17/02/2012 - 16:07

Làm giàu từ mô hình tổng hợp

Những năm gần đây, nhiều nhà nông đã biết cách kết hợp nhiều mô hình trong cùng một diện tích để cho hiệu quả và lợi nhuận cao. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi cá sinh thái kết hợp với vườn cây ăn trái và hoa kiểng hiệu quả của ông Lê Văn Bon, thuộc khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

 Ông Lê Văn Bon làm giàu từ mô hình tổng hợp.

Ông Lê Văn Bon được nhiều người biết đến với mô hình tổng hợp nuôi cá sinh thái, nuôi nhím sinh sản, nuôi gà, trồng lúa, cây ăn trái... mang lại lợi ích kinh tế cao. Với 13.000m2 đất vườn, ruộng do ông bà để lại, nhiều năm trước đây ông canh tác lúa một năm 2 vụ nhưng hiệu quả rất kém, vườn trồng nhiều loại cây tạp cho hiệu quả không cao, nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Để thoát cảnh nghèo khó, ông tìm hiểu mô hình đạt hiệu quả cao, mới lạ ở nhiều địa phương khác như Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre... và học tập thêm qua sách báo, bạn bè. Tuy vậy, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá, trồng hoa kiểng cũng đã không ít lần thất bại. Ông Lê Văn Bon chia sẻ: “Càng khó khăn tôi càng muốn hoàn thành cho được, tôi học cách nuôi mới, những mô hình hiệu quả từ bà con, sau đó chọn lọc áp dụng thử trên ruộng nhà”. Năm 2002, ông Bon bắt đầu cải tạo vườn tạp và đào ao nuôi cá, chung quanh bờ ao và phần đất còn lại trồng nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, cam, bưởi, xoài cát Hòa Lộc, dừa Xiêm... Ở giữa ao, ông trồng tràm để tạo bóng và thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho cá; trên bờ xung quanh ao, ông Bon nuôi thêm gà thả vườn, nhím sinh sản, trồng kiểng, hoa đa lộc...

Phần đất trồng các loại cây ăn trái có diện tích khoảng 5.000m2, phần ao chiếm diện tích khoảng 5.000m2 được chia làm 2 để nuôi các loại cá: cá rô đầu vuông, cá sặt rằn, còn lại 3.000m2 để canh tác lúa. Ngoài ra ông còn tận dụng thêm phần đất làm vườn để nuôi gà và nuôi nhím sinh sản. Từ năm 2003, ông Bon bắt đầu thả nuôi các loại cá như cá tra, cá rô đồng, cá sặt rằn... Thu nhập từ mô hình trên khoảng 100 triệu đồng/năm, riêng cá sặt rằn nuôi bằng thức ăn công nghiệp kết hợp thức ăn tự nhiên như: bông tràm, ốc bươu vàng, rong tảo, phiêu sinh động thực vật nên tiết kiệm khoảng 40% chi phí lại giữ được môi trường sinh thái tốt. Năm 2010, được biết Hậu Giang có giống cá rô đầu vuông cho năng suất cao nhưng nếu mua con giống về thả nuôi thì chi phí sẽ cao, ông Bon đã tìm mua giống bố, mẹ về tự tạo con giống nuôi cá thịt cho đến nay. Ông Bon ước tính: Cá rô đầu vuông thu hoạch tổng sản lượng 25 tấn với giá trung bình khoảng 26.000đồng/kg, thu lợi khoảng 650 triệu đồng, trừ hết chi phí lợi nhuận thu về khoảng 100 triệu đồng. Cá sặt rằn cho sản lượng 5 tấn/vụ, giá thị trường khoảng 50.000 đồng/kg, thu về hơn 250 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, nuôi gà thả vườn, nhím sinh sản, dừa xiêm, xoài, sầu riêng, hoa kiểng, lúa... mỗi năm thu lời hơn 100 triệu đồng nữa... Tính bình quân tổng thu nhập từ mô hình tổng hợp trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Dám nghĩ dám làm, luôn chịu khó học hỏi, ông Bon còn tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, các buổi hội thảo chuyên đề do các cấp hội nông dân và ngành nông nghiệp tổ chức và đã ứng dụng thực tiễn để đạt được mô hình như hiện nay. Ông Lâm Việt Hải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Tuyền, cho biết: Ông Lê Văn Bon đã nhiều năm liền nhận bằng khen nông dân sản xuất giỏi. Mô hình tổng hợp của ông Bon cho giá trị kinh tế khá cao, ngày càng được nhiều bà con trong vùng đến học hỏi kinh nghiệm và thực hiện theo.

Bài, ảnh: TUYẾT NHUNG

Chia sẻ bài viết