28/05/2022 - 18:47

Liên kết để phát triển thịnh vượng ĐBSCL 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Với lợi thế về nông nghiệp, ÐBSCL đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, ÐBSCL còn nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ sớm. Theo định hướng của Trung ương, giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng GRDP vùng ÐBSCL bình quân đạt 10,5%, quy mô nền kinh tế khoảng 3 triệu tỉ đồng. Ðến năm 2045, ÐBSCL là vùng phát triển bền vững, thịnh vượng, có trình độ phát triển khá và thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kinh tế phát triển năng động… Ðể đạt mục tiêu này, ngoài đảm bảo các nguồn lực đầu tư thì cần phát triển trên sự đồng thuận, liên kết là yếu tố cốt lõi để tiến đến sự thịnh vượng.

Ngành chế biến cá tra xuất khẩu đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL. 

Tầm nhìn chiến lược

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QÐ-TTg ngày 28-2-2022 về Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tích hợp vùng ÐBSCL), định hướng đến năm 2030, quy mô nền kinh tế của vùng gấp 2-2,5 lần so với năm 2021. Ðến năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%, công nghiệp - xây dựng khoảng 32% và dịch vụ khoảng 46%, thuế trừ trợ cấp khoảng 2%. Ðể đạt mục tiêu này, Trung ương cũng xác định xoay trục phát triển tại ÐBSCL, tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp dựa trên 3 tiểu vùng sinh thái: ngọt, mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt - lợ. Song song đó, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, thương mại - dịch vụ nhằm thúc đẩy các giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Tầm nhìn chiến lược của Quy hoạch tích hợp này cũng định hướng sẽ phát triển ÐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái…

Ðể đạt các mục tiêu đề ra, Trung ương và các địa phương trong vùng đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, nhằm gỡ các nút thắt trong khâu vận chuyển, phân phối hàng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất tại vùng. Trong giai đoạn 2021-2030, hạ tầng giao thông đường bộ với nhiều dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên sẽ được đầu tư theo định hướng vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế. Ðến năm 2030, ÐBSCL sẽ có khoảng 830km đường cao tốc, 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Theo TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ÐBSCL, đối với sự phát triển của ÐBSCL thì Trung ương cần quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư công để thúc đẩy các dự án đầu tư, gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… cho vùng. Cùng với đó là hỗ trợ các địa phương cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp đến vùng, tạo động lực tăng trưởng mới.

Tập trung phát triển các thế mạnh của vùng

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với tầm nhìn mới, cụ thể hơn so với Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị 18 năm trước… Cùng với Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo các động lực phát triển toàn diện, bền vững gắn với giải quyết các thách thức nội tại của vùng.

Nghị quyết số 13 nêu quan điểm phát triển ÐBSCL. Cụ thể là: ÐBSCL là vùng phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh và bền vững, phù hợp với quy luật tự nhiên; là trung tâm kinh tế nông nghiệp hiện đại, năng động, hiệu quả trên cơ sở chuyển dịch nhanh mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, sử dụng hiệu quả nguồn nước, tài nguyên đất và phát triển các chuỗi cung ứng; là trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước; phát huy hiệu quả liên kết vùng, trong đó đột phá là hạ tầng giao thông, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển chuỗi đô thị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về ÐBSCL, cho rằng 6 quan điểm này liên quan chặt chẽ với nhau, do đó, việc thực hiện phải liên tục, đều đặn, vì đó là điều kiện đảm bảo cho các vấn đề khác. Tuy nhiên, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, phát triển chuỗi đô thị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và vấn đề về an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân, có thể tách thành các nhóm riêng để thực hiện. Ðể biến ÐBSCL thành trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cần loại bỏ các dự án năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch ra khỏi các Quy hoạch điện quốc gia hiện nay và trong tương lai; đầu tư mạnh vào cải thiện đường dây truyền tải; đầu tư mạnh vào phương tiện tích trữ năng lượng; đầu tư vào công nghệ điều phối mạng lưới điện để đảm bảo hài hòa nguồn điện; ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi về phát triển năng lượng gió, mặt trời, trong đó cần có cơ chế chính sách thuận lợi về điện mặt trời áp mái.

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, đối với các vấn đề còn lại cần xếp theo các thứ tự ưu tiên. Ðể phát triển toàn diện ÐBSCL cần phải quán triệt và lồng ghép vào tất cả các chương trình, dự án, các khoản đầu tư vào ÐBSCL nhằm đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc phát triển theo hướng sinh thái, văn minh, bền vững, và phù hợp với điều kiện tự nhiên. Thực hiện được nguyên tắc này, công tác ưu tiên hàng đầu là công tác tư tưởng; các địa phương nên tổ chức quán triệt Nghị quyết 13 đến tất cả các cấp các ngành và áp dụng nguyên tắc này trong việc kêu gọi, chọn lọc nhà đầu tư và các dự án đầu tư đến địa phương. Với quan điểm phát triển trung tâm kinh tế nông nghiệp, quan điểm này đã được lồng ghép vào Quy hoạch tích hợp cấp vùng ÐBSCL, thể hiện ở 2 nội dung cụ thể: xây dựng 8 trung tâm đầu mối nông nghiệp và logistics tại các vị trí chiến lược ở ÐBSCL; chuyển hướng nền nông nghiệp ÐBSCL từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang làm kinh tế nông nghiệp chú trọng vào chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị. Theo đó, các tỉnh cần quán triệt nội dung của Quy hoạch tích hợp cấp vùng ÐBSCL để soạn thảo và thực hiện quy hoạch địa phương cấp tỉnh, thành phố đảm bảo được sự nhất quán với quy hoạch chung cấp vùng. Các tỉnh cần xây dựng lộ trình để chuyển hướng nền nông nghiệp theo hướng giảm thâm canh, giảm sử dụng phân bón thuốc trừ sâu, giảm các công trình can thiệp vào sự vận hành của hệ thống tự nhiên, hỗ trợ người dân chuyển hướng nền nông nghiệp.

Vấn đề cuối cùng, theo ThS Thiện, ngoài việc xây dựng giao thông tạo điều kiện kết nối các tiểu vùng trong nội vùng và giữa vùng ÐBSCL với các vùng khác thì liên kết vùng cần phải hiểu rộng và sâu sắc hơn. Liên kết vùng phải được hiểu bao gồm tất cả mọi lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, môi trường, xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có thể thực hiện liên kết vùng về du lịch, liên kết vùng về quản lý tài nguyên nước, về bảo tồn đa dạng sinh học, về tạo lập các hành lang kinh tế, xây dựng các thương hiệu nông sản chung cho vùng. Trước mắt, Chính phủ cần ban hành một Quyết định mới về liên kết vùng thay cho Quyết định 593/QÐ-TTg đã hết hạn. Trước khi ban hành quyết định mới, cần có những nghiên cứu, rà soát rút ra các thành công và bài học của việc thực hiện Quyết định 593/QÐ-TTg vừa qua, nhằm thúc đẩy hiệu quả hơn liên kết vùng, tạo sự đồng thuận trong phát triển.

Chia sẻ bài viết