21/06/2014 - 19:56

Kỳ vọng thị trường khởi sắc cuối năm

Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Cần Thơ đạt gần 534 triệu USD, chỉ đạt 34% kế hoạch năm và giảm 12% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính do tác động của thị trường xuất khẩu chủ lực hai mặt hàng gạo và thủy sản. Tìm giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giúp DN nhanh chóng hấp thụ vốn, tiếp cận thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải phóng hàng tồn kho là vấn đề cấp bách hiện nay nhằm mở lối ra cho xuất khẩu...

Khó nhưng vẫn lạc quan

Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố và các sở, ngành hữu quan về tình hình xuất khẩu và tồn kho hàng hóa của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2014 vừa qua, lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở ngành chức năng cần tích cực vào cuộc gỡ khó cho DN. Theo báo cáo của Sở Công thương thành phố, gạo và thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu của 2 mặt hàng này gặp không ít khó khăn. Trong đó, xuất khẩu gạo 6 tháng ước thực hiện 356 ngàn tấn, giá trị 161 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu thủy sản giảm 18% về sản lượng với 71 ngàn tấn song giá trị thu về đạt 250 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, gạo Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh về giá so với gạo xuất khẩu của Thái Lan, Pakistan, Myanmar. Đặc biệt, gạo Việt Nam loại 5% tấm của Việt Nam đang tương đương giá với gạo Thái Lan và gạo 25% tấm hiện cao hơn gạo Thái Lan từ 5-10USD/tấn. Xuất khẩu thủy sản vẫn khó ở sản phẩm cá tra do tác động của các rào cản thương mại, nhất là vấn đề áp thuế chống bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên nhờ mặt hàng tôm và các sản phẩm chế biến từ tôm tăng sản lượng nhập khẩu vào thị trường EU và Nhật Bản nên kim ngạch xuất khẩu chung của ngành thủy sản tăng hơn so với cùng kỳ dù sản lượng giảm đến 18%.

Xếp dỡ container hàng xuất khẩu tại Cảng Trà Nóc.

Mặc dù tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm song một số DN vẫn khá lạc quan bởi các hợp đồng tập trung xuất khẩu đi Philippines giao hàng đến tháng 9-2014 sẽ góp phần tiêu thụ lượng lúa gạo tạm trữ vụ đông xuân và hè thu cũng như giữ cho giá lúa, gạo ổn định trong thời gian tới. Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo cả nước giảm khoảng 10% cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2013 nhưng mặt tích cực là cơ cấu các loại gạo thơm, cao cấp, gạo nếp trong tổng sản lượng xuất khẩu tăng đáng kể, đơn giá bình quân tăng khoảng 12 USD/tấn hàng. Ông Lê Minh Trượng, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: Tính đến ngày 10-6, Lương thực Sông Hậu đã xuất kho gần 60.000 tấn; trong đó, xuất trực tiếp khoảng 20.000 tấn (riêng thị trường châu Phi khoảng 10.000 tấn gạo thơm các loại), phần còn lại công ty cung ứng cho DN xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu. Hiện lượng gạo tồn của Lương thực Sông Hậu đều là gạo cao cấp nên không lo ngại cạnh tranh về giá. Từ tháng 6 đến tháng 8-2014, Lương thực Sông Hậu dự kiến sẽ thu mua thêm 20.000 tấn quy gạo để xuất theo các hợp đồng tập trung đi Philippines theo chỉ tiêu phân bổ của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù 2 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản của thành phố có nhiều biến động về sản lượng và giá trị; song vẫn có một số mặt hàng khác có kim ngạch xuất khẩu tăng khá như may mặc tăng 13%, thủ công mỹ nghệ tăng 12%, da thuộc tăng 10%, dược phẩm các loại tăng 37,2%... Đây cũng là một trong những tín hiệu khả quan chứng tỏ tình hình sản xuất kinh doanh của các DN đã có dấu hiệu phục hồi và hứa hẹn tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2014.

Trợ lực cho DN

Tính đến ngày 18-6, tồn kho lúa của các DN ở Cần Thơ còn khoảng 65.000 tấn, gạo khoảng 88.300 tấn (trong đó có gạo tạm trữ). Tồn kho sản phẩm cá tra đã qua chế biến dưới dạng bán thành phẩm ước khoảng 4.220 tấn, giá trị tương đương gần 11,8 triệu USD. Tuy nhiên, đây được xem là tồn kho trong mức độ cho phép để DN có thể chủ động cung ứng cho các đơn hàng xuất khẩu trong quý III/2014. Ngành công nghiệp chủ lực của TP Cần Thơ chủ yếu sử dụng nguyên liệu chế biến từ ngành nông nghiệp nên mối quan hệ gắn kết giữa nông dân và DN rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, những năm gần đây, công tác chỉ đạo sản xuất của ngành nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến thuận lợi hơn do nông dân rất nhanh nhạy tiếp thu thông tin thị trường và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Song vấn đề khó nhất vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn, muốn xây dựng thành công cánh đồng lớn đòi hỏi phải có DN vào bao tiêu và phải có các chính sách hỗ trợ đi kèm về đầu tư hạ tầng, thu mua, tạm trữ... Ngành thủy sản cũng đang mất cân đối cung- cầu, thiếu tính liên kết giữa DN và người nuôi, thiếu đồng bộ trong chính sách phát triển nên nguồn nguyên liệu tôm và cá tra phục vụ chế biến thường xuyên biến động. Vì thế, phải cân đối cung- cầu nguyên liệu chế biến phục vụ xuất khẩu theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Từ đó, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp trên cơ sở tăng cường liên kết giữa nông dân và DN.

Từ tháng 2-2014 đến nay, Tổ Hỗ trợ DN thành phố đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tìm hiểu tình hình hoạt động của DN và triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiếp cận vốn ngân hàng, tìm kiếm thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin, đối thoại DN của Tổ vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn do nhiều DN ngại chia sẻ thông tin, hoặc hạn chế cung cấp những thông tin liên quan đến những khó khăn, vướng mắc nội tại của DN. Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Tổ trưởng Tổ Hỗ trợ DN thành phố, cho biết: "Để có thêm nhiều kênh tiếp cận DN, ngoài việc thông báo số điện thoại của các thành viên Tổ hỗ trợ DN trên website của Sở, dự kiến vào cuối tháng 6-2014, chúng tôi sẽ lồng ghép hoạt động hậu kiểm DN sau khi cấp phép kinh doanh với việc nắm tình hình hoạt động của DN để kịp thời có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho DN. Song song đó, dự kiến vào đầu tháng 7-2014, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN của thành phố sẽ đi vào hoạt động sẽ góp phần giúp DN có thêm kênh hỗ trợ tiếp cận vốn vay hiệu quả".

Tại buổi làm việc với các sở, ngành chức năng thành phố về công tác gỡ khó cho DN xuất khẩu, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam chỉ đạo Sở Công thương thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác thu thập thông tin liên quan đến diễn biến thị trường để kịp thời hỗ trợ DN về những giải pháp thích ứng với các rào cản thương mại, tìm kiếm cơ hội ký kết các hợp đồng xuất khẩu. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch cần tìm hiểu, xác định nhu cầu của DN để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư sâu rộng, hiệu quả, thu hút sự quan tâm của DN. Về phía Tổ hỗ trợ DN thành phố cần tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động và những vướng mắc của DN để kịp thời báo cáo, tham mưu UBND thành phố có những giải pháp hỗ trợ thiết thực. Hiệp hội DN thành phố cũng cần chủ động tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa DN trong Hiệp hội với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo điều kiện hỗ trợ DN vượt qua khó khăn và phát triển ổn định.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết