Hình ảnh một ông lão tham gia những công trình công cộng, hay làm công việc từ thiện đã trở nên quen thuộc với người dân ấp Thạnh Lộc 1, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Đó là ông Nguyễn Văn Linh (Tám Linh).
 |
Ông Tám Linh tâm sự về cuộc sống của các con qua bức ảnh gia đình. |
Ông Tám Linh cho rằng: việc làm nhân nghĩa phải xuất phát từ tấm lòng. Quan niệm sống ấy đã đi sâu vào tâm thức của ông hơn 40 năm nay. Trong ý niệm của ông lão hơn bảy mươi tuổi đời, giúp người không có nghĩa là phải được đền đáp. Đứng trước cảnh khó khăn của người khác ông Tám luôn sẵn lòng. Một lần, có người phụ nữ nghèo đến ấp Thạnh Lộc, mang theo người chồng vừa qua đời vì bệnh tật không có nơi chôn cất. Cuộc sống không dư dả, ông Tám không thể một mình giúp người nên ông đi vận động bà con đóng góp để giúp gia đình này vượt qua cảnh tang khó. Nhiều lần, ông Tám xót lòng khi chứng kiến những người nghèo và người tứ cố vô thân qua đời mà không được lo hậu sự. Ông lại đi vận động bà con lo tang lễ cho người xấu số.
Sau nhiều năm trăn trở, ông Tám quyết định kiếm tiền để xây nhà tang lễ và nghĩa trang giúp cho người nghèo. Khu nghĩa trang 3.000m2 và nhà tang lễ nằm trên địa bàn xã Trung Thạnh (giáp xã Trung An), hiện đang được xây dựng phần lớn cũng do ông Tám lặn lội đi vận động doanh nghiệp và bà con ở ba xã Trung An, Trung Thạnh, Trung Hưng. Công trình này chưa hoàn thành nhưng đã làm ấm lòng người nghèo ở địa phương.
Hai cây cầu xi-măng nhỏ dẫn đến nghĩa trang và cây cầu đúc Trung An dài 32 mét, cùng con lộ nhựa dài 400 mét cặp bên hông cầu cũng có công vận động của ông Tám. Trước đây ở ấp Thạnh Lộc, chỉ có một cây cầu bắc qua con sông nhỏ. Hằng ngày người dân qua lại rất đông. Thấy có khi cầu bị kẹt, học sinh bị trễ học đứng phơi nắng, bà con đợi rất lâu mới qua cầu được, ông Tám đã đề xuất với Ủy ban nhân dân xã vận động xây thêm một cây cầu và con lộ nhựa để bà con dễ bề đi lại. Được nhiều người hưởng ứng, nơi đây đã có cây cầu mới. Những ngày xây cầu ông Tám lo cơm nước cho công nhân rất chu đáo. Nhiều khi công trình thiếu người, ông nhờ con cháu trong nhà ra tiếp sức. Ông Tám tâm sự: “Lúc gom đủ tiền xây cầu tôi mừng dữ lắm, nhiều đêm nằm nghĩ tới ngày cầu hoàn thành, nhìn mấy đứa nhỏ chạy bon bon đi học, bà con đi lại thuận lợi, không còn cảnh chen chúc tôi vui không ngủ được”.
Sau mỗi vụ mùa, ông Tám đều dành ra một số tiền để làm từ thiện. Ông trực tiếp đóng góp và kêu gọi người dân xây dựng, sửa chữa Trại Dưỡng lão Cờ Đỏ. Hàng tháng ông đều gởi 5 đến 10 ký gạo và vận động con cháu trong gia đình cùng đóng góp cho ban từ thiện ở bệnh viện Thốt Nốt.
* * *
Vốn xuất thân trong nghèo, ông Tám đã trải qua nhiều thăng trầm, cực khổ. Năm 21 tuổi, ông Tám học may và ra nghề với chiếc máy may nhỏ. Cưới vợ, có được mấy công ruộng, ông vừa chăm lo việc đồng áng vừa may đồ để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống dù rất vất vả nhưng bù lại gia đình ông luôn đầm ấm. Mười người con của ông gồm 6 trai, 4 gái. Khi con trai út là Nguyễn Thành Bính được 11 tuổi thì vợ ông qua đời. Ông Tám “gà trống nuôi con”. Đến lúc con cái trưởng thành, ông lại lo việc cưới hỏi cho từng người một. Hiện tại các anh, chị đều có cuộc sống riêng, ổn định. Con trai lớn của ông Tám Linh là Nguyễn Minh Hà hiện đang là bí thư xã Trung Thạnh, anh Nguyễn Thành Bính, con trai út thì đang làm việc tại một ngân hàng.
Chúng tôi cảm nhận được tấm lòng cao cả của một người cha, qua ánh mắt vui tươi của ông Tám khi nhắc về gia đình. Ông say mê kể cho chúng tôi nghe cuộc sống của từng đứa con, họ đã trưởng thành như thế nào, công việc ra sao, một tuần qua thăm ông bao nhiêu lần... Hiện tại, ông Tám sống cùng vợ chồng con trai thứ tám, anh Nguyễn Thanh Quang và chị Trần Thị Thanh cùng hai cháu nội.
Hàng xóm ai cũng khen nếp nhà ông Tám sao mà êm ấm. Trong gia đình, ông bà yêu thương con cháu, con cháu tôn trọng kính nể ông bà. Anh em dâu rể lại rất hòa thuận, hễ ai gặp chuyện khó thì anh em đều quan tâm hỏi han và giúp đỡ lẫn nhau. Ông Tám Linh vẫn tự hào: “Con cháu đông vậy nhưng không khi nào lớn tiếng với nhau, gia đình có đám thì không cần nhắc nhở, anh em tụi nó tập trung lại bàn chuyện cúng giỗ ông bà. Tuổi già nhìn thấy con cháu dù bận rộn, nhưng đứa nào cũng ý thức nhớ đến ông bà tổ tiên, tôi vui trong lòng lắm”.
Ở cái tuổi 77, có hai điều làm ông Tám thấy hạnh phúc đó chính là nhìn cảnh con cháu sum vầy và ông còn khỏe mạnh để tiếp tục đóng góp cho xã hội.
THẢO YÊN