20/05/2008 - 21:42

Làm gì để phòng bệnh tay chân miệng ?

Những hồng ban và bóng nước nổi ở chân, tay, miệng là những dấu hiệu nhận biết bệnh TCM điển hình.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến ngày 30-4-2008, đã có trên 140 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) ở TP Cần Thơ nhập viện điều trị, tăng trên 100 trường hợp so với cùng kỳ năm 2007. Đặc biệt tính đến ngày 13-5-2008, đã có thêm gần 20 ca nhập viện điều trị. Trong khi đó, từ đầu năm đến 14-5-2008, có hơn 550 bệnh nhân của các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) Cần Thơ. Theo đánh giá của các bác sĩ, năm nay bệnh TCM đã bùng phát ở TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

* Ý thức đưa bệnh nhi đến bệnh viện sớm

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BVNĐ Cần Thơ, trước đây ít người hiểu biết về bệnh TCM. Họ lầm tưởng những nốt nổi trên tay, chân, miệng trẻ là nốt thủy đậu hoặc nốt ghẻ nên mua thuốc về bôi không đúng. Vì thế, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi đưa đến bệnh viện trong tình trạng nặng. Nhưng đến tháng 4 và 5-2008, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân đã ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh và đưa các cháu đến bệnh viện sớm.

Đa số các bậc cha mẹ đều rất sợ bệnh TCM và khi có dấu hiệu nổi những nốt đỏ là họ đưa ngay con, cháu đến bệnh viện. Chị Nguyễn Thanh Thúy, ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, có con đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm, BVNĐ Cần Thơ, cho biết: “Khi phát hiện bàn chân của bé có nổi 1-2 mụn là tôi đưa bé đến bệnh viện ở Vị Thanh ngay. Sau khi khám xong, chưa yên tâm, tôi đưa bé lên BVNĐ Cần Thơ khám và nhập viện luôn”.

Mẹ của bé Nguyễn Ngọc Hân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết, cách đây 1 tháng bé Hân phát bệnh TCM. Sau khi vào BVNĐ điều trị, bé hết bệnh. Nhưng gần 1 tháng sau, bé bị nổi mụn ở miệng, chân, đầu... nên gia đình đưa vào BVNĐ Cần Thơ điều trị. Mẹ bé Ngọc Hân nói thêm: Thấy triệu chứng của bé giống như lần trước, tôi tính cho bé uống thuốc theo toa thuốc cũ nhưng thấy bé nổi mụn to hơn nên tôi đưa bé lên thẳng BVNĐ Cần Thơ điều trị.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về bệnh này. Mẹ bé Phạm Hải Đăng ở ấp Xuân Thọ, xã Vĩnh Tường, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nói: “Thấy bé nổi mụn, người không ngứa, sốt, ăn ngủ bình thường nên tôi đưa bé đến bác sĩ tư. Bác sĩ nói bé bị nổi ghẻ, cho thuốc bôi nhưng hai bữa sau bé nổi nhiều hơn. Mẹ chồng tôi xem trên ti vi nói về bệnh TCM nên bắt tôi đưa con lên BVNĐ Cần Thơ điều trị. Bác sĩ chẩn đoán bé bị TCM”.

* Dễ nhầm với các bệnh khác

Tuy các bậc phụ huynh rất sợ bệnh TCM và đưa trẻ đến bác sĩ khám sớm nhưng hầu hết phụ huynh được hỏi đều không biết cách phòng bệnh và phân biệt bệnh TCM với các bệnh có nổi mụn đỏ khác. Bác sĩ Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BVNĐ Cần Thơ, cho biết: Bệnh TCM có những triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với bệnh trái rạ, nấm miệng... Nhưng thực sự bệnh TCM có những tổn thương điển hình là những bóng nước nhỏ hoặc những vết loét đỏ, nằm chủ yếu trong miệng, niêm mạc má, bên trong má, vòm miệng, trên lưỡi, trên nướu răng... Các bóng nước cũng thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, trên mông.

Bác sĩ Phạm Thị Chinh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVNĐ Cần Thơ, cho biết thêm: Bệnh TCM thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Triệu chứng của bệnh thường là: sốt (thường sốt nhẹ, nếu sốt cao liên tục thì tiên lượng bệnh sẽ nặng hơn), trên da lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông xuất hiện hồng ban và bóng nước trên nền hồng ban. Bóng nước hình bầu dục, kích thước 2-10mm nổi cộm trên da hay ẩn dưới da, không đau. Khi bóng nước khô để lại vết thâm trên da, không loét. Ngoài các triệu chứng trên có thể trẻ đi tiêu lỏng, nôn ói, đau họng, biếng ăn. Trường hợp không điển hình thì chỉ thấy bóng nước rất ít xen kẽ với những nốt hồng ban hoặc 1 số trường hợp chỉ biểu hiện hồng ban mà không có bóng nước; hay chỉ có loét miệng đơn thuần. Do đó, các bậc cha mẹ và thầy thuốc cần chú ý tìm hiểu để tránh bỏ sót.

* Bệnh TCM có nhiều biến chứng nguy hiểm

Bệnh TCM do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxsackievirus và Enterovirus 71 (còn gọi là EV 71) gây ra. Theo bác sĩ Hà Anh Tuấn, bệnh TCM có hai thời điểm tăng cao, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11. Hiện nay, Cần Thơ đang ở giai đoạn cao điểm của dịch. Vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân lập được tác nhân gây bệnh TCM. Ở miền Bắc, siêu vi trùng gây bệnh là Coxsackievirus nên thường lành tính và không gây biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, ở miền Nam, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phân lập tác nhân gây bệnh chủ yếu là EV 71. Khác biệt chủ yếu giữa Coxsackievirus và EV 71 là EV 71 gây biến chứng nguy hiểm như: viêm não cấp, phù phổi cấp, viêm cơ tim. Đây là những biến chứng rất dễ đưa đến tử vong. Một đặc điểm khác của bệnh TCM là diễn biến rất nhanh. Trẻ đang bú, chơi bình thường, mới nổi vài nốt bóng nước, một giờ sau có thể có những biến chứng nặng và không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Theo bác sĩ Phạm Thị Chinh các dấu hiệu để nhận biết biến chứng: “Trẻ bứt rứt, hốt hoảng, quấy khóc, lừ đừ, chới với, rung giật cơ, co giật hoặc hôn mê, yếu chi... Ngoài ra, da có thể nổi bông tím, thở nhanh, mạch nhanh, tim đập nhanh, sốt cao...”.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị triệu chứng để xử trí các biến chứng kịp thời. Vì thế, theo bác sĩ Chinh: “Đối với trường hợp bệnh nhẹ (độ I) tức là bệnh nhi chỉ có loét miệng và nổi hồng ban bóng nước trên da ở lòng bàn chân, tay, gối, mông mà không có sốt và không có dấu hiệu bất thường nào khác thì có thể điều trị tại nhà hoặc ở y tế cơ sở. Cách điều trị: cho bệnh nhi nghỉ ngơi, tránh kích thích, vệ sinh răng miệng và toàn thân, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu; hạ sốt khi có sốt bằng thuốc Paracetamol, tái khám 1-2 ngày/lần trong 7 ngày đầu của bệnh. Các bậc phụ huynh và thầy thuốc cần lưu ý khi có các dấu hiệu nặng cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Hiện nay, để điều trị các biến chứng có hiệu quả, tại khoa Hồi sức cấp cứu, BVNĐ Cần Thơ, các bác sĩ đã dùng thuốc gamma globulin truyền tĩnh mạch. Nhờ đó đã cứu sống 4 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh TCM tưởng chừng không qua khỏi.

Bài, ảnh: Huệ Hoa

*Phòng bệnh

    Bệnh TCM hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa. Do đó, cha mẹ tự phòng bệnh cho con và phòng tránh lây lan cho cộng đồng bằng cách:

    - Cách ly trẻ bệnh: khi phát hiện trẻ bệnh TCM phải cho trẻ nghỉ học ngay. Ở nhà, trẻ tránh tiếp xúc và dùng chung dụng cụ với trẻ khác.

    - Thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống sôi.

    - Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, thay tả lót, quần áo hay sau khi tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt.

    - Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà...

Bác sĩ Phạm Thị Chinh

(Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVNĐ Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết