25/04/2019 - 07:32

Liên kết, nâng cao chất lượng nông sản 

Việt Nam là nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa gạo, thủy sản và nhiều loại rau củ quả nhiệt đới. Phát huy các tiềm năng và lợi thế sẵn có, thời gian qua, nước ta đã sản xuất được nhiều sản phẩm nông nghiệp không chỉ phục vụ tốt nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, nâng cao thu nhập cho người dân và đem lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho đất nước. Song, hiện sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản vẫn còn hạn chế trong điều kiện hội nhập và sự gia tăng rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu.

Thu mua mít phục vụ xuất khẩu tại một cơ sở thu mua trái cây ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

► Yêu cầu cấp thiết

Gạo Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với đa dạng sản phẩm. Không những thế, hạt gạo Việt Nam đã bước đầu thâm nhập vào các thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, gạo xuất khẩu cũng đối mặt với không ít rào cản, nhiều hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện thậm chí ở các thị trường trước đây được xem là dễ tính. Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc đã thực hiện chế độ nhập khẩu chặt chẽ theo hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn trước. Không chỉ Trung Quốc, xu hướng này cũng được nhiều nước áp dụng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

Thu hoạch vú sữa tại HTX vú sữa Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua công tác đàm phán tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là với mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu đi các nước. Các loại trái cây chủ lực như: thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được hầu hết các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc... cho phép nhập khẩu. Kết quả này là sự công nhận của quốc tế đối với uy tín của ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Việt Nam, cũng như  uy tín về chất lượng của rau và trái cây tươi Việt Nam, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này từ mức chỉ 1 tỉ USD năm 2013 đã tăng lên 3,8 tỉ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu đang ngày càng tăng, làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ đánh mất thị trường rau và trái cây tươi nếu sản phẩm không đạt yêu cầu của nước nhập khẩu. Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, có 8 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long. Nước ta đang đàm phán để tiếp tục xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây sang thị trường Trung Quốc như: măng cụt, sầu riêng, chanh leo, bưởi, chanh ta… Hiện các lô hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường này đòi hỏi phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng yêu cầu phải có thông tin chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu được ghi trên bao bì (thùng, kiện) bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh, ghi rõ tên trái cây, nơi sản xuất, nơi đóng gói hoặc số hiệu-mã code…

► Liên kết

Thời gian qua, nhiều loại nông sản của nước ta có chất lượng chưa ổn định, giá thành sản xuất lại cao và chưa xây dựng được thương hiệu. Đa phần nông dân còn sản xuất nông sản theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, quy trình canh tác khác nhau nên khó quản lý chất lượng chung, khó áp dụng cơ giới và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí. Nhiều nông dân cũng còn sản xuất theo tập quán cũ, chưa thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, quản lý dịch bệnh và sử dụng phân bón, thuốc hóa học đúng cách để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, trước các yêu cầu mới của hội nhập, nông dân cần kịp thời liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp và các bên liên quan để khắc phục những bất cập về chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra và nâng cao được sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Có như vậy mới tránh được nguy cơ bị mất thị trường xuất khẩu, cũng như thua ngay trên “sân nhà” tại thị trường nội địa do bị cạnh tranh bởi hàng nhập ngoại.

Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng: Để cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Nông dân cá thể không thể làm được việc này mà cần liên kết với nhau, với doanh nghiệp và các bên liên quan để tổ chức được “hành động tập thể” theo quy trình sản xuất chung cho từng “cánh đồng lớn” trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường. Đặc biệt, chúng ta phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và tuân thủ việc kiểm dịch thực vật của các nước. Trong đó, vấn đề sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường là rất quan trọng. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cũng cho rằng, muốn phát triển tiêu thụ nông sản ở thị trường quốc tế và cả thị trường nội địa, phải làm hàng “sạch” mới được vì người tiêu dùng đòi hỏi cao về chất lượng. Cần thúc đẩy hình thành các hợp tác xã (HTX) kiểu mới để liên kết nông dân sản xuất theo các quy trình chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, các HTX cần có những người “đầu tàu” có uy tín và năng lực để thu hút xã viên, dẫn dắt HTX phát triển và chủ động tìm doanh nghiệp liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Được khuyến khích và hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ tăng cường liên kết, hình thành nhiều HTX, tổ hợp tác sản xuất lúa và nhiều loại rau, trái cây theo các tiêu thuẩn an toàn, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Đến nay, toàn thành phố có hơn 273,7ha lúa, 101,65ha cây ăn trái và hơn 10,2ha rau màu tại các HTX và tổ hợp tác được chứng nhận đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP. Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, chi cục đang tăng cường tập huấn, hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc để tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm, cũng như góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cả người sản xuất và tiêu dùng.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết