08/11/2015 - 16:11

VỤ LÚA ĐÔNG XUÂN 2015-2016

LÀM CHẮC, ĂN CHẮC

Hiện nay, nông dân ở ĐBSCL chuẩn bị xuống giống vụ lúa đông xuân 2015-2016 trong tình hình thời tiết khá bất thường. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nhiệt độ trung bình năm nay khá cao, lượng mưa thấp, nước lũ ở ĐBSCL không đáng kể, tình hình dịch hại lúa trong vụ đông xuân dự báo sẽ có những diễn biến bất lợi. Theo Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, để sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân 2015-2016 đòi hỏi nông dân phải theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống dịch hại, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa theo khuyến cáo của các nhà khoa học, ngành nông nghiệp địa phương.

Vụ lúa đông xuân 2015-2016, toàn vùng ĐBSCL dự kiến gieo sạ 1,563 triệu héc-ta, tăng 336 héc-ta so với vụ đông xuân 2014-2015. Theo Cục Trồng trọt, một số địa phương đã xuống giống sớm khoảng 250 ngàn héc-ta lúa đông xuân trong tháng 10-2015. Đợt 1: xuống giống từ ngày 1 đến ngày 30-11-2015 với diện tích khoảng 650 ngàn héc-ta ở vùng phù sa ngọt. Đợt 2: từ ngày 1 đến ngày 30-12-2015 với khoảng 550 ngàn héc-ta ở vùng thượng lưu sông Tiền, sông Hậu. Phần diện tích 110 ngàn héc-ta còn lại ở những vùng khó khăn sẽ xuống giống trong 10 ngày đầu của tháng 1-2016. Căn cứ vào lịch thời vụ này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế mực nước lũ thấp hơn so với trung bình nhiều năm để đẩy thời vụ xuống giống lên sớm khoảng 20 ngày, xuống giống dứt điểm cả những vùng khó khăn trong tháng 12-2015 nhằm chủ động phòng tránh hạn, mặn cuối vụ.

Về bố trí cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân 2015-2016, ngoài các yếu tố về thị trường, tính chống chịu sâu bệnh cần phải lưu ý thêm khả năng chịu hạn, mặn ở các khu vực ven biển. Nhóm giống lúa chủ lực là các loại gạo trắng hạt dài, thị trường có nhu cầu như Jasmine 85, OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 7347, OM 4218 và IR 50404 (diện tích gieo sạ trên 50 ngàn héc-ta/giống/vụ). Nhóm giống lúa cao sản chất lượng cao tập trung cho xuất khẩu như Jasmine 85, OM 5451, OM 4900, OM 7347, OM 4218, ST 20. Nhóm giống bổ sung (diện tích gieo sạ đạt từ 20 ngàn- 50 ngàn héc-ta/giống/vụ) gồm VD 20, OM 2395, OM 2517, nếp IR6425, ST5, Nàng Hoa 9... Các giống lúa chống chịu phèn mặn trung bình-khá như AS 996, OM 2395, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 9921, OM 6976... Từ các nhóm giống lúa trên, tùy theo tiểu vùng sinh thái mà các địa phương sẽ chọn lựa cơ cấu giống cho địa phương mình. Theo đó, vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao; vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên ưu tiên sử dụng các giống lúa có khả năng thâm canh cao, chất lượng khá tốt; vùng Đồng Tháp Mười ưu tiên các giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình-khá; vùng ven biển Nam bộ áp dụng giống ngắn ngày, chịu điều kiện khó khăn; vùng bán đảo Cà Mau ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn.

 Nông dân huyện Thới Lai làm đất để chuẩn bị xuống giống lúa đông xuân.

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nông dân cần chuẩn bị tốt ở khâu giống, chọn giống phù hợp với thị trường và điều kiện canh tác cụ thể ở địa phương. Nông dân sản xuất lúa hàng hóa nên sử dụng giống cấp xác nhận, mua ở các cơ sở kinh doanh có uy tín để đảm bảo chất lượng hạt giống. Theo Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Canh tác, Viện Lúa ĐBSCL, mực nước lũ năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm nên một số độc chất trong đất như phèn, mặn, ngộ độc hữu cơ sẽ ít bị rửa trôi. Nước ít nên nông dân cần làm đất kỹ và xuống giống sớm cũng như lưu ý nạn ốc bươu vàng và chuột hại lúa ngay từ đầu vụ. Ở những vùng khô hạn nông dân lưu ý tận dụng lúc nước lớn đưa nước lên ruộng để gieo sạ. Những vùng thấp có thể gieo sạ sớm song cũng có khả năng sẽ bị ảnh hưởng những trận mưa cuối vụ hoặc nước lũ về muộn gây thiệt hại. Do đó, nông dân cần chuẩn bị sẵn máy bơm để sẵn sàng tháo nước, tránh ngập úng.

Theo Bộ môn Bảo vệ thực vật - Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, do nước lũ năm 2015 không cao nên nguồn sâu bệnh còn lưu tồn trên ruộng sẽ bộc phát gây hại nếu khâu vệ sinh đồng ruộng không đạt yêu cầu. Cùng đó, nhiệt độ cao nếu kết hợp với ẩm độ cao trên các ruộng sạ dày là điều kiện thích hợp cho nhiều loại sâu bệnh phát triển và gây hại như rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh vàng lùn lùn xoắn lá do virus, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, vi khuẩn gây thối thân, bệnh bạc lá, ... Vụ đông xuân là vụ lúa chính của ĐBSCL vì vậy để đảm bảo sản xuất thắng lợi không thể áp dụng riêng lẻ các biện pháp phòng trừ để đối phó với sâu bệnh mà cần phải áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp để phòng trừ dịch hại.

Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật - Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Thị Phong Lan, khuyến cáo: Nông dân cần áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, làm đất kỹ, tạo mặt bằng đồng ruộng tốt giúp quản lý nước hiệu quả; mật độ sạ hợp lý (100-120kg/ha); bón phân cân đối, tùy theo nhu cầu cây lúa (có thể sử dụng bảng so màu lá lúa), không bón thừa phân đạm... Song song đó, nên tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng ngừa dịch hại, áp dụng công nghệ sinh thái, ruộng lúa bờ hoa để bảo vệ thiên địch, bảo vệ môi trường sinh thái. Khi có dịch hại tấn công cần thiết phải sử dụng thuốc hóa học nên tuân thủ nguyên tắc "4 đúng". Chuẩn bị bước vào vụ đông xuân 2015-2016, Bộ môn Bảo vệ Thực vật sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý dịch hại trên ruộng lúa để nông dân có một vụ mùa thuận lợi.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết