Nhiều “Cơm 0 đồng”, “Chợ 0 đồng” xuất hiện trên địa bàn TP Cà Mau đã giúp nhiều người nghèo bớt khó khăn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Điểm phát “Cơm 0 đồng” ở Phường 8, TP Cà Mau.
Gia đình anh Nguyễn Chí Nguyễn ở Phường 5, TP Cà Mau, trước đây kinh doanh quán nhậu. Ngày 7-7, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định chỉ cho các hàng quán ăn uống bán mang về hoặc đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, vợ chồng anh Nguyễn đã đóng cửa quán. Tuy nhiên khi thấy những người bán vé số, phụ hồ, người mất việc, người bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh, vợ chồng anh Nguyễn quyết định dùng toàn bộ số thực phẩm còn lại nấu cơm phát miễn phí. Lúc đầu, anh chị dự kiến chỉ nấu 3 ngày với khoảng 200 suất ăn/ngày, nhưng sau đó nhiều người thấy việc làm này có ý nghĩa nên đã góp tiền, gạo, nhu yếu phẩm để duy trì bếp ăn. Đến nay, bếp ăn đã duy trì hơn 10 ngày, mỗi ngày cung cấp khoảng 200 suất ăn. “Tôi thấy có nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp nên làm. Nhưng bất ngờ là bạn bè, lối xóm thấy vậy đã đến hỗ trợ, rồi những người không quen biết cũng mang bó rau, con cá lại cho. Đi vào những hẻm nhỏ, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của từng người mới thấy việc mình làm có ý nghĩa, lại tiếp tục làm” - anh Nguyễn chia sẻ.
Còn tại Phường 8, TP Cà Mau, “Cơm 0 đồng” đầu tiên đi vào hoạt động ngày 13-7. Mỗi ngày có khoảng 250 suất cơm được trao cho những gia đình đang phải thực hiện cách ly; nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, lao động thất nghiệp cũng được san sẻ những phần cơm nghĩa tình. Sau đó, thấy còn nhiều người cần được giúp đỡ, các cơ quan, ban, ngành Phường 8 đã mở thêm 2 bếp “Cơm 0 đồng” khác. Những ngày qua, 3 bếp “Cơm 0 đồng” trên địa bàn phường mỗi ngày hỗ trợ khoảng 600-700 suất ăn cho bà con. Bên cạnh việc phát cơm đến tận nhà những hộ gia đình đang cách ly, lực lượng chức năng Phường 8 còn tổ chức 2 điểm phát cơm miễn phí trên đường Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Công Trứ. Sau khi nhận phần cơm, chị Nguyễn Thị Ngọc ở Phường 8, chia sẻ: “Tôi bán hàng, còn chồng thì lao động không ổn định nên cuộc sống rất khó khăn khi dịch bệnh xảy ra. Trong lúc như thế này mà nhận được phần cơm không tốn tiền cũng đỡ lắm. Rất cảm ơn chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đã chung tay giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND Phường 8, cho biết trên địa bàn phường chỉ có khoảng 50 hộ nghèo nhưng rất nhiều lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch, đặc biệt là những gia đình phải thực hiện cách ly cả hộ. Vì vậy, địa phương đã phối hợp với các cơ quan liên quan, huy động nguồn lực cộng đồng tổ chức các bếp ăn miễn phí hỗ trợ bà con. “Chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp “Hãy sẻ chia để cùng nhau vượt khó trong đại dịch” đến mọi người. Ai có công góp công, ai có của góp của, “nhiều chân, nhiều tay” sẽ càng giúp được nhiều người hơn” - ông Vinh bày tỏ.
Trước ý nghĩa thiết thực của “Cơm 0 đồng”, nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm để giúp các cơ quan chức năng Phường 8 có thêm nguồn lực để mở thêm “Chợ 0 đồng”. Bà Trần Thị Nhân ở Phường 6, TP Cà Mau, trước đây đi bán vé số kiếm sống. Khi vé số bị ngừng phát hành, bà Nhân thất nghiệp. Những ngày qua, bà thường ghé “Chợ 0 đồng” ở đường Nguyễn Công Trứ, Phường 8, để lấy thực phẩm. Trong rất nhiều thứ rau, củ, quả được bày ra, bà Nhân chỉ lấy một ít bông súng. Bà cho rằng thông điệp rất rõ “Ai cần cứ lấy 1 phần, ai ổn hãy nhường cho người khác”, nếu bà lấy nhiều thì người khác sẽ không còn, lấy vừa đủ cũng là sẻ chia với người đến sau. Bà Nhân cũng bày tỏ sự cảm kích với những người đã góp công sức tạo ra “Chợ 0 đồng” để giúp những người khó khăn.
Không chỉ ở TP Cà Mau mà nhiều “Cơm 0 đồng”, “Chợ 0 đồng” cũng được hình thành ở nhiều xã, phường khác trên địa bàn tỉnh. Những phần cơm, bó rau, con cá tuy giá trị không lớn nhưng với những hoàn cảnh đã khó khăn trong đại dịch thì đáng quý biết bao!
Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA