26/05/2023 - 05:46

Lấy chồng nghề biển! 

Bài, ảnh: HIẾU THUẬN

Ca dao có câu: “Lấy chồng nghề ruộng em theo; lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, ý nhấn mạnh những rủi ro của người phụ nữ có chồng làm nghề đi biển. Với những phụ nữ có chồng làm nghề biển, ngoài việc thường xuyên vắng điểm tựa là người đàn ông trong nhà, họ còn phải sẵn tâm lý với những bất trắc có thể xảy đến với gia đình mình.

Phụ nữ xóm chài Trần Phú, TP Phú Quốc, vá lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới của chồng.

Phụ nữ xóm chài Trần Phú, TP Phú Quốc, vá lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới của chồng.

Về các làng chài ở tỉnh Kiên Giang, tìm hiểu đời sống những người phụ nữ nơi đây mới thấy hết những vất vả, lo toan của họ do thường xuyên thiếu vắng những “trụ cột” trong gia đình. Với những phụ nữ lấy chồng nghề biển, họ hy vọng mỗi lúc chồng vươn khơi được nhiều tôm, cá; song sâu trong tâm khảm, họ còn có mong mỏi lớn hơn - đó là còn được đón chồng về, đoàn tụ gia đình sau những tháng ngày lênh đênh trên biển. 

Bà Nguyễn Thị Thắm ở phường Dương Đông, TP Phú Quốc, chia sẻ: “Đời ngư phủ thường xuyên lênh đênh trên biển, đối mặt bão giông và nhiều thiếu thốn. Với những ngư phủ đã lập gia đình, ngoài những giọt mồ hôi hòa vào vị mặn của nước biển, họ còn mang theo nỗi nhớ vợ, con mà vượt từng cơn sóng dữ kiếm tìm tôm cá và để lại phía hậu phương là những người phụ thầm lặng chăm lo, quán xuyến gia đình mà vươn khơi bám biển...”.

Bà Thắm gốc ở Quảng Ngãi vào định cư tại làng chài Trần Phú, TP Phú Quốc, khoảng 30 năm nay. Gia đình bà Thắm mang theo nghề đi biển truyền thống của người dân vùng Nam Trung bộ, nên chồng bà cũng như nhiều người dân khác chọn nghề đi biển lo cho cuộc sống gia đình. “Trước kia, lúc còn trẻ, chồng tôi đi biển xa, vài tháng mới về nhà một lần. Giờ thì lớn tuổi nên chủ yếu đi lưới gần bờ cho an toàn và đỡ vất vả. Hồi đó mỗi lần ông đi biển là tôi lo lắm, vì nghề này vốn nhiều bất trắc mà” - bà Thắm nói.

Cũng theo bà Thắm, đời phụ nữ xóm chài gắn liền với những buổi sáng khắc khoải chờ đợi ghe của chồng cập bến, buổi trưa ngồi vá từng manh lưới rách và chiều chuẩn bị cơm cho chồng trước lúc ra khơi. Thoạt nhìn, cuộc sống có vẻ êm đềm, bình lặng nhưng thực chất trong lòng họ luôn canh cánh lo âu. “Phụ nữ lấy chồng nghề biển thường xuyên vắng người đàn ông trụ cột trong gia đình nhưng điều đáng sợ nhất là phút chốc có thể trở thành… góa phụ” - bà Thắm ngậm ngùi.

Chị Trần Tuyết Nguyệt ở phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, có chồng đi ghe biển ở ngư trường Trường Sa, cho biết: “Nghề đi biển đầy mệt nhọc, cũng lắm rủi ro. Tôi từng tâm sự để chồng chuyển sang làm nghề khác nhưng anh vẫn kiên trì bám biển. Anh nói biển đã là một phần của cuộc đời, khó mà dứt được. Nhưng tôi hiểu anh chỉ nói vậy chứ giờ về làm nghề khác chưa chắc lo được cho gia đình”.

Theo chị Nguyệt, với những người lấy chồng nghề biển, lúc chồng ra khơi cũng là khi họ vào vai người đàn ông trụ cột gia đình. Từ chuyện cái bàn, cái ghế, đưa đón con đi học, làm thêm kiếm tiền lo sinh hoạt hằng ngày rồi đến căn nhà cũ bị cơn gió vô tình kéo ngã mái hiên… các chị cũng phải tự tay xử lý và dặn lòng phải mạnh mẽ vượt qua khó khăn đợi chồng về. 

Trong những chuyến đi ở miệt biển Kiên Giang, tìm hiểu về cuộc sống của những phụ nữ lấy chồng làm nghề biển, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Bình An, huyện Kiên Lương. Chị không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là “đồng nghiệp” đúng nghĩa với chồng trong những chuyến mưu sinh ngoài biển. “Thấy chồng đi lặn biển một mình, sợ chồng buồn nên tôi nhờ anh dạy lặn. Dần dà tôi trở thành “đồng nghiệp” với chồng lúc nào không hay. Cứ thế, cuộc sống của vợ chồng tôi êm đềm trôi qua; dẫu còn nhiều vất vả, gian nan nhưng có thể chính việc “thuận vợ đồng chồng” sẽ tiếp thêm sức mạnh để những người lao động như vợ chồng tôi vượt qua tất cả…” - chị Thúy tâm sự.

Rời các làng chài khi vệt nắng cuối ngày chìm dần xuống biển, những con sóng rì rào xô vào bờ cát như kể nhau nghe nhiều câu chuyện từ phía xa khơi. Có thể trong những câu chuyện đó sẽ có chuyện mà chúng tôi còn rụt rè chưa dám hỏi: chuyện những chàng trai bỏ mình trên biển, vì biết đâu chính sự khơi gợi của mình lại lần nữa xoáy sâu vào nỗi đau mất người thân của ai đó trong những lần mưu sinh trên biển. Chỉ xin kết lại chuyện lấy chồng nghề biển bằng câu thơ của nhà thơ Tế Hanh trong bài “Quê Hương” để thấy cuộc sống của ngư dân miền biển còn nhiều thi vị: “Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ/Khắp dân làng tấp nập đón ghe về/Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”…

Chia sẻ bài viết