Xác định kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để ổn định đời sống nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, TP Cần Thơ đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là tập trung tuyên truyền, thực hiện chiến lược “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”, cùng với nỗ lực chăm lo đời sống nhân dân. Trước tình hình dịch bệnh tại Cần Thơ còn diễn biến phức tạp, bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, thành phố cần sự đồng lòng, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa của toàn dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Phát huy sức mạnh đoàn kết, giúp nhau vượt khó

Nhiều tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo đóng góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch tại Ủy ban MTTQVN thành phố. Ảnh: N.Chẩn
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều lao động mất việc làm, không có thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Để nhân dân an tâm, đồng lòng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, thời gian qua, cùng với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ theo quy định, TP Cần Thơ đẩy mạnh vận động, phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư để chăm lo đời sống nhân dân.
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 52/NQ-HĐND của HĐND thành phố về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Sở phối hợp các ngành chức năng thành phố, các cấp chính quyền địa phương kịp thời rà soát, thống kê để hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng 12 chính sách. Đến cuối tháng 11-2021, thành phố đã chi hỗ trợ 3.693 người sử dụng lao động, 397.580 lượt người, số tiền trên 701 tỉ đồng, đạt trên 86,7% số lượng được duyệt. Thực hiện hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 52/NQ-HĐND, thành phố chi trên 494,6 tỉ đồng hỗ trợ 247.320 người. Ngoài ra, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ khẩn cấp 7,712 tỉ đồng cho 15.424 người thiếu, đói, thiếu lương thực, thực phẩm, gặp khó khăn do dịch COVID-19... Sở cũng đang triển khai mở các lớp đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động.
Hơn 5 tháng qua, nhất là trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, khắp các quận, huyện nở rộ nhiều mô hình, hoạt động thiết thực chăm lo đời sống nhân dân, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nổi bật, Ban Dân vận Thành ủy thực hiện mô hình “Chuyến xe dân vận”; Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ xây dựng mô hình “San sẻ yêu thương, thắm đượm nghĩa tình”; Hội LHPN thành phố có Chương trình “Triệu phần quà - San sẻ yêu thương”; Hội Cựu chiến binh thành phố phát động đợt thi đua đặc biệt “Phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”… Các cấp bộ Đoàn, Hội thành phố xây dựng mô hình “Đội hình shipper tình nguyện” giúp 2.390 hộ dân trong khu vực phong tỏa mua hàng hóa, nhu yếu phẩm. Từ tháng 5-2021 đến nay, “Hành trình Kết nối yêu thương” do Thành đoàn triển khai đã hỗ trợ rau củ quả và các sản phẩm thiết yếu với tổng số tiền hơn 2,5 tỉ đồng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19…
Tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau đang tiếp tục được phát huy. Mấy tháng qua, anh Trịnh Quốc Tùng ở khu vực Yên Trung, phường Lê Bình, quận Cái Răng, đã ủng hộ 3 tấn gạo, nhu yếu phẩm, mì gói, trị giá 25 triệu đồng để hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, các hộ bị phong tỏa, cách ly y tế. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Chủ tịch UBND phường Lê Bình, đến 30-11-2021, tổng số tiền người dân đóng góp cho công tác an sinh xã hội phòng, chống dịch của phường là hơn 1,2 tỉ đồng. Tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, người dân cũng đã đóng góp cho công tác an sinh, phòng, chống dịch hơn 2 tỉ đồng. Trong đó, cô Dương Kim Hồng, ở khu vực Tân Phú, đóng góp gần 200 triệu đồng và cùng đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố cho biết: Từ ngày 27-5 đến 29-11, Ủy ban MTTQVN các cấp thành phố đã tiếp nhận trên 41,4 tỉ đồng; hàng hóa trị giá trên 166 tỉ đồng của người dân, tổ chức ủng hộ công tác phòng, chống COVID-19. Ngoài ra, còn huy động, vận động, nhiều trang thiết bị, vật tư y tế… Mặt trận các cấp tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19; thi đua phục hồi phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”.
Nỗ lực bảo vệ, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Trong gần 5 tháng qua (từ ngày 8-7 đến 4-12), TP Cần Thơ có 30.794 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 14.197 người được điều trị khỏi. Số ca tử vong do COVID-19 là 235 ca, đa số các trường hợp tử vong đều có bệnh lý đi kèm trước khi nhiễm, người cao tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao... Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngày 4-12, UBND TP Cần Thơ đã ban hành công văn về việc huy động nguồn lực và thực hiện biện pháp tăng cường công tác điều trị COVID-19. Trước đó, ngày 22-11, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định phân công 62 đội y tế lưu động (thành phần là bác sĩ và sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ) về các địa bàn để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ quản lý, cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà. Sau gần 10 ngày hoạt động, các đội y tế lưu động đã quản lý, tư vấn, theo dõi, chăm sóc cho hơn 5.200 bệnh nhân, xử trí cấp cứu 68 trường hợp. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, đội y tế lưu động đã nhận được sự tin tưởng của người dân, đã thiết lập liên kết với người bệnh, cấp cứu cả ngày lẫn đêm… Sắp tới, ngành Y tế Cần Thơ phối hợp mạng lưới thầy thuốc đồng hành triển khai mạng lưới hỗ trợ tư vấn cho F0 qua điện thoại…Tính đến chiều 4-12, thành phố có 14.245 F0 được quản lý, điều trị tại nhà. Thành phố đã kích hoạt hoạt động của 83 trạm y tế lưu động và 62 đội y tế lưu động. Mỗi trạm y tế lưu động cơ bản có bình oxy, máy tạo oxy, máy đo SpO2 cầm tay, túi cấp cứu. Thành phố thành lập 6 đội cấp cứu lưu động sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới. Quân khu 9 và Công an thành phố hỗ trợ thành phố 7 đội Y tế lưu động (gồm xe cấp cứu) để điều phối cơ động hỗ trợ các quận, huyện có nhu cầu.
Sở Y tế thành phố cũng vừa ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời về việc phân tầng điều trị tại một số bệnh viện để phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Trong đó, tầng 1 quản lý và điều trị F0 tại nhà do các trạm y tế lưu động, trạm y tế thực hiện. Tầng 2 (các bệnh viện điều trị COVID-19) điều trị bệnh nhân COVID-19 không đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà, F0 đang quản lý tại nhà có diễn biến vượt khả năng chuyên môn của trạm y tế, với công suất 2.750 giường. Tầng 3 điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân lĩnh vực chuyên khoa, bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý cấp cứu kèm theo với công suất 350 giường. Trong trường hợp cần thiết, bệnh viện có thể bố trí thêm giường bệnh. Ngành Y tế cũng đã thành lập và duy trì hoạt động của tổ điều phối tiếp nhận và vận chuyển bệnh nhân COVID-19.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phòng, chống dịch
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra vào đầu tháng 12-2021, Chính phủ nhận định và dự báo dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trước, chỉ đạo các địa phương tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; đặc biệt nhấn mạnh việc tiếp tục nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, xác định “người dân phải vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch”.
Theo các chuyên gia y tế, để giúp phổi có sức chống đỡ trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19, mọi người có thể tự tập luyện mỗi ngày để phổi trở nên khỏe mạnh hơn; việc thực hành súc họng, miệng đúng cách cũng giúp bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc COVID-19. Các bác sĩ luôn khuyến cáo lối sống vận động thường xuyên, tập thể dục, thể thao đều đặn mỗi ngày là đơn thuốc hữu hiệu không chỉ dành cho người có bệnh mà còn nâng cao khả năng phòng bệnh. Việc ăn uống để tăng đề kháng, chống lại dịch bệnh cũng được nhiều người quan tâm. Ngoài ra, sức đề kháng của tinh thần cũng không thể bỏ qua và điều này được hình thành từ lối sống tích cực, bình tĩnh, không quá sợ hãi, bi quan trong dịch bệnh. Khi không may mắc bệnh, tinh thần mạnh mẽ, kiên cường chính là sức đề kháng hữu hiệu giúp F0 vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, cùng với việc xuất hiện chủng mới Omicron, nâng mức độ cảnh báo về tình trạng khủng hoảng y tế nếu thành phố không kiểm soát được dịch. Theo các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch của đơn vị đã kín giường. Nhiều trường hợp tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và tuổi còn trẻ vẫn bị bệnh nặng. Do đó, dù Cần Thơ đã nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine, người dân không nên chủ quan, lơ là trong bối cảnh hiện nay.
Nhóm PV Thời sự