07/05/2012 - 21:04

Lo !

Giờ thực hành trên mô hình của sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ - “lò” đào tạo cán bộ y tế cho toàn vùng ĐBSCL.

Là vùng kinh tế trọng điểm nhưng ĐBSCL lại được xem là vùng thiếu, yếu về nhân lực chất lượng cao, nhất là ở lĩnh vực y tế. Theo các nhà khoa học, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực y tế còn hụt hẫng, trong khi đó ĐBSCL chỉ có Trường Đại học (ĐH) Y Dược Cần Thơ là “lò” duy nhất cung cấp nhân lực y tế cho toàn vùng. Do đó, việc cơ sở đào tạo đa ngành ở ĐBSCL có mở đào tạo ngành y dược là điều tất yếu, nhằm giải bài toán khó trên. Đơn cử như, kỳ tuyển sinh năm 2012, Trường ĐH T.Đ (Cần Thơ) mở ngành dược đại học, trung cấp điều dưỡng, dược; Trường ĐH V.T.T (Hậu Giang) mở thêm ngành y đa khoa. Ngay cả một số trường trung cấp, như: Trung cấp P.N.T Cần Thơ mở đào tạo các ngành y, dược; Trung cấp M.T đang ngấp nghé mở thêm một số ngành ở lĩnh vực y, dược. Đó là chưa kể đề án đào tạo trên 300 bác sĩ đa khoa (hệ cử tuyển) cho vùng ĐBSCL, do Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ...

Không thể phủ nhận sự cần thiết của các trường trong việc đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, cũng như đề án đào tạo nhân lực ngành y tế, vì đã đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng ĐBSCL. Song, công bằng mà nói, đầu vào tuyển sinh ở một số trường ĐH y dược so với các trường ĐH, trung cấp trên là đáng lo ngại. Bởi lẽ, các trường ĐH Y dược đều có điểm chuẩn trúng tuyển khá cao. Năm 2011, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có điểm chuẩn trúng tuyển từ 18,5-23 điểm (tùy ngành). Trong khi đó, các trường ĐH trên, thí sinh chỉ cần đạt điểm từ bằng điểm sàn trở lên là trúng tuyển (năm 2010 và 2011, điểm sàn của khối B là 14 điểm). Tại Hội nghị triển khai công tác đào tạo theo Đề án “Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ” năm 2012, do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phối hợp tổ chức trong tháng 4-2012 vừa qua, đại diện Sở Y tế tỉnh Bến Tre đã hiến kế: Để có nguồn sinh viên theo học ngành bác sĩ đa khoa nên xét dựa trên kết quả thi đại học khối B của thí sinh, với tiêu chí “trên sàn dưới chuẩn”- đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ cần đạt điểm từ 14 trở lên đều có khả năng trúng tuyển. ĐH đã vậy, điểm chuẩn các ngành y- dược ở bậc trung cấp còn thấp hơn. Thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT, thậm chí hoàn thành chương trình lớp 12 đều có khả năng trúng tuyển.

Không thể khẳng định hoàn toàn chất lượng đào tạo y- dược ở các trường đa ngành là thấp so với các trường chuyên ngành, bởi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy ở từng trường và sự cần cù, chịu khó của người học. Nhưng rõ ràng sự chênh lệch quá lớn về điểm chuẩn đầu vào ở các trường ĐH ngoài công lập, trường trung cấp so với trường ĐH y dược công lập là điều khiến dư luận quan tâm, lo lắng!

Bài, ảnh: N.NGÂN

Chia sẻ bài viết