngó ra rạch Cần Thơ và muốn đậu chỗ nào khác thì chủ xe phải xin phép;

- Xe hơi chạy Cần Thơ - Cái Răng và ngược lại: Bận đi từ 6g-10g tại bến đường Sainternoy-Delanoue-Dinh xã Tây;

- Xe hơi đưa hành khách: Sài Gòn, Ô Môn, Long Xuyên, Châu Đốc, Nam Vang và xe cho mướn bến xe ở đại lộ Sainternoy và Gallieni.

Cấm xe đò chạy kiếm mối trong châu thành Cần Thơ" (Nghị định ngày 15-11-1926 của chủ tỉnh

Cần Thơ)"(3).

Ngày nay pháp luật đã hoàn thiện hơn xưa rất nhiều. Có thể nói, mọi phương diện đi lại của con người đều đã được pháp luật quy định. Theo đó, Luật Giao thông đường bộ và đường thủy được ban hành, điều chỉnh qua từng thời kỳ để sao cho đáp ứng được sự phong phú từ thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người bất chấp pháp luật, bất chấp tính mạng người khác khi lưu thông trên đường mà phóng nhanh vượt ẩu, đánh võng, giành đường lấn tuyến, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều... Tìm nguyên nhân của những vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng:

"Có thể nêu ra nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nghiêm trọng về tai nạn giao thông như đường sá còn hẹp, xấu, chưa tương xứng với sự phát triển của phương tiện và nhu cầu giao thông; luật lệ giao thông chưa hoàn hảo; mức phạt vi phạm giao thông chưa nặng đủ để răn đe; việc thi hành luật chưa nghiêm, còn phổ biến tệ xin - tha; còn duy trì lượng xe quá hạn sử dụng; thiếu trạm đỗ xe dọc đường; thiếu lực lượng cảnh sát giao thông và phương tiện tuần tra... Ngoài những nguyên nhân khách quan đó, còn nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông, đặc biệt là thái độ hư vô về pháp luật và đạo đức. Những biểu hiện sai trái trong việc tuân thủ luật lệ giao thông, hay bao quát hơn là những hành vi lệch chuẩn nói chung, là có nguồn gốc văn hóa..."(4). Theo tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, ý thức tuân thủ luật lệ trên đường xuất phát từ nền tảng giáo dục, ứng xử của từng cá nhân được hình thành trên nền tảng văn hóa gia đình, xã hội; tổng hòa trong quá trình phát triển văn hóa truyền thống và hiện đại. 

Như vậy, luật lệ đi đường từ xưa đến nay đòi hỏi người tham gia giao thông không chỉ biết điều khiển phương tiện trên đường, mà còn phải là những người có ý thức trách nhiệm, có văn hóa - đặc biệt là văn hóa ứng xử với cộng đồng, biết thượng tôn pháp luật, tôn trọng người khác và tôn trọng bản thân.

Huỳnh Hà

-----------------------

(1) Đoàn Hồng Nguyên (2014),  "Cơ sở văn hóa Vệt Nam", NXB Giáo Dục, tr.91.

(2) Trịnh Hoài Đức (1972), "Gia Định thành thông chí", Tập hạ , Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, tr.15-16.

(3) Thái Ngọc Anh, "Trăm năm xe cộ và đường sá Cần Thơ", https://baocantho.com.vn/tram-nam-xe-co-va-duong-sa-can-tho-a20971.html

(4) Huỳnh Ngọc Trảng (2019), "Câu chuyện văn hóa", NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.169-172.

Chia sẻ bài viết