31/10/2021 - 07:25

Lòng mẹ 

Truyện ngắn: DIỆP BẦN CÒ

Mặt trời vừa hửng nắng xuyên qua những đọt lá dừa nước ở con rạch trước nhà. Nghe tiếng bìm bịp kêu ngoài bờ sông, dì Hai bước ra bến nước. Nước lớn bò lên xăm xắp ụ xuồng, dì Hai gọi con:

- Thành à, nước lớn đẩy xuồng ra được rồi con! Còn phải chất đồ đạc xuống, chở vô trỏng, rồi chuyển lên nhà nữa. Thấy vậy chứ lâu lắm! Không tranh thủ thời gian, loay hoay tới trưa, rủi trời mưa chuyển không kịp thì ướt đồ đạc hết trơn hết trọi!

Thành "Dạ" rồi cởi quần dài ra, lội xuống ụ xuồng mở dây, đẩy chiếc tam bản xuống bến nước trước nhà, buộc dây xuồng vào bụi dừa nước. Thành quay lên nhà vác đồ đạc, nào là lu khạp, giường chõng, bàn ghế… lần lượt chất xuống xuồng. Dì Hai cũng phụ ôm mùng, mền, chiếu, gối và xách nồi niêu chén dĩa lủ khủ xuống bến.

Bến nước trước nhà gần vàm rạch nên những ngọn sóng ngoài sông Hậu cứ dờn dợn theo nước lớn trôi vô rạch vỗ vô mạn xuồng. Ðồ đạc chất đầy lỉnh kỉnh. Dì Hai lấy cho Thành hai sợi dây luộc hơi cũ màu, to hơn ngón tay út một chút và tiếp Thành cẩn thận ràng đồ đạc lại. Xong xuôi, chắc chắn, nhưng chiếc xuồng hơi khẳm, dì Hai không thể xuống xuồng bơi phụ Thành vì sợ xuồng khẳm thêm. Dì dựt dây xuồng dùm Thành và dặn:

- Bơi cẩn thận nghe con, đừng để xuồng lắc.

- Dạ chừng nào mẹ rảnh ra vợ chồng con chơi...

Dì Hai xô nhẹ xuồng ra. Thành ngồi chồm hổm như chim cánh cụt, chậm rãi bơi chiếc xuồng đi như con kiến tha cục mồi lớn. Chiếc xuồng từ từ có trớn trôi xuôi theo dòng nước. Tháng chín nước ở đầu nguồn đổ xuống hạ lưu rất mạnh. Những giề lục bình từ khúc Cần Thơ cũng theo con nước xuống tới đoạn Cù Lao Dung và trôi tuốt vô tận con rạch Bần Cò này. Thành bơi xuồng rồi lấy mũi giằm đẩy những giề lục bình tấp vào hai mé rạch để chiếc xuồng đi nhanh hơn.

Dì Hai bước lên bờ đứng nhìn theo đến khi chiếc xuồng khuất dần sau những bụi lá dừa nước, đôi mắt đỏ hoe. Dượng Hai trong nhà lụi khụi một cái chân giả bước xuống bến nhìn dòng nước chảy băng băng dưới lòng rạch:

- Cha chả, năm nay nước lớn dữ đà!

Rồi dượng nhìn sang thấy nước mắt dì Hai dàn dụa:

- Bà này lạ thiệt ta! Hồi thằng Thành còn nhỏ đi học xa xôi, bà nhớ, bà lo, bà khóc. Tui cũng khóc vậy. Còn bây giờ nó lớn, có vợ ra riêng làm ăn là chuyện đương nhiên. Vả lại nhà nó ở trong lộ giữa, đây với đó đâu có xa xôi gì mà bà làm như nó đi luôn ở cái xứ địa nào không bằng...

- Ông mới lạ thiệt á, vui khóc hổng được hả? - Dì Hai quầy quả bước đi về hướng lộ giữa.

* * *

Dì dượng Hai có bốn đứa con, Thành là con trai lớn. Hễ đứa con nào đi đâu xa hay đi học lâu ngày một mình là dì Hai căn dặn đủ điều, rồi nước mắt dàn dụa. Hồi Thành còn học tiểu học, được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Vì nhà nghèo, Thành không có bộ đồ nào mới, không được đôi dép lành. Dì nhìn con mình thua kém bạn bè, bước xuống đò sang thị trấn dự thi mà đôi mắt đỏ hoe.

Khi Thành vào cấp ba, dì và dượng cho lên tỉnh thi vào trường thực hành sư phạm. Lúc nhận tin Thành thi đậu, dì mừng, nước mắt lại dàn dụa. Chuẩn bị cho con lên tỉnh học, dì gom quần áo của Thành ủi thẳng thớm từng cái, chạy ra chợ mua thêm cho con vài bộ đồ mới, đôi dép mới, quần tà lỏn mới, cái khăn lau mặt, khăn tắm, chai kem và bàn chải đánh răng, hộp dầu cù là… Tất cả dì sắp xếp gọn gàng vào một cái bị đầy căng. Còn bản thân dì chưa có tới ba bộ đồ để đi xóm. Trước khi Thành lên tỉnh, dì căn dặn:

- Cố gắng học nghe con, đừng có mê chơi, đua đòi theo bạn bè. Cơm nước coi chỗ nào kỹ càng, sạch sẽ mình hãy ăn, đừng ăn chỗ lôi thôi. Tối ngủ nhớ xức dầu lên bụng, lên trán, phòng ngừa đau bụng, nhức đầu...

Dì Hai dặn dò Thành đủ điều mà lòng dì nghe tủi tủi - tủi vì thấy con mình còn thiếu thốn không bằng con người ta. Hôm Thành thưa cha mẹ và quảy cái bị đồ lên vai đi học, dì Hai vừa nhìn theo vừa khóc.

Cũng từ hôm đó, dì Hai cứ chiều chiều đứng trước hàng ba nhà nhìn những đám bông mười giờ tim tím mà Thành trồng trước sân, hay những gì có liên quan đến Thành là dì nhớ con da diết. Rồi dì bước ra bến nước trước nhà nhìn con nước dưới lòng rạch; sau lại ra mé sông Hậu, dì phóng tầm mắt về bờ bên kia nhìn những con cò trắng nhấp nhô đôi cánh vượt sông. Dì nghĩ, chắc giờ này con mình cũng đang nhớ nhà lắm. Những bữa cơm thiếu Thành, dì cũng nhớ. Có hôm dượng Hai định đi chợ mua đồ ngon về nhà ăn một bữa, dì Hai lại nói:

- Ðể nán lại vài ngày chờ con về mua cho nó ăn luôn. Tội nghiệp, đi học chắc không có bữa ăn ngon đâu.

Dượng Hai đã mất một chân hồi đi chiến trường Tây Nam. Cho nên việc gánh vác gia đình của dì Hai nặng nhọc hơn những người phụ nữ cùng xóm. Dì không chỉ canh tác trên ruộng vườn nhà, mà còn lãnh làm thuê làm mướn nhiều việc. Những lần thấy dì đi làm về cảm mạo, dượng Hai kêu:

- Tui đưa bà đi trạm y tế khám!

Lần nào dì cũng lắc đầu nói:

- Tui bị cảm nhẹ thôi, chắc tại ráng làm luôn buổi đứng nên bị choáng. Ăn cơm xong, ngủ một giấc tới sáng thì khỏe lại chứ gì. Ði khám chi cho tốn tiền, để tiền đó lo cho mấy đứa nhỏ.

Ðối với dì thì vậy, còn con đứa nào mới âm ấm trán là dì tức tốc đưa đi bác sĩ khám liền, bất kể đêm hôm mưa gió. Dì quên thân mình, dầm mưa dãi nắng để lo cho đàn con, dần dà đá sỏi cũng phải mòn. Dì bệnh, đi khám ra viêm phế quản và loét dạ dày. Ðang lúc bệnh mà tiền bạc trong nhà đổ vô mùa vụ chưa thu hoạch được, đúng lúc này Thành gọi về xin tiền đóng học phí. Ðó cũng là kỳ cuối rồi, Thành đang làm đề tài tốt nghiệp, nên không về nhà được. Dì Hai nói dượng Hai:

- Thôi thì ông chạy đi vay tiền, ứng với hai công mía chuẩn bị đốn, để gởi cho con.

Còn dì cởi đôi bông "móc cân hột xanh", kỷ niệm của dượng Hai tặng hồi lúc mới cưới dì, bán để nhập với số tiền vay. Rồi để dượng Hai đem lên trường cho con. Dì còn dặn dượng Hai:

- Nhớ đừng cho con biết tui bệnh, lỡ lo lắng mà ảnh hưởng việc thi cử.

* * *

Thành ra trường dạy học được bốn năm, cưới vợ là cô giáo cùng trường. Rồi sáng nay, dì Hai phụ tiếp Thành chuẩn bị ít đồ đạc đem qua nhà mới.

Thành vừa cập xuồng vào bến lộ giữa đã thấy dì Hai đứng đó. Thì ra khi Thành bơi xuồng, dì đã đi bộ đến chờ đó trước. Dì Hai nhìn con yên bề gia thất mà lòng nghe vui mừng, mãn nguyện. Dì mong muốn các em của Thành sau khi học hành thì có công ăn chuyện làm, có cuộc sống ổn định. Rồi đây nước mắt lo lắng, chờ đợi tin tức từ con của dì sẽ còn chảy nữa. Có người nói dì Hai hay khóc. Dì chấp nhận, bởi trong lòng dì luôn đầy ắp giọt nước mắt của một người mẹ mong chờ hạnh phúc tương lai của con mình.l

Chia sẻ bài viết