 |
Sau khi đi làm về, Ngọc Diệu luôn gần gũi, chăm sóc, thuốc thang cho mẹ. |
Đó là lời trăn trở của bà Nguyễn Thị Thêm, ngụ số 242, khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ khi nhắc tới người con gái duy nhất của bà là Huỳnh Ngọc Diệu. Chồng mất khi con gái mới 8 tuổi, bà bươn chải nuôi con ăn học, mong con có tương lai tốt đẹp. Nhưng khi con gái mới học lớp 9, bà Thêm đột ngột bị bệnh, bao nhiêu tiền của trong nhà cũng không đủ cho bà trị bệnh. Thế là, từ một cô học sinh giỏi, Ngọc Diệu phải từ bỏ ước mơ của mình, tìm việc làm thuê, kiếm tiền thang thuốc cho mẹ. Không lâu sau đó, Ngọc Diệu cũng bị bệnh viêm khớp, đi đứng khó khăn, gia đình càng thêm túng bấn...
Chân phải bị liệt, không còn cảm giác, đi lại khó khăn nên hầu hết thời gian bà Thêm sống trên chiếc ghế bố. Nhìn xuống chân phải và cánh tay phải không còn sức, không làm gì được, bà nhớ về thời gian trước khi bị bệnh mà không cầm được nước mắt. Bà Thêm lấy chồng khi tuổi gần 40, vợ chồng sống ổn định nhờ nghề bán quán giải khát. Đứa con đầu lòng không may mất sớm, vợ chồng bà dồn hết tình thương cho con gái út. Cuộc đời của bà kéo dài những nỗi bất hạnh khi làm ăn thất bại, trong nhà không còn tiền lại là lúc chồng bà phát bệnh nặng. Hoàn cảnh túng thiếu, bà Thêm không đủ tiền đưa chồng đi bệnh viện. Đến lúc thấy ông yếu quá, bà Thêm liều đem chồng đi bệnh viện với 30 ngàn đồng trong tay, nhưng chồng bà mất một ngày sau đó. Chồng mất, con gái mới 8 tuổi, bà cố gắng thức khuya dậy sớm, làm đủ thứ bánh để bán dạo nuôi con ăn học, mong con không bị thua sút bạn bè dù đã mất cha. Ngọc Diệu thương mẹ, luôn đạt thành tích học sinh giỏi, xuất sắc. Trong xóm ai cũng nói Ngọc Diệu lớn lên sẽ thành tài.
Không ai ngờ, năm Diệu 14 tuổi, bà Thêm bị bệnh. Bàn chân bị sưng, đầu bị nhức thường xuyên, không đi đứng bình thường được. Không có tiền đi bệnh viện, bà ở nhà mua thuốc uống nhưng không lâu sau, chân phải gần như bị liệt, nhức đầu nhiều hơn, ăn uống không được. Bà Thêm nhờ lương y về nhà châm cứu nhiều ngày vẫn không có tác dụng mà cơ thể ngày càng gầy, yếu, chỉ nằm một chỗ. Thấy vậy, chị của bà Thêm đưa bà đi điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Tại đây, các bác sĩ cho biết bà có khối u trong não, cần phẫu thuật gấp. Chị em của bà về quê đi vay mượn, kiếm tiền cho bà điều trị. Ca phẫu thuật thành công, khối u được lấy ra ngoài, bà giữ được mạng sống nhưng không còn làm lụng gì được nữa. Bà nói trong nước mắt: “Hồi đó nghĩ mổ xong hết bệnh rồi về mần ăn, đâu biết sức khỏe yếu vầy, phải vậy, hồi đó chết luôn cho rồi nhưng thương con còn nhỏ...”.
Từ ngày mẹ bị bệnh, Diệu nghỉ học đi làm kiếm tiền. Vì chưa đủ tuổi lao động, Diệu mượn giấy tờ của người khác làm hồ sơ xin việc. Bị chính quyền địa phương phát hiện, em bị phạt 1 triệu đồng. Không đi làm công nhân được, Diệu xin phụ quán, giúp việc nhà, chờ đủ tuổi, xin làm công nhân. Bao nhiêu tiền công nhật, Diệu đem về cho mẹ mua thuốc. Cơ thể Diệu vốn đã gầy gò, phải thức khuya dậy sớm hàng ngày nên sức khỏe càng yếu. Đi làm công nhân cho một công ty ở khu công nghiệp Trà Nóc, hễ tăng ca liên tục 2 ngày là Diệu bị bệnh. Có lần em cố sức làm việc, bị xỉu ở công ty, nhờ các đồng nghiệp đưa về. Vừa tròn 18 tuổi, Diệu phát hiện mình bị bệnh viêm khớp gối. Hễ trời lạnh hoặc đi đứng nhiều, lao động nặng, em thường xuyên bị nhức, không chịu nổi. Thế là thu nhập khoảng 1,8 triệu đồng/tháng của Diệu chỉ đủ thang thuốc cho mẹ và em, mọi việc chi tiêu trong nhà phải hết sức gói ghém. Nhiều ngày, trong nhà không còn tiền, bà Thêm và con ăn cơm với muối tiêu, muối sả. Có lúc Diệu đi làm về, trong nhà không còn đồ ăn, em mua mì gói ăn lót dạ rồi đi ngủ, hôm sau dậy đi làm tiếp. Nhiều tháng, bà Thêm phải đi chích thuốc thiếu rồi khi Diệu có tiền lương mới trả. Mỗi viên thuốc chống giật có giá hơn 2.000 đồng, bác sĩ dặn uống mỗi ngày 2 viên nhưng bà Thêm bẻ nửa viên thuốc, mỗi ngày uống 1 viên.
Thu nhập của Diệu đều dồn hết vào thang thuốc cho mẹ và bản thân mình, chỉ để dành mỗi năm sắm một bộ đồ duy nhất. Hầu như mọi thứ trong nhà của hai mẹ con đều nhờ bà con lối xóm cho, sửa sang lại. Vách nhà là nhờ cháu xây giùm, mái nhà xiêu vẹo nhờ có Tổ Từ thiện gần đó mua cột xi măng kiềng lại. Ngay cả mấy bộ đồ của 2 mẹ con mặc cũng do bà con cho. Nhìn lên vách nhà, bà Thêm nói: “Tôi đang đăng bảng bán nhà, hy vọng có tiền trả nợ cho bà con. Hơn 7 năm qua, số tiền nợ đã lên đến hơn 30 triệu đồng. Sống mà thiếu nợ tùm lum, lòng tôi ray rứt quá. Nhưng mỗi tối nhìn con gái tự đấm 2 đầu gối và lưng mà thấy tội. Nếu tôi chết rồi, bỏ con lại làm sao con trả nợ?”.
Anh Đặng Văn Phiên, Trưởng khu vực Thới Lợi, phường Thới An nói: “Gia đình bà Thêm thuộc hộ nghèo của phường, bà bị bệnh mấy năm rồi, con gái của bà cũng bị bệnh, tiền làm ra không đủ mua thuốc cho 2 mẹ con. Mong các nhà hảo tâm gần xa giúp gia đình bà vượt qua khó khăn!”.
Bài, ảnh: MỸ TÚ