04/05/2010 - 08:42

Kinh tế tháng 4-2010 tăng trưởng toàn diện

* Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2010

(Chinhphu.vn)- Nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực từ đầu năm 2010 đến nay. Điều này biểu hiện rõ ở việc tăng trưởng cao ở 3 nhóm ngành và giải ngân vốn FDI 4 tháng đầu năm tăng tới 36% so với cùng kỳ 2009.

Tăng trưởng cao đạt được ở cả 3 nhóm ngành: nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất, có số điểm phần trăm tăng nhiều nhất (từ 1,5% lên 5,65%); nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ (3,45% so với 0,4%); nhóm ngành dịch vụ có số điểm phần trăm tăng ít hơn (6,64% so với 5,4%), nhưng lại có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung. Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân 3 tháng đạt 2,5 tỉ USD, tháng 4 đạt khoảng 900 triệu USD, nâng tổng số vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2010 lên 3,4 tỉ USD, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2009. Trung bình, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 850 triệu USD/tháng. Đây là mức khá cao và tương đương mức giải ngân vốn FDI giai đoạn trước suy thoái kinh tế. Về triển vọng, có nhiều cơ sở thực tế của thế giới và trong nước để tin rằng thu hút FDI năm 2010 sẽ cao hơn mức tăng 10% so với năm 2009 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra.

Nhìn lại ảnh hưởng của vòng xoáy khủng hoảng kinh tế thế giới làm cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 giảm xuống còn 6,31%, năm 2009 còn 5,32%; xuất khẩu từ 63 tỉ USD trong năm 2008 đã giảm xuống dưới 57 tỉ USD trong năm 2009; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh về vốn đăng ký (từ 71,7 tỉ USD năm 2008 còn 21,5 tỉ USD năm 2009) và vốn thực hiện (từ 11,5 tỉ USD giảm xuống còn 10 tỉ USD); tốc độ tăng giá tiêu dùng cao trong năm 2007 (12,63%), bùng phát trong năm 2008 đã tăng tới 19,89% (tính bình quân năm đã tăng tới 22,97%) mới thấy hết ý nghĩa của sự chuyển biến này.

Với những kết quả về kinh tế đạt được trong 4 tháng qua càng thấy rõ việc điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ rất nhạy bén, linh hoạt chuyển đổi mục tiêu ưu tiên; áp dụng các biện pháp phù hợp; có giải pháp xử lý kịp thời các hiệu ứng phụ; bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ trách nhiệm giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân; chọn nông nghiệp, nông thôn làm trọng điểm; kết hợp giữa nội lực và ngoại lực; kết hợp sử dụng biện pháp cơ bản và biện pháp tình thế; minh bạch thông tin, xử lý nghiêm tin đồn; làm tốt công tác thông tin, phân tích kinh tế và dự báo.

* Bước đi ấn tượng của Việt Nam vượt khủng hoảng đã được các chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá cao. Mới đây, bà Prakriti Sofat, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Việt Nam của Barclays Capital (bộ phận ngân hàng đầu tư thuộc Barclays Bank PL, chuyên đưa ra những giải pháp toàn diện về tư vấn chiến lược, tài chính và quản lý rủi ro trên toàn cầu) cho biết, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2010 là 7%.

Theo bà Prakriti Sofat, có 3 căn cứ để đưa ra dự báo như vậy. Thứ nhất là nhu cầu trong nước đã tăng lên, thể hiện thông qua các nhu cầu rất cao ở một số lĩnh vực như xi măng, máy móc cũng như liên quan đến thu nhập của người dân đang tăng cao. Tất cả đều gây ảnh hưởng tới một chỉ số linh động để dự báo, chẳng hạn chỉ số bán lẻ. Chỉ số này trong năm nay cũng tăng khá cao.

Điểm thứ hai là sự phát triển của thị trường bất động sản khiến cho tài sản của người dân tăng lên đáng kể. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới các nhu cầu trong nước. Một điều nữa có thể nhìn thấy là trong lĩnh vực xây dựng, kể cả lĩnh vực xây dựng tư nhân cũng như lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng đều có những phát triển rất lớn.

Thứ ba, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra những luồng thu nhập ngoại tệ rất tốt. Trong quý I-2010, tốc độ phát triển của Việt Nam đã là 5,8%. Nếu nhìn vào lịch sử thì thấy rằng tốc độ phát triển của Việt Nam thường tăng dần đều trong cả 1 năm, tức là càng về cuối năm thì càng tăng. Do vậy, hoàn toàn có cơ sở để dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 7% trong năm nay.

CÔNG TRÍ

Chia sẻ bài viết