08/11/2015 - 16:05

Liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tự động

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tự động vào sản xuất để nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm… Nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, doanh nghiệp rất cần sự trợ lực từ các tổ chức, hội và các ngành chức năng.

* Doanh nghiệp đã đổi mới

Tại đại hội lần 2, nhiệm kỳ 2015-2020 của Hội Khoa học công nghệ tự động (KHCNTĐ) TP Cần Thơ đổi tên thành Hội tự động hóa Cần Thơ. Ông Phạm Sỹ Đảng, Tổng Thư ký Hội KHCNTĐ TP Cần Thơ (nhiệm kỳ 2010-2015), cho biết: Đổi mới công nghệ để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh không chỉ là nhu cầu mà còn là thách thức đối với các doanh nghiệp TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Bởi việc đầu tư mua sắm trang thiết bị tự động ngoại nhập rất đắt, vượt khả năng tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, đa số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố có công nghệ sản xuất ở dạng thủ công bán cơ khí, cán bộ có chuyên môn kỹ thuật về tự động hóa còn hạn chế, thiếu trang thiết bị để đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức về tự động hóa… Để tìm ra hướng mở hỗ trợ doanh nghiệp TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL tiếp cận và đưa công nghệ tự động vào sản xuất, Hội KHCNTĐ TP Cần Thơ tổ chức liên kết với các trường, các trung tâm, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tự động của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, mở rộng quan hệ giao lưu cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp xác định năng lực thiết kế chế tạo máy, áp dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời, tìm hướng giải quyết khó khăn trong đầu tư, sử dụng trang thiết bị tự động… Song song đó, Hội còn phối hợp với các trường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ tự động cho cán bộ và công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp.

 Các đại biểu tham quan và tìm hiểu thiết bị tự động của Công ty TNHH TM Sa Giang tại Đại hội KHCNTĐ TP Cần Thơ lần 2, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ tự động cho các doanh nghiệp, nhiệm kỳ 2010-2015, Hội KHCNTĐ TP Cần Thơ còn tổ chức hoạt động cho doanh nghiệp chế biến gỗ, chế tạo máy khảo sát học hỏi các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ở TP Hồ Chí Minh. Hội tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu về trang thiết bị tự động. Phối hợp cùng Hội Cơ khí đúc luyện kim tổ chức giao lưu cho doanh nghiệp cơ khí Cần Thơ với doanh nghiệp cơ khí TP Hồ Chí Minh để liên kết sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất. Trong đó, có hai doanh nghiệp cơ khí Thành Tiến và cơ khí Sông Hậu đã tiên phong đi đầu thực hiện đầu tư thí điểm và mang lại nhiều hiệu quả khả quan, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp mở rộng, tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Hội đã tổ chức cho doanh nghiệp tham quan hội chợ triển lãm về công nghệ tự động của Thái Lan, Hà Lan… Từ đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã đổi mới, đầu tư các dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

* Cơ hội ứng dụng tự động hóa

ĐBSCL có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển thị trường về cơ khí nông nghiệp và bảo quản chế biến nông thủy sản. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Hội tự động hóa Cần Thơ chính là cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông thủy sản, cơ khí chế tạo. Hiện tại, Cần Thơ có Dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP). Đây là môi trường thuận lợi ươm mầm công nghệ công nghiệp cho các doanh nghiệp. Tại đây, các ý tưởng sáng chế cơ khí chế tạo, chế biến nông thủy sản sẽ được ưu tiên hỗ trợ xây dựng đề án. Thông qua hội đồng xét tuyển, doanh nghiệp có ý tưởng khả thi được xét vào vườn ươm sẽ được bố trí phòng làm việc tại KVIP, giới thiệu chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước kết hợp để xây dựng quy trình sản xuất. Sau đó, sản xuất các ý tưởng thành sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở đó, KVIP sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ... Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia ươm tạo công nghệ tại KVIP, TP Cần Thơ đã được Chính phủ phê duyệt ban hành cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp phát triển tại KVIP. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia ươm tạo có nhu cầu mở rộng sản xuất sẽ được bố trí diện tích để xây dựng cơ sở sản xuất. Đồng thời, được hưởng các ưu tiên như: giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ vay vốn… Từ đó, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí chế tạo, chế biến nông thủy sản phục vụ nhu cầu thu gom chế biến nông thủy sản cho TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám Đốc Công ty TNHH thương mại Sa Giang, cho biết: TP Cần Thơ và ĐBSCL tập trung nhiều ngành kinh tế hoạt động với nhiều lĩnh vực như: thủy sản, nông sản, nước giải khát, chế tạo máy, máy công cụ… Đây là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị tự động hóa. Hiện nay, Công ty cung cấp các thiết bị, giải pháp tự động hóa sản xuất nhà máy, giải pháp tiết kiệm điện năng, giải pháp giám sát và quản lý năng lượng, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, điều khiển và giám sát nguyên liệu phân phối, giám sát cảnh báo tín hiệu… mang lại các ứng dụng hiệu quả cho đơn vị nhà máy, doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của tự động hóa. Đồng thời, Công ty còn cung cấp nhiều giải pháp với nhiều hình thức đầu tư khác nhau cho các dự án. Thông qua sự hỗ trợ và hoạt động của Hội tự động hóa Cần Thơ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm, cung cấp những thông tin hữu ích về công nghệ tự động hóa, đem lại các giải pháp tiên tiến, phù hợp cho các nhà máy, doanh nghiệp tại TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ kiêm Chủ tịch Hội tự động hóa Cần Thơ nhiệm kỳ 2015-2020, cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò liên kết hỗ trợ, tổ chức nhiều hoạt động, hội thảo cập nhật công nghệ cho hội viên và doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập phòng thí nghiệm kiểm chứng giải pháp công nghệ tại Khoa Công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ. Đây là cơ sở tận dụng và phát huy nguồn lực vốn có, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hội viên trải nghiệm sử dụng công nghệ và kiểm chứng ý tưởng. Ngoài ra, Hội sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phát huy vai trò cầu nối giữa đơn vị cung cấp thiết bị công nghệ với doanh nghiệp sử dụng. Trên cơ sở đó, Hội sẽ phát huy vai trò liên kết thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL.

Ông Dương Nguyên Bình, Phó Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, cho rằng: Việc tái lập Hội tự động hóa Cần Thơ theo chủ trương là cơ hội cho nhà khoa học, nhà phát minh, nhà sáng chế, nhà quản lý cũng như các nhà đầu tư và các doanh nghiệp gắn kết hoạt động có hiệu quả trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hướng tới đẩy mạnh liên kết, phối hợp phát triển công nghệ tự động hóa trong lĩnh vực nuôi trồng chế biến nông lâm thủy sản, dịch vụ chuyển giao công nghệ sửa chữa lắp đặt máy móc vào dây chuyền sản xuất, các hệ thống điều khiển tự động trong các nhà máy. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực tự động hóa, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, kỹ sư trong các nhà máy… góp phần đáp ứng nhu cầu cho thành phố trở thành thành phố công nghiệp hiện đại.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết