16/02/2010 - 08:43

Lộc xuân cho đời...

* LY GIANG

Không khí ấm áp của mùa xuân giúp cho nhiều cây khô nảy lộc, đâm chồi. Những lộc xuân dần lớn lên và đâm hoa, kết trái mang đến cho đời những mùa vui. Giống như vòng tuần hoàn của đất trời, cuộc đời con người cũng thế, trải qua bao tháng ngày vất vả nuôi con ăn học, những bậc cha mẹ như ông bà Nguyễn Đình Tiến, ông bà Huỳnh Văn Lượng, ông bà Nguyễn Phước Trọng, giờ đây, đã có thể tận hưởng niềm vui con cái thành đạt. Bằng sự nâng niu, chăm chút cho con cái, họ đã dâng cho đời những hoa thơm, trái ngọt...

1- Không khí hối hả của những ngày cuối năm đang lan vào căn nhà nhỏ êm đềm của ông Nguyễn Đình Tiến, ở đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều. Phụ bà dọn dẹp nhà cửa đón Tết, ông thủ thỉ dặn dò: “Năm nay, bà nhớ gói bánh chưng nhiều nhiều để dành cho vợ chồng Út Thọ với nhé! Qua Tết, con dâu út của mình sanh. Chắc lúc đó, Thọ cũng kịp về mà chăm con, bà nhỉ!”. Nhắc đến út Thọ, giọng bà Thu, vợ ông Tiến, chợt bùi ngùi: “Gần 10 năm con mình sống ở nước ngoài. Mỗi lần Tết không được sum họp cùng gia đình, nghĩ lại, tôi thương quá. Lần này, con về luôn, tôi mừng lắm, ông à!”. Tết năm nay, dưa kiệu, dưa hành... món nào bà Thu cũng cố ý làm nhiều hơn bình thường để ra giêng, khi đón anh Thọ về, vẫn còn hương vị Tết...

Vợ chồng ông Tiến bà Thu cùng các cháu. Ảnh: L.G. 

Đón cái Tết nồng ấm, đủ đầy, vợ chồng ông Tiến lại bồi hồi nhớ về những năm tháng vất vả với đồng lương giáo viên eo hẹp mà phải gồng gánh 4 đứa con trai đang tuổi ăn, tuổi học. Thấm thoắt vậy mà đã hơn 20 năm, con trai lớn của hai ông bà, anh Nguyễn Đình Khoa, kỹ sư Cơ khí, hiện là Phó phòng Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sóc Trăng; con trai kế Nguyễn Đình Khang, kỹ sư Cơ khí, cử nhân Anh văn, hiện là Thiếu tá, Quản đốc Xưởng Ô tô 201, Quân khu 9; kế đến là thạc sĩ Nguyễn Phúc Tăng, Phó phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ; con trai út Nguyễn Phúc Thọ đang theo học tiến sĩ tại Mỹ. Ông Tiến kể: “Sắp tới, cháu Tăng sẽ sang Pháp học tiến sĩ theo Chương trình 165 của Chính phủ. Còn cháu Thọ du học cũng bằng học bổng tự tìm kiếm. Ngay từ nhỏ vợ chồng tôi đã giáo dục các cháu tính tự lập, tinh thần vượt khó...”.

Sau giải phóng, gia đình ông Nguyễn Đình Tiến cùng vào Nam. Ông về công tác ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang (cũ), sau đó, chuyển sang dạy toán tại Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ. Vợ ông- bà Nguyễn Thị Minh Thu đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp 1, 2 Trần Quốc Toản (cũ) rồi chuyển về dạy tại Trường THCS Thới Bình. Có thể nói, chính cuộc đời của hai ông bà là bài học thực tế, sâu sắc về tính tự lập và tinh thần vượt khó cho các con. Cuộc sống thời bao cấp khó khăn, hai ông bà vẫn bám trụ bục giảng dù nhiều người khuyên nhủ lẫn rủ rê bỏ dạy ra làm kinh tế để cuộc sống dễ thở hơn. Ông tâm niệm gia đình có truyền thống dạy học thì dù “giấy rách cũng giữ lấy lề”, vì nghèo khó mà bỏ nghề, phụ nghề thì sau này làm sao dạy con cái mình không nên nhụt chí trước khó khăn. Giai đoạn ngặt nghèo nhất của gia đình là những năm 1990- 1991. Khi ấy, anh Khoa, con trai đầu của hai ông bà tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc, phải làm phụ hồ, theo ghe bốc vác tận Campuchia. Bà Thu thì bị bệnh nặng, phải phẫu thuật, nằm viện cả 4 tháng trời. Lo cho vợ, ông Tiến lên cơn đau tim, ngất xỉu, nằm viện nửa tháng. Còn anh Khang, đang khỏe mạnh bỗng phát hiện bướu xương ở đầu gối, phải nhập viện để mổ. Cảnh nhà quá ngặt nghèo, ông Tiến phải viết thư sai con mang đến nhà bạn bè cầu giúp...

Các con của hai ông bà vẫn nhớ như in luật bất thành văn của gia đình: nhà nghèo, thiếu hụt nhiều thứ nhưng nhất định không thể thiếu tập sách, bút mực cho việc học hành. Bà Thu nhắc lại: “Bận mấy thì cuối tuần vợ chồng tôi cũng dành thời gian kiểm tra bài vở của các con. Đứa nào học tốt thì được thưởng, đứa nào học dở thì bị phạt”. Cách phạt của vợ chồng ông Tiến rất lạ: có lỗi, học kém, không ngoan là bị cấm phụ việc nhà. Suốt ngày không được làm gì, buồn bã, tay chân cứ rã rời nên mấy anh đều “ngán”. Từ cách phạt này, ông bà muốn giáo dục con lao động là niềm vui chứ không phải là việc nhọc nhằn, khổ ải để mang ra làm hình phạt. Trong những bữa cơm gia đình, ông bà thường trao đổi với các con những suy nghĩ để định hướng tương lai cho con. Những lúc anh Khoa buồn vì không tìm được việc làm, anh Khang định bỏ học để phụ giúp cha mẹ... ông bà luôn nắm bắt kịp thời, nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Dục tốc bất đạt. Khó khăn chỉ là trước mắt, mình giỏi thì sẽ được trọng dụng, đừng nôn nóng...”.

Câu chuyện đang dang dở, chuông điện thoại nhà ông Tiến chợt reo vang. Bắt máy, gương mặt bà Thu rạng rỡ, bà luôn miệng kể chuyện nhà, chuyện anh Tăng, anh Khang, anh Khoa, chuyện các cháu... Đến khi gác máy, bà quay sang cười sung sướng: “Điện thoại của út Thọ từ Mỹ gọi về hỏi thăm ba mẹ, hỏi thăm chuyện nhà. Tuần nào, Thọ cũng điện về nhà mấy lần. Còn anh Tăng thì ra riêng rồi nhưng vẫn thường về ăn cơm cùng ba mẹ cho vui nhà vui cửa. Anh Khang thì cuối tuần lại đèo con trai, lỉnh kỉnh mang đồ ăn về ăn cơm với ông bà...”.

Nhìn nụ cười của ông Tiến và bà Thu, tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh người nông dân sung sướng trước vụ mùa bội thu sau những tháng ngày gieo trồng vất vả...

2- Ngày cuối tuần, căn nhà của ông Huỳnh Văn Lượng (Ba Lượng) và bà Lê Thị Phỉ, ấp Trường Tây A, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, rộn rã hẳn lên. Bà Phỉ đi tới đi lui, vừa chỉ cho con dâu thứ hai làm món lẩu, vừa nếm thử món gỏi của con dâu thứ ba... Còn ông Ba Lượng ngồi trên ghế đá ở hàng ba nhìn các cháu nô đùa trong khoảng sân được tráng bê-tông sạch sẽ, đầy bóng mát cây kiểng. Nhìn phong thái thảnh thơi của hai ông bà, những người thân của gia đình cũng như bà con lối xóm ở đây đã tin ông bà đầu tư đúng hướng: cho con cái ăn học để thoát nghèo.

Hai vợ chồng ông Ba Lượng xem thành tích của các con. Ảnh: L.G. 

20 năm trước, vợ chồng ông Ba Lượng ra riêng với 2 công rưỡi ruộng. 7 đứa con lần lượt ra đời trong căn nhà rách nát. Hai ông bà vừa làm rẫy nhà, vừa làm thuê làm mướn, lo cái ăn, cái mặc cho con. Ông lên liếp trồng hành, giữa bờ trồng đu đủ, mé mương thì trồng chanh, rãnh mương liếp thì trồng khoai cao. Mỗi lần thu hoạch, bà Phỉ mượn ghe, xuồng của hàng xóm chở hàng ra tận chợ Phong Điền bán để được giá cao hơn chút đỉnh. Quần quật như thế nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, con cái nheo nhóc, thiếu thốn. Trăn trở nhiều đêm, ông bàn với bà: “Bây giờ gom góp mua ruộng đất thì sau này khi dựng vợ gả chồng, mình cũng chỉ cho mỗi đứa con được 1-2 công đất. Đời con rồi lại khổ như tui với bà. Tôi nghĩ chỉ có cách thoát nghèo duy nhất là lo cho con ăn học thành tài thôi bà ạ!”.

Nói là làm. Khi hai con trai lớn vào học cấp 3, nhà cách trường gần 10 cây số, đường đi lầy lội, ông Lượng bàn bạc với vợ rồi quyết định: chuyển con ra Cần Thơ, có điều kiện học hành tốt hơn để nhắm đến mục tiêu thi đậu đại học. Tài sản quí nhất của gia đình là đôi bông cưới, bà bấm bụng bán đi, lấy tiền cho hai con trai lớn thuê nhà ở Cần Thơ trọ học. Rồi đến con trai thứ tư của ông bà cũng theo hai anh ra thành phố học. Căn phòng trọ nhỏ hẹp, bức bối nên suốt ngày mấy anh em cứ lây lất ở thư viện, ở trường. Thấy hoàn cảnh như vậy, người quen của ông Ba Lượng kêu bán chịu cho hai ông bà 500m2 đất để cất nhà cho con đi học. Ông nhớ lại: “Lúc đó, nợ tứ giăng nhưng vợ chồng tui phấn khởi lắm vì 2 thằng con trai của mình đã đậu đại học. Tui biết là mình đã đầu tư đúng hướng. Vì vậy, tui lại mượn nợ, mua đất cất nhà ở Cần Thơ để tiếp tục cho mấy đứa sau ra học”.

Lần lượt, 7 người con của ông đều ra Cần Thơ học trung học, đại học. Cứ vài ngày là bà Phỉ lại “cộ” một ghe gạo, củi, đồ rẫy ra tiếp tế cho các con. Những chuyến tiếp tế ấy, bà thường tranh thủ hôm thì mua khoai lang ra bán ở chợ Mít Nài (chợ An Nghiệp), hôm thì chở gạo ra chợ Tham Tướng (chợ Xuân Khánh) ngồi bán. Kiếm được đồng lời nào là bà dành tất để mua tập sách cho con. Những buổi chạy chợ cũng là những bài học thực tế bà dạy cho con. Ngồi bán, bà thủ thỉ với con: “Con thấy những người học cao hiểu rộng, ra làm việc sung sướng hơn nhiều. Đời ba mẹ cực khổ lắm rồi, con cố gắng học hành thành đạt, đừng để phải lam lũ như ba mẹ...”. Còn ông Ba Lượng, với đứa con nào, ông cũng tranh thủ dắt ngang Trường Đại học Cần Thơ, chỉ cho con: “Mơ ước của ba của mẹ là vào trường này học nhưng không được. Giờ ba giao lại việc đó cho các con”. Những bài học như vậy cứ thấm dần vào từng người con của ông bà và ngày này qua tháng nọ, 7 anh em luôn bảo ban nhau học hành khi không có cha có mẹ bên cạnh.

Như một đoạn kết có hậu của câu chuyện cổ tích, sau những tháng ngày nuôi con ăn học vất vả, bây giờ, cả 7 người con của ông bà đều là cử nhân, kỹ sư, dược sĩ, trong đó, có 2 người là thạc sĩ. Các anh chị: Phú, Cường, Trung, Hạnh, Quân, Nhã, Diễm đều có công ăn việc làm ổn định tại TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Căn nhà lá ọp ẹp, nền đất lồi lõm đã được thay bằng căn nhà tường khang trang. Tiền cất nhà cũng do các con của hai ông bà góp vào. Ông Lê Văn Cẩm, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Lai, cứ tấm tắc đầy thán phục: “Gia đình Ba Lượng là một minh chứng cụ thể, hiệu quả: học để thoát nghèo. Như vậy, mình có thể phá bỏ quan niệm không còn hợp thời: lấy thúng đong thóc chứ không ai lấy thúng đong chữ...”.

3- Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, chuyện đầu tư cho con đi du học không còn là chuyện hiếm. Có phụ huynh đầu tư tài chính cho con em đi du học tự túc; có phụ huynh đầu tư “chất xám” để con em có khả năng tự săn tìm học bổng đi học... Chuyện du học của anh em Nguyễn Phước Duy, Nguyễn Phước Tân (quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ) là kết quả của sự đầu tư lâu dài về ngoại ngữ, về khả năng độc lập, sáng tạo...

 Nguyễn Phước Duy trong ngày nhận bằng đại học. Ảnh: Gia đình cung cấp.

26 tuổi, Nguyễn Phước Duy đang làm nghiên cứu sinh ngành nghiên cứu tế bào gốc tại đại học Cambridge (Anh). 18 tuổi, Nguyễn Phước Tân đang học phổ thông tại Trường Victory Junior College (VJC) của Singapore. Phước Duy cũng đã từng nhận được học bổng toàn phần học trung học ở Raffles Institution và NJC (National Junior College) của Singapore, sau đó là học bổng học đại học tại Mỹ và giờ là học bổng nghiên cứu sinh ở Anh. Phước Tân thì nhận được học bổng toàn phần sang học ở VJC khi đang học lớp 10, Trường THPT Châu Văn Liêm. Cha mẹ của Duy, Tân là ông Nguyễn Phước Trọng trước làm việc tại Công ty Cơ khí Điện máy Cần Thơ, hiện đã nghỉ vì sức khỏe yếu và bà Khưu Thị Hà - Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ. Nói về chuyện du học của hai con trai, ông Trọng cho rằng, đó là kết quả của hàng loạt yếu tố: sự may mắn, sự giúp đỡ của thầy cô, sự nỗ lực của bản thân Duy và Tân... Thế nhưng, trong câu chuyện với bà Hà, tôi hiểu rằng, nguyên nhân sâu xa là cách ươm mầm và nuôi dưỡng ước mơ của gia đình với con cái. Bà Hà chia sẻ: “Ngay từ khi hai cháu còn rất nhỏ, bên cạnh những kiến thức giáo khoa, vợ chồng tôi đã chú trọng vấn đề dạy con kỹ năng sống. Tôi quan niệm rằng, có thể các cháu không phải là những học sinh xuất sắc nhất của lớp, của trường nhưng có nền tảng kiến thức vững vàng, tự tin tìm giải pháp khi đối mặt với khó khăn”.

Một trong những điều quan trọng mà vợ chồng ông Trọng dạy cho các con của mình chính là: ngày hôm nay phải “tiến bộ hơn” mình của ngày hôm qua và ngày mai phải “hơn” mình của ngày hôm nay. Vợ chồng bà Hà không yêu cầu các con phải học hơn bạn này, bạn kia, mà yêu cầu đề ra là phải vượt qua chính bản thân mình. Với tư duy giáo dục như thế, Duy và Tân được khuyến khích phát huy sở trường của mình. Duy và Tân có thể trao đổi với cha mẹ bất cứ vấn đề gì, thoải mái nêu lên suy nghĩ mà không sợ nói sai. Những quyển sách nào hay, vợ chồng bà Hà lại gợi ý cho các con đọc. Bà Hà tâm sự: “Trong gia đình tôi, con cái có thể trao đổi với cha mẹ từ những chuyện bình thường trong gia đình đến những vấn đề trong học tập, trong cuộc sống. Nhờ vậy, các con sẽ tự tin và độc lập giải quyết được những vấn đề phát sinh; đồng thời, mình cũng sẽ nắm bắt được suy nghĩ của con, biết được cái nào sai, cái nào đúng để định hướng cho con”.

Hiểu con nên bà Hà biết điểm mạnh, điểm yếu của con mình để khuyến khích, nhắc nhở đúng lúc. Duy là người ít nói, còn Tân thì khi đã quyết tâm làm điều gì, sẽ làm cho bằng được. Khi Tân mới sang Singapore, Duy gởi thư cho Tân dặn dò thật chi tiết, từ chuyện học, chuyện chơi, chuyện ăn uống đến cả chuyện chọn bạn bè... Duy viết: “Bệnh thì không được cho ba mẹ hay mà lo lắng. Tuy nhiên, chuyện học thật giỏi là vấn đề quan trọng nhất... Em nhớ ăn uống để có sức khỏe mà học tốt nhé!”. Kể những câu chuyện về các con, bà Hà xúc động nói: “Sợi dây tình cảm gia đình đã gắn kết các cháu để dù ở đâu xa, các cháu cũng hướng về tổ ấm, về quê hương của mình”. Nhìn bà Hà lên mạng trao đổi với giáo viên phụ trách của Phước Tân về việc học của cháu ở Singapore, tôi hiểu, để Phước Duy, Phước Tân có thể bay xa, bay cao, bà Hà đã chuẩn bị cho con rất lâu, rất kỹ, từ những chuyện nhỏ nhất như học Anh văn, vi tính để có thể “gắn kết” với con từ xa.

***

“Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn”

(“Nghĩ lại về Paustovsky”- Bằng Việt)

Có trải qua những tháng ngày gieo trồng vất vả thì những vụ mùa bội thu càng thêm ngọt ngào, ý nghĩa. Sự thành đạt của các con ông Tiến, ông Ba Lượng hay những cánh chim bay cao bay xa Phúc Tăng, Phúc Thọ, Phước Duy, Phước Tân là kết quả của sự nhìn xa trông rộng, vượt bao khó khăn đầu tư cho con em ăn học. Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam như sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử của dân tộc. Đất nước ta không hiếm những nhân tài trưởng thành từ trong gian khó. Chính vì vậy, những điển hình như gia đình ông Nguyễn Đình Tiến, ông Huỳnh Văn Lượng, ông Nguyễn Phước Trọng thêm một lần nữa khẳng định sức mạnh của tri thức.

Chia sẻ bài viết