10/12/2007 - 11:15

Làm giàu với con cá lóc

Ông Trần Văn Khước (Năm Khước) ở phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên (An Giang) nói rằng ông có duyên nợ với con cá lóc, đến nỗi nhiều đêm nằm ngủ ông thường mơ thấy... cá lóc. Vì thế, dù nhiều phen lận đận với giống cá này nhưng ông vẫn không bỏ nghề nuôi cá lóc (mà giờ đây ông cho rằng đó là cái nghiệp). Và con cá lóc đã không phụ người: từ một anh bộ đội phục viên nghèo xác xơ ông Năm Khước nay đã có cơ ngơi khang trang được gầy dựng từ cá lóc.

GIAN NAN LẬP NGHIỆP

 Ông Năm Khước đang phơi khô cá lóc. Ảnh: BÌNH NGUYÊN  

Đến khóm Đông Thạnh A, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên hỏi ông Năm Khước nuôi cá lóc hầu như ai cũng biết. Cơ sở của ông nằm heo hút trong hẻm sâu. Thoạt nhìn thấy căn chòi lá tạm bợ và mấy ao nuôi cá lóc (vốn đã theo ông suốt quãng đời lập nghiệp), nhiều người dễ nghi ngờ về chuyện ông Năm Khước làm giàu từ con cá lóc. Nhưng hỏi ra mới biết, ông có một căn nhà khang trang, khá to nằm gần mặt tiền đường Trần Hưng Đạo - căn nhà được xây dựng từ tiền nuôi cá lóc.

Ông Năm Khước sinh năm 1954 trong một gia đình nông dân, đã từng tham gia cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Khi đất nước thống nhất, ông giã từ quân ngũ trở về nhà và dự tính trở lại nghề nông. Thế nhưng, gia đình đông anh em, lại ít đất nên Năm Khước chuyển hướng sang mở quán cà phê. Lúc này, mới giải phóng nên đời sống người dân còn khó khăn, nghề bán cà phê không đủ lo cho gia đình. Ngày qua tháng lại, những đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng gia đình thêm chồng chất. Vậy là, Năm Khước phải đi làm mướn. Lúc đầu là phụ hồ, sau đó trở thành thợ chính. Nhưng nghề làm mướn cũng không thể giúp gia đình có cuộc sống khá hơn. Ông Năm Khước nhớ lại: “Lúc đó, cuộc sống quá khó khăn, nghề thợ hồ không ổn định vì người ta ít xây dựng. Con thì ngày một lớn, nên tôi suy nghĩ và quyết định phải đổi nghề thì mới có thể lo cho cuộc sống gia đình”. Nhưng đổi sang nghề gì là bài toán hóc búa với ông Năm Khước lúc đó.

“BÉN DUYÊN” VỚI CON CÁ LÓC

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, phong trào chơi kiểng bỗng phát triển rầm rộ. Vốn có nghề thợ hồ nên ông Năm Khước quyết định theo học nghề làm chậu kiểng. Với tính ham học hỏi, ông đã lĩnh hội rất nhanh những tuyệt chiêu trong nghề. Chính nghề làm chậu kiểng đã giúp ông nuôi sống gia đình và tích vốn làm ăn sau này.

Đang làm chậu kiểng kiếm được tiền cũng kha khá, bỗng dưng ông Năm Khước quyết định mua 2 công đất đào ao nuôi cá. Nhưng chuyện làm nhiều người ngạc nhiên hơn là giữa lúc phong trào nuôi cá tra phát triển rầm rộ, ông lại thả nuôi... cá lóc. Ông nói: “Con cá tra đúng là mang lại lợi nhuận lớn, nhưng do nuôi đại trà có lúc cung vượt cầu nên nhiều người cũng điêu đứng. Tại sao mình không tìm con cá khác thả nuôi để tránh cảnh dội chợ thất giá?”. Vậy là, ông quyết định dùng 2 công đất - lúc đó là cả gia sản sau những tháng ngày dành dụm- để nuôi cá lóc như đánh một canh bạc. Ông suy tính: “Không đột phá thì không thể làm giàu. Lúc đó đúng là mạo hiểm khi mình tay ngang chưa hiểu gì về nghề nuôi cá lóc. Nhưng có ai thành công mà không có thất bại?”.

Nói vậy chứ ông cũng tìm hiểu cặn kẽ kỹ thuật nuôi rồi mới quyết định chọn cá lóc để nuôi. 15.000 con giống đợt đầu tiên được thả xuống lớn dần theo mong mỏi từng ngày của cả gia đình. Những ngày này, ông Năm Khước hầu như quên ăn, quên ngủ. Ông theo ao cá suốt để cho cá ăn, thay nước, xem cá có bệnh không ... Không phụ công chăm sóc của ông, đàn cá lớn nhanh và rất ít bị bệnh. Lứa cá đầu, ông xuất bán lời hơn 10 triệu đồng. Đến lứa thứ hai, ông thả số lượng tăng gấp đôi, lại thắng lớn: thu lãi hơn 30 triệu đồng sau khi trừ tất cả chi phí.

“Tích thiểu thành đa”, ông Năm Khước quyết định mua thêm gần 1 ha đất tại TP Long Xuyên để mở rộng cơ ngơi nuôi cá, quyết gắn bó lâu dài với con cá lóc. Nhưng để có vốn trong quá trình nuôi cá phải tìm cách tiết kiệm triệt để. Vậy là, ông quyết định mạo hiểm thay dầu bơm bằng mỡ cá để tiết kiệm chi phí bơm nước. Ông cho biết: “Gần đây, chuyện về dầu mỡ cá bị pha trộn làm hư máy, nhiều người lo lắng nhưng tôi đã bơm nước bằng mỡ cá cách đây hơn chục năm. Tuy nhiên, phải biết cách mới giữ máy được lâu”. Theo kinh nghiệm của ông Năm Khước, phải thắng cho mỡ cá hết nước thì máy chạy mới êm và không hư béc dầu. Đặc biệt, phải khởi động máy cho chạy bằng dầu vài phút, sau đó máy được bôi trơn thì đổ mỡ cá vào là chạy êm ru, máy không hỏng giữa chừng. Ông nhẩm tính: “Nếu chạy bằng mỡ cá thắng, sau một vụ cá có thể lời được một chiếc Wave Alpha”.

KHÉP KÍN QUY TRÌNH

Nói vậy chứ ông Năm Khước cũng nhiều bận lao đao vì con cá lóc. Trước hết là con giống. Ông cho biết: “Muốn mở rộng chăn nuôi phải có nhiều giống mà phải là giống tốt. Nhưng để có đủ giống tốt đâu có dễ dàng. Mỗi khi vào vụ, tôi phải chạy tìm hết nơi này đến nơi khác, có khi cũng không đủ giống. Muốn phát triển nghề, không có cách nào khác là phải khép kín quy trình mới bảo đảm sản xuất có hiệu quả”. Vậy là, ông Năm Khước có thêm nghề sản xuất cá lóc giống.

Ngay vụ đầu tiên, ông đã sản xuất thử nghiệm thành công với hơn 50.000 con giống cá lóc thả nuôi. Những vụ sau, ông tăng dần số lượng và sau 2 năm sản xuất cá lóc giống, đến nay có rất nhiều mối từ Vũng Tàu, Đồng Tháp... đến tìm ông Năm Khước đặt mua cá giống. Nhưng rồi, chuyện đầu ra sản phẩm, giá cả thị trường cũng làm ông mấy phen lận đận. “Trong cái khó ló cái khôn”, ông quyết định theo học nghề làm khô cá lóc. Ông nói: “Đang nuôi cá mà học làm khô đối với nhiều người rất kỵ. Nhưng thời buổi kinh tế thị trường phải làm thế nào khép kín được quy trình, bảo đảm hàng hóa chất lượng để bán có giá mới mong thắng được. Nghĩ vậy nên tôi hổng ngại”.

Cũng từ đó, nhiều cơ sở làm khô bên huyện Chợ Mới bắt đầu in dấu chân của ông Năm Khước. Hết lò này đến lò khác, ông tranh thủ học các bí quyết làm khô cá lóc để tránh bị thương lái ép giá. Bởi vì, giá cá lóc có thể xuống nhưng giá khô cá lóc thì ít khi xuống. Sau một năm lặn lội hết nơi này đến nơi khác, ông Năm Khước học được nghề làm khô cá lóc. Còn nhớ vụ cá năm 2006, giá cá lóc giảm đến mức dưới 12.000 đồng/kg. Nhờ làm khô cá lóc mà ông thắng lớn.

Sau bao gian nan với nghiệp nuôi cá lóc, gia đình ông Năm Khước đã thật sự đổi đời. Từ chỗ hàng ngày phải đi làm thuê làm mướn, thiếu trước hụt sau, nay ông Năm Khước đã có được căn nhà khang trang ở trung tâm TP Long Xuyên và ngày càng tích lũy vốn để mở rộng cơ sở nuôi cá lóc. Bây giờ, mỗi năm ông xuất bán gần 100 tấn cá lóc. Dù giá cá trên thị trường có biến động tới đâu nhưng nhờ có quy trình khép kín này nên ít nhất ông cũng có lãi khoảng 100 triệu đồng. Nhưng ông Năm Khước chưa dừng lại ở đó. Ông đang có dự định đầu tư cả tỉ đồng để mở trang trại nuôi cá lóc.

BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết