20/10/2015 - 21:20

Sản phẩm nước giải khát làm từ dâu Hạ Châu

Kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch đặc thù

Dâu Hạ châu là một loại trái cây đặc trưng của huyện Phong Điền. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, trái có vị chua ngọt hài hòa, hương thơm đặc trưng. Chính vì vậy, Dâu Hạ châu được ngành nông nghiệp và bà con nông dân huyện chọn làm cây trồng chủ lực. Với mong muốn nâng cao giá trị gia tăng loại cây này, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đặt hàng Trường Đại học Cần Thơ thực hiện Đề tài nghiên cứu "Đa dạng hóa một số sản phẩm nước giải khát làm từ dâu Hạ Châu" (gọi tắt là Đề tài).

Vào năm 2006, dâu Hạ châu đã được Bộ Khoa học Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có sản phẩm chế biến nào từ dâu Hạ Châu được đăng ký nhãn hiệu về hàng hóa có giá trị thương mại trên thị trường. Vì vậy, mục tiêu chính của đề tài là đẩy mạnh thương hiệu dâu Hạ Châu bằng cách phát triển các sản phẩm mới để nâng cao giá trị sử dụng của dâu Hạ Châu nhằm tăng thu nhập của người dân, đồng thời phát triển sản phẩm địa phương để thu hút khách du lịch.

Dâu Hạ Châu được huyện Phong Điền chọn là cây trồng chủ lực và được người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch rất ưa chuộng.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Nguyễn Đoan Duy, Trưởng Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, Chủ nhiệm Đề tài, trái dâu Hạ Châu có hương vị chua ngọt đặc trưng, nhưng hạt lại to, dính vào thịt quả là một nhược điểm của trái ăn tươi. Tuy nhiên, loại trái này có những phẩm chất rất thích hợp để làm nước ép và rượu vang. Sau hơn 2 năm thực hiện, Ban Chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu thành công 4 dòng sản phẩm nước giải khát làm từ dâu Hạ Châu gồm: nước ép có gas có cồn Dâu Hạ Châu, nước ép thanh trùng dâu Hạ Châu, nước ép dâu Hạ Châu và vang dâu Hạ Châu. "Việc đa dạng hóa sản phẩm nước giải khát làm từ dâu Hạ Châu góp phần làm tăng giá trị gia tăng cho loại trái cây đặc trưng của vùng đất Phong Điền; giúp nhà vườn kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tăng thu nhập, cải thiện đời sống"- Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Nguyễn Đoan Duy cho biết.

Tại Hội thảo "Đa dạng hóa một số sản phẩm nước giải khát làm từ dâu Hạ Châu" vừa được tổ chức mới đây nhằm lấy ý kiến đóng góp từ các sở ngành hữu quan và huyện Phong Điền để hoàn thiện Đề tài, nhiều đại biểu đánh giá nước giải khát làm từ dâu Hạ Châu có hương vị thơm ngon, đăc trưng, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng. Đặc biệt, các dòng sản phẩm này có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù của TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ nhận định: "Các dòng sản phẩm nước giải khát làm từ dâu Hạ Châu được thiết kế bao bì, đóng hộp nhỏ gọn, đẹp mắt rất thích hợp mang theo khi đi du lịch hoặc dùng làm quà tặng sau những chuyến du lịch. Nếu Đề tài được nghiệm thu, sản phẩm được sản xuất đại trà và bày bán trên thị trường, ngành du lịch TP Cần Thơ sẽ đưa vào danh mục sản phẩm du lịch đặc thù của thành phố". Theo ông Võ Thành Giúp, Giám đốcTrung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch huyện Phong Điền, sau khi đề tài được nghiệm thu và tiến hành sản xuất thử, Phong Điền sẽ phối hợp với các sở ngành hữu quan và các điểm du lịch trên địa bàn huyện có kế hoạch quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến du khách trong và ngoài nước.

Các dòng sản phẩm nước giải khát làm từ dâu Hạ Châu.

Ông Lê Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho biết: "Nhơn Ái chiếm khoảng 50% diện tích (300ha) dâu Hạ Châu toàn huyện. Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nên việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng loại sản phẩm này được xã hết sức quan tâm. Tuy nhiên, hành trình để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng xã rất cần sự hỗ trợ từ phía thành phố và huyện Phong Điền, trước mắt là việc thành lập hợp tác xã để nhận chuyển giao Đề tài này". Song song đó, nhiều ý kiến cho rằng, để các sản phẩm nước giải khát làm từ dâu Hạ Châu lấy được niềm tin từ người tiêu dùng và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, Ban chủ nhiệm Đề tài cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, đề xuất: Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu thêm một số thành phần về dinh dưỡng, tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, chống lão hóa... để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết