06/12/2010 - 14:01

Làng pháo Thạnh An bây giờ...

Nhờ chuyển đổi sản xuất có hiệu quả mà gia đình ông Bùi Thiện có cuộc sống ổn định. Trong ảnh: Chị Đỗ Thị Thanh Vân (vợ ông Bùi Thiện) đang chăm sóc đàn heo.

Mấy chục năm trước, người dân ở xã Thạnh An (thuộc huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) sống chủ yếu bằng nghề sản xuất pháo. Làng pháo Thạnh An lúc đó nổi tiếng khắp xa gần. Nhưng 17 năm qua, kể từ ngày Chính phủ ban hành Chỉ thị 406/TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và sử dụng các loại pháo, bà con nơi đây đã đoạn tuyệt với nghề nguy hiểm này. Làng pháo Thạnh An hôm nay đang từng ngày “thay da, đổi thịt”, với những mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả…

Men theo con lộ bê tông chạy dài thẳng tắp dọc tuyến Kinh F, trở lại thăm làng pháo cũ Thạnh An, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay nơi đây. Nhiều căn nhà tường khang trang được xây mới, đường sá thông thương, đi lại dễ dàng, đời sống của bà con không ngừng được nâng lên.

Hơn 17 năm về trước, hầu như nhà nào ở 2 ấp F1 và F2, xã Thạnh An, cũng sản xuất pháo. Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị cấm sản xuất pháo, nhiều hộ dân ở Thạnh An gần như hụt hẫng, bởi lâu nay nghề làm pháo là nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây. Sau đó, với chính sách hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề, ngoài việc canh tác cây lúa, các hộ dân còn mở rộng chăn nuôi heo, gà, vịt và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Qua nhiều năm chuyển đổi nghề, đời sống của bà con dần ổn định, từng bước vươn lên làm giàu trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Anh Bùi Thiện, ở ấp F1, là một trong những trường hợp như thế. Anh Thiện cho biết: “Ban đầu, khi Nhà nước có chủ trương cấm đốt pháo, dân làng nghề rất hoang mang, lo lắng dữ lắm. Khi đó, một số hộ đã bán nhà cửa, ruộng vườn chuyển đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để tìm kế sinh nhai. Số còn lại, trong đó có gia đình tôi, quyết định ở lại đây tiếp tục bám trụ với ruộng đồng. Đất cũng không phụ lòng người, năng suất sản xuất lúa liên tục tăng nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiện nay 1 công đất có thể cho thu hoạch hơn 50 giạ”. Cuộc sống gia đình anh Bùi Thiện cũng dần khấm khá từ đó. Ngoài canh tác 1,5 ha đất ruộng, vợ chồng anh còn tận dụng khoảnh đất trống quanh nhà để chăn nuôi thêm gà, vịt, heo. Đây là khoản thu nhập mà vợ chồng anh để dành lo chuyện học hành cho 3 người con. Năm nay, cô gái lớn của anh chị là Bùi Thị Thanh Hiền, học năm thứ 2 Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ; 2 người con còn lại Bùi Duy Tân và Bùi Thị Thanh Tâm đang học phổ thông. Anh Bùi Thiện cho biết: “Hồi trước, do tất bật chuyện làm pháo, nên các bậc phụ huynh cũng ít quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Thời đó, nhiều người chết, nhiều gia đình tán gia bại sản vì làm pháo. May nhờ có chỉ thị cấm sản xuất, đốt pháo của Chính phủ mà gia đình tôi và bà con ở Thạnh An sống trong an lành”.

Còn ông Lê Văn Mạnh, ở ấp F2, cũng là một trong những người mạnh dạn chuyển sang nghề nông ngay sau khi đoạn tuyệt với nghề làm pháo. Hiện nay, ông Mạnh canh tác 1 ha đất ruộng, nguồn thu nhập ổn định, đời sống cũng khấm khá hơn trước. Ông Mạnh cho biết: “Lúc mới có chủ trương cấm đốt pháo, một số hộ dân vẫn lén lút sản xuất, bị chính quyền địa phương phát hiện, xử lý nghiêm. Sau đó, được chính quyền vận động, tuyên truyền, bà con cũng ý thức được tính nguy hiểm của nghề làm pháo nên quyết tâm bỏ hẳn nghề cũ, chuyển sang làm ruộng và chăn nuôi”.

Giờ đây, làng pháo Thạnh An lại nổi tiếng với cánh đồng trĩu hạt, đạt năng suất cao, nhiều bà con được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đây còn là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Một trong những nông hộ khấm khá ở xứ này là ông Đào Thuyên, ngụ ấp F1. Sau khi đoạn tuyệt với nghề làm pháo, ông chuyển sang nghề nông. Ngoài việc canh tác 3 ha đất ruộng, ông Thuyên còn mua 2 máy gặt đập liên hợp, 3 máy cày... làm dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi khoảng 150 triệu đồng/năm. Ông Thuyên cho biết: “Từ việc sản xuất lúa có hiệu quả, đời sống người dân ở xã Thạnh An đã có nhiều đổi thay. Thấy rõ nhất là nhiều căn nhà khang trang mọc lên, người dân đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn, giúp việc đi lại được thuận lợi, dễ dàng. Đơn cử như tuyến đường giao thông ở ấp F1, rộng 3m, dài 5.000m, đây là công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm...”.

Bà Phan Thị Úc, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết: “Làng pháo Thạnh An trước đây với hơn 700 hộ dân chủ yếu sinh sống dọc tuyến Kinh F, thuộc 2 ấp F1 và F2. Lúc mới cấm pháo, người dân lúng túng, chính quyền cũng âu lo trong việc tìm lối ra cho đời sống của người dân. Bây giờ có thể nói nông nghiệp là nghề chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của xã. Hiện nay, đời sống người dân nơi đây ổn định hơn nhiều so với trước, số hộ nghèo ở 2 ấp F1 và F2 còn 15 hộ, số còn lại là khá, giàu”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết