05/06/2018 - 22:28

Kỳ vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Đồng bằng sông Cửu Long 

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường cùng xu thế thị trường đòi hỏi ngày càng cao về các sản phẩm nông nghiệp, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xác định hướng đi chính trong thời gian tới. Đó là tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa trên những thế mạnh sẵn có của vùng. Đây cũng là xu thế tất yếu đưa nông nghiệp hội nhập.

Nhiều mô hình nổi bật

Thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng người nông dân chuyển đổi sang các mô hình hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị nông sản. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp, nông nghiệp TP Cần Thơ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng phát triển công nghệ sinh học và các loại hình dịch vụ kỹ thuật, tăng cường thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng công tác dịch vụ giống cung cấp cho thành phố và các tỉnh trong khu vực.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là một trong những doanh nghiệp đi đầu và thành công trong ứng dụng công nghệ cao sản xuất gạo. (Trong ảnh: Lãnh đạo Trung ương, địa phương tham quan sản phẩm tiêu biểu của Công ty)

Hiện nay, TP Cần Thơ có khoảng 200ha nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn như: VietGAP, BMP, ASC, BAP…; trên 100ha lúa, rau màu, cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hàng chục mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Đến nay, hầu hết các khâu trong sản xuất và thu hoạch lúa được cơ giới hóa. Thành phố đã hình thành các vùng sản xuất lúa, rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái tập trung. Đồng thời kiểm soát tốt chất lượng và được hỗ trợ xây dựng thương hiệu gắn với phát triển du lịch sinh thái. Có nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Trên địa bàn thành phố dần hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Chẳng hạn, mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới theo công nghệ Israel; sản xuất rau thủy canh; trồng dưa lưới nhà kính; sản xuất gạo hữu cơ…

Những năm gần đây, Bạc Liêu đang hướng đến phát triển thành “thủ phủ tôm” của ĐBSCL. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tỉnh hiện có 7 đơn vị đã và đang áp dụng sản xuất nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao (siêu thâm canh), với diện tích khoảng 800ha, như Tập đoàn Việt- Úc, Công ty Trúc Anh, Công ty Hải Nguyên… Ngoài ra, mô hình nuôi này đang được các doanh nghiệp trên triển khai, nhân rộng ra hơn 100 hộ nông dân trong tỉnh, trung bình mỗi hộ áp dụng nuôi từ 1ha trở lên. Qua đánh giá bước đầu, mô hình nuôi này cho hiệu quả thành công cao, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm, hạn chế ô nhiễm môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nuôi theo mô hình nhà kính, mật độ tôm nuôi 500 con/m2, đạt sản lượng thu hoạch trung bình từ 180-240 tấn/ha/năm, nuôi 3 vụ/năm. Nuôi theo mô hình nhà lưới, mật độ thả nuôi từ 250-300 con/m2, năng suất từ hơn 150 tấn/ha, nuôi 3 vụ/năm.

Đồng Tháp với thế mạnh là hoa kiểng, trái cây… đã từng bước ứng dụng kỹ thuật mới tăng giá trị cho sản phẩm. Trong đó phải kể đến Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp đã chủ động nhân giống bằng phương pháp cấy mô đối với một số loại hoa kiểng để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới khu nuôi cấy mô với công suất sản xuất 1-2 triệu cây giống cấy mô/năm và hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới và cung cấp phân bón… hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản từng bước chuyển giao giống hoa kiểng mới, kỹ thuật sản xuất công nghệ cao để thúc đẩy phát triển Làng hoa Sa Đéc. Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đang tổ chức lại sản xuất cho ngành hàng xoài theo hướng giảm giá thành, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng và đặc biệt là xây dựng theo chuỗi giá trị. Hai giống xoài chủ lực của tỉnh là xoài cát Chu và cát Hòa Lộc. Đa số các loại xoài liên kết được bao trái, trồng theo VietGAP giá cao hơn xoài thường từ 5.000-10.000 đồng/kg, đồng thời tiết kiệm được 5-7 lần phun xịt thuốc, cho lãi từ 200-220 triệu đồng/ha. Tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác chứng nhận GAP đủ điều kiện xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc, Nga...

Cơ hội đầu tư còn rất lớn

Cuộc chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao của vùng bước đầu thu về những kết quả đáng phấn khởi. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa phương tích cực huy động nhiều nguồn lực vào nông nghiệp, tạo đột phá cho ngành thế mạnh của mình. Vừa qua, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khởi công khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với diện tích 418,91ha, tổng mức đầu tư hơn 3.217 tỉ đồng. Đây là nơi phát triển tôm Bạc Liêu hướng tới mục tiêu làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước. Đồng thời, là nòng cốt, động lực để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Với quy mô 5.200ha, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang được xem là trung tâm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, là đầu tàu quan trọng để đưa kết quả ươm tạo, nghiên cứu vào sản xuất. Các phân khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nơi đây sẽ cho ra những sản phẩm chủ lực địa phương…

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trước thực trạng chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu của vùng, đặc biệt là Cà Mau, tỉnh mong muốn đầu tư các mô hình mẫu phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

 TP Cần Thơ với diện tích sản xuất nông nghiệp còn khá hạn chế, quan tâm đeo đuổi mục tiêu sản xuất giống lúa, hoa màu, cây ăn trái. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ kỳ vọng được hợp tác cùng nhà đầu tư hình thành hệ thống nhân giống rau, hoa chất lượng cao phục vụ nhu cầu địa phương và các tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó, tiếp nhận và chuyển giao các thành tựu về công nghệ sinh học trong lai tạo, chọn giống thủy sản mới; ứng dụng công nghệ tự động hóa (hệ thống tuần hoàn, Biofloc...).

Theo ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ hội đầu tư vào nông nghiệp vùng ĐBSCL còn rất lớn. Đơn cử: sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn ứng dụng công nghệ tiên tiến; hợp tác cùng nông dân xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái... Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ, ưu đãi thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao... Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách  đặc thù để thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cho vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: Lạc Mẫn

Chia sẻ bài viết