24/05/2017 - 20:58

Đầu tư nhà máy may công nghiệp về miền Tây

Làn sóng mới

Hơn 20 năm trước, số nhà máy may công nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL đếm  trên đầu ngón tay. Thời gian gần đây, làn sóng đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp quy mô lớn mở ra cơ hội việc làm gần chục ngàn lao động nông thôn. Tuy nhiên các nhà đầu tư cho rằng "vạn sự khởi đầu nan"...

Mở hướng phát triển

Công ty cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang đầu tư 300 tỉ đồng xây dựng  nhà máy may Veston xuất khẩu. 

Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, lần đầu tiên ở Cần Thơ, Liên doanh Meko (Liên doanh giữa Công ty Nông sản xuất khẩu Cần Thơ và một công ty đối tác Hồng Công) đầu tư Xí nghiệp may Meko, qui mô hơn 400 công nhân chuyên may gia công áo jacket xuất khẩu (XK). Tiếp theo những năm sau đó, các công ty may như Tây Đô, Hào Tân, Việt Thành… ra đời. Cùng lúc này, các nhà đầu tư từ TP Hồ Chí Minh hướng về các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long xây dựng nhiều nhà máy may XK. Ban đầu lao động nông thôn không có tay nghề còn bỡ ngỡ khi chuyển sang lĩnh vực mới, học nghề may theo dây chuyền công nghiệp. Nhưng sau đó quen dần, năng suất lao động tăng lên, thu nhập khá hơn.

Đặc biệt, sau khi hệ thống hạ tầng giao thông quốc lộ 1A thông suốt từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây, qua hai cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ, các tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) và một số công ty may mặc XK lớn ở TP Hồ Chí Minh, miền Đông chuyển hướng đầu tư, nhắm vào lợi thế lao động nông thôn các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Trong đó, sau quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư, được chính quyền các địa phương tạo điều kiện, tháng 6-2016 nhà máy may Vinatex Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) do Vinatex đầu tư trên 150 tỉ đồng, với 29 dây chuyền may, cần tuyển dụng 1.500 công nhân. Đến cuối năm 2016, nhà máy tuyển dụng 730 công nhân, bước đầu đưa 14 dây chuyền may hoạt động, chuyên may hàng thun, quần áo thể thao XK.

Trước đó, vào đầu năm 2016 ở TP Vị Thanh (Hậu Giang), Công ty cổ phần May Nhà Bè – Hậu Giang đầu tư trên 300 tỉ đồng, xây dựng 2 dãy nhà xưởng rộng lớn trên diện tích 5,7ha đã đưa vào hoạt động. Trong giai đoạn đầu thu tuyển 1.500 công nhân làm trên 19 dây chuyền may Veston XK. Chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, nhà máy sẽ tuyển thêm đủ 3.500 công nhân. Trong khi đó, từ tháng 6-2016, nhà máy may Vinatex Bạc Liêu, do Vinatex đầu tư 115 tỉ đồng, với 25 dây chuyền may. Trong giai đoạn 1 có 13 dây chuyền hoạt động với 700 công nhân và dự tuyển đủ 1.500 công nhân cho giai đoạn 2. Tiếp theo Vinatex đang đầu tư xây dựng nhà máy may ở Gò Quao và An Biên (Kiên Giang)… và dự kiến sẽ có 8 nhà máy chuyên may mặc XK với tổng nhu cầu sử dụng gần 10.000 công nhân.

Theo nhận định của giám đốc một doanh nghiệp trong ngành may mặc XK, hoạt động đầu tư đặt nhà máy may tại miền Trung gần như bão hòa. TP Hồ Chí Minh và miền Đông là thời cao điểm và miền Tây đang trong giai đoạn phát triển. Đơn cử như trước 2004, Tiền Giang chỉ có vài trăm công nhân trong ngành may, thì hiện nay tăng khoảng 40-50 ngàn công nhân làm việc tại các nhà máy may XK. Chưa kể vô số cơ sở qui mô nhỏ 50-60 công nhân chuyên sản xuất hàng may mặc nội địa do tư nhân đầu tư đang hoạt động rải rác ở khắp các tỉnh thành. Sự phát triển ngành công nghiệp may mặc ở ĐBSCL với hơn 18 triệu dân được xem là bước đi tất yếu, phù hợp. Song, với đặc thù của ngành hàng sử dụng nhiều lao động và những qui ước lao động ở một vùng đang chuyển dịch lao động từ vùng sản xuất nông nghiệp lại chính là bài toán khó đối với nhà đầu tư trong giai đoạn khởi đầu.

Nâng cao tay nghề

Hơn 6 tháng đầu, nhà máy Vinatex Vĩnh Thạnh chỉ mới đưa vào hoạt động  14/23 dây chuyền may do chưa tuyển đủ lao động. Anh Nguyễn Dũng, Trưởng phòng Nhân sự của nhà máy, cho rằng: Thực hiện chủ trương tạo việc làm cho lao động nông thôn ngoại thành của 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai - TP Cần Thơ và áp dụng mức lương căn bản tối thiểu 2,9 triệu đồng/tháng/công nhân (cao hơn trước đây 2,7 triệu đồng/tháng). Tuy vậy, đến nay nhà máy tuyển công nhân chưa đủ. Công nhân mới vào làm chưa quen việc, năng suất thấp. Hơn nữa, lao động nông thôn chưa quen tác phong công nghiệp, không tuân thủ kỷ luật lao động, làm việc còn "muốn nghỉ thì nghỉ" để dự ngày giỗ, đám  cưới, thôi nôi, đầy tháng của bà con hàng xóm… Điều này gây rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất.

Sự dịch chuyển các nhà máy từ miền Đông về miền Tây của các tập đoàn, công ty may đã có sự hoạch định, chuẩn bị kế hoạch sản xuất cho các nhà máy mới. Ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần May Nhà Bè–Hậu Giang, cho biết: Đơn hàng đã phủ kín, công nhân có việc làm suốt năm. Nhưng tay nghề công nhân mới năng suất còn thấp. Dự liệu trước tình trạng này, các nhà đầu tư  ngành may mặc chấp nhận lao động nông nghiệp cần có thời gian thích ứng, tiếp tục vừa làm vừa đào tạo nâng cao tay nghề mới có thể đạt tới điểm hòa vốn và hiệu quả.

Một thách thức khác, theo tính toán đơn cử như để nhà máy may Vinatex Bạc Liêu hoạt động tạo việc làm cho 1.500 lao động nông thôn cần tổng kinh phí đầu tư 115 tỉ đồng. Tính ra con số tương ứng với suất đầu tư cho gần 80 triệu đồng/lao động. Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: Vào cuối thập niên 1980 – 1990, suất đầu tư khoảng 1.000 USD/2 suất lao động, còn hiện nay 4.000 USD/suất lao động có việc làm. "Trong khi đó thực tế năng suất lao động công nhân ở miền Tây chưa theo kịp, chỉ ở mức bình quân 300 USD/người/tháng, so với các nơi khác 500 – 800 USD/người/tháng. Cần năng suất đạt mức 500 USD/người/tháng thì hoạt động của nhà máy may mới có hiệu quả" - ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần May Nhà Bè – Hậu Giang nói.

Hiện nay, một số nước trên thế giới có ngành công nghiệp may mặc đang chuyển qua thế hệ thiết bị tự động hóa để giảm chi phí và khuynh hướng giảm sử dụng lao động giản đơn. Đây là một thách thức cạnh tranh không nhỏ đối với ngành may công nghiệp Việt Nam trong việc vừa thực thi chính sách tạo việc làm cho người nghèo, vừa phải đối diện với làn sóng đầu tư trang thiết bị tự động hóa. Dù khó, các nhà đầu tư vào ngành hàng may ở Việt Nam cho rằng phải chấp nhận cạnh tranh.

Vừa qua, nhiều nhà máy đã đầu tư hệ thống chuyền tự động áp dụng tự động 5S, SA, ISO sản xuất hàng chất lượng cao để khách hàng đánh giá chuẩn vào Nhật, Mỹ, châu Âu. Các nhà đầu tư đặt niềm tin vào lợi thế của ngành may công nghiệp Việt Nam vốn có nhiều ưu điểm đã được khách hàng xác nhận: nhà xưởng sạch, đẹp; vệ sinh công nghiệp tốt; công nhân khéo tay… cùng với kinh nghiệm, trình độ quản trị tốt, sau một vài năm sẽ nâng cao tay nghề công nhân. 

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết