Vậy là sau nhiều dư luận trái chiều về việc có nên tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hay không, ban tổ chức vẫn theo kế hoạch. Liên hoan khai mạc vào tối 5-11 và và kéo dài đến 16-11 tại TP Hải Phòng.
CLB Sân khấu Thử nghiệm (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) tham dự liên hoan với vở “Hoa lau trắng”. Ảnh chụp màn hình
Liên hoan quy tụ hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên từ 14 đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương tham gia với 20 vở diễn dự thi. Trong số này, có 10 đơn vị nghệ thuật công lập và 4 đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, chủ yếu thuộc địa bàn các tỉnh phía Bắc.
Sở dĩ có nhiều băn khoăn trong việc tổ chức sự kiện này là vì trong thời gian vừa qua, do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, việc hoạt động nghệ thuật, tập dượt của các sân khấu, đoàn hát hầu như “đóng băng”. Ðặc biệt, tại TP Hồ Chí Minh, nơi có rất nhiều đơn vị nghệ thuật lĩnh vực kịch nói, cả công lập lẫn xã hội hóa, phải giãn cách xã hội thì lấy đâu tác phẩm để dự thi.
Nhiều người còn bàn về “không khí liên hoan” khi mà cả nước còn đang gồng mình chống dịch COVID-19 thì một liên hoan kịch nói liệu có phù hợp vào lúc này? Ðó là chưa kể để đảm bảo phòng, chống dịch, khán giả không được đến xem, nghệ sĩ “cô độc” trên sân khấu để diễn thì hiệu quả nghệ thuật đương nhiên sẽ tụt giảm.
Cuối tháng 10 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phối hợp Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh đã đồng chủ trì cuộc họp về việc tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021. Hầu hết đại diện các sân khấu kịch đều kiến nghị dời liên hoan sang năm sau, ít nhất là quý I, quý II-năm 2022, để “cả nhà cùng vui” khi mà dịch COVID-19 được kỳ vọng sẽ được kiểm soát tốt, đời sống trở lại bình thường mới. Ðạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF, cho rằng: Giữa những mất mát, tổn thương do dịch bệnh thì “liệu liên hoan, hội hè có phản tác dụng”?
Cách mà đơn vị tổ chức là Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn khi vẫn quyết định tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc là trực tuyến các vở diễn trên nền tảng mạng xã hội để lan tỏa, tạo hiệu ứng. Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng với những người làm nghề thì còn rất nhiều băn khoăn. Ðây là liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp chứ không phải chương trình nghệ thuật phục vụ mà có thể livestream trên mạng xã hội. NSND Hoàng Yến, Giám đốc sân khấu Thế Giới Trẻ (Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh), phân tích: Thi trực tuyến phải đảm bảo quay thật tốt với đủ cảnh quay toàn, trung, cận cảnh mới bộc lộ được cảm xúc. Một vở kịch truyền hình cần cả một ê-kíp mất bao nhiêu ngày mới hoàn thiện mà hiệu quả chuyển tải cao nhất đến khán giả cao lắm chỉ khoảng 80%. Trong khi đó, livestream vở diễn dự thi với một “góc máy chết” thì hiệu quả ra sao?
Một vấn đề mà người trong cuộc mới hiểu, nhất là các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, đó là kinh phí và hiệu quả kinh tế khi dựng vở diễn dự thi. Thứ nhất, sau thời gian dài sân khấu đóng cửa, ngừng biểu diễn vì COVID-19, thì việc đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí là bạc tỉ đồng để tham gia vở diễn là điều phải cân nhắc, thậm chí là “lực bất đồng tâm”. Ðó là chưa kể, khi dựng vở diễn dự thi, sau khi có kết quả tại liên hoan, các đơn vị nghệ thuật sẽ tiếp tục biểu diễn có doanh thu để thu hồi vốn, làm kinh tế. Cách làm livestream vở diễn của ban tổ chức lại cho thấy sự bất khả thi, làm sao có thể thu hút khán giả mua vé đến rạp khi mà toàn vở diễn đã lan tràn trên không gian mạng.
Băn khoăn là băn khoăn vậy, Liên hoan Kịch nói toàn quốc vẫn đến hẹn lại lên!
DUY KHÔI