23/01/2023 - 14:19

Kiến tạo tương lai xanh 

BÀi, Ảnh: TUYẾT TRINH

Hòa cùng xu thế chung, TP Cần Thơ tập trung phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) thân thiện với môi trường. Cần Thơ đã hình thành mắt xích quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng bền vững từng bước tiệm cận KTTH - kiến tạo tương lai xanh…

Hệ thống Interceptor 003 - thuyền thu gom rác tự động trên sông Cần Thơ.

Xây dựng lối sống “xanh”…

Sau 30 phút ngồi cắt tỉa, trang trí, chị Nguyễn Thị Cúc ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều khoe thành phẩm là dụng cụ đựng bút viết cho con trai từ chai nhựa. Chị Cúc chia sẻ: Chai nhựa sau khi dùng có thể tái sử dụng làm nhiều vật dụng trong nhà như chậu trồng cây, bình tưới, dụng cụ để đồ đạc… Từ khi thực hiện phân loại rác tại nhà, phần rác tái chế (nhựa, giấy…) có thể đem bán phế liệu hoặc sử dụng làm vật dụng trong gia đình, giảm thải ra môi trường…

Không chỉ riêng chị Cúc, nhiều người dân trên địa bàn TP Cần Thơ thay đổi nhận thức và hành động ứng xử với môi trường. Lối sống “xanh” dần hình thành thông qua xu hướng bỏ dùng ống hút nhựa, túi ni lông; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần; sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, tái chế; thu gom, phân loại rác thải tại nhà… Những việc đơn giản song là mắt xích trong chuỗi KTTH.

Ðể có thể tăng năng suất tái chế, góp phần thúc đẩy mô hình KTTH, thu gom và phân loại rác thải đúng cách được xem là vấn đề then chốt. Cùng với hướng dẫn người dân phân loại rác tại nhà, TP Cần Thơ áp dụng những sáng kiến về KTTH rác thải ở quy mô lớn tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Ðiển hình là, TP Cần Thơ đã phối hợp với Công ty TNHH Dow Chemical Vietnam và các đơn vị liên quan triển khai dự án “Vì sông Mekong không rác - Thí điểm mô hình KTTH tại các chợ nổi ở TP Cần Thơ” tại cồn Sơn và chợ nổi Cái Răng. Dự án tăng cường các hoạt động thu gom, phân loại rác thải, tái sử dụng và tái chế rác thải, góp phần nâng cao ý thức và tạo sự thay đổi hành vi trong quản lý rác thải của cộng đồng…

Trong hợp tác giữa The Ocean Cleanup và công ty Coca-Cola, sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để thí điểm dự án thuyền thu gom rác thải tự động sử dụng áp lực dòng chảy và năng lượng mặt trời. Hệ thống chính thức được bàn giao cho thành phố vào tháng 4-2022 và mỗi tháng hệ thống đã dọn sạch khoảng 10 tấn rác thải…

Sản xuất bền vững

Thay vì đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, nông dân trên địa bàn thành phố đã tận dụng nguyên liệu từ phụ phẩm rơm rạ để trồng nấm; bã rơm rạ tận dụng để bón cho cây trồng. Ông Nguyễn Minh Lâm ở xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Ðốt bỏ rơm là rất lãng phí mà còn tạo khói bụi gây ô nhiễm môi trường, nên tôi và bà con đã thu gom để chất nấm rơm. Rơm sau khi chất nấm, được sử dụng làm phân hữu cơ rất tốt, có thể dùng bón cho rau màu, hoa kiểng và nhiều loại cây trồng. Việc này vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa có thêm nguồn thu nhập nên bà con rất hào hứng!”.

Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp cận nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, hướng dẫn người dân phát triển các chuỗi sản xuất trong mối quan hệ nông nghiệp tuần hoàn. Ðồng thời, tăng cường công tác khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn để tạo điều kiện lan tỏa, phát triển nông nghiệp tuần hoàn...

TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều định hướng tạo điều kiện để phát triển KTTH như là khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, công nghệ mới vào sản xuất… Là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm của thành phố, Công ty Thép Tây Ðô đã ứng dụng giải pháp chuyển đổi công nghệ vào quy trình sản xuất, lắp biến tần cho các thiết bị sản xuất, đầu tư robot hàn khung thép… gia tăng hiệu quả tiết kiệm điện, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ðặc biệt, công ty thành công với mảng thép phế liệu - nguồn nguyên liệu chính cho việc luyện phôi thép. Ðây được xem là lĩnh vực kinh doanh mang tính bền vững, đột phá, tận dụng được những nguyên vật liệu không sử dụng ngoài môi trường.

Từng bước chuyển đổi

Việc chuyển đổi sang KTTH là một hành trình, bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, quá trình chuyển đổi này sẽ sớm được đẩy mạnh.

Thay đổi tư duy và hành động của người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cho biết: ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về kinh tế xanh, KTTH; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết về môi trường một cách tự nguyện. Mặt khác, tăng cường quản lý chất thải rắn, đẩy mạnh phân loại chất thải rắn tại nguồn để thúc đẩy tái sử dụng và tái chế…

Tháng 8-2022, TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch 169/KH-UBND triển khai thực hiện đề án “Phát triển KTTH ở Việt Nam” trên địa bàn thành phố. Khi định hướng phát triển KTTH, thành phố chú trọng tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với mô hình KTTH; đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Phát triển mô hình KTTH hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững… Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: Thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ xây dựng phương pháp tiếp cận với KTTH, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Ðồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động, tăng cường thông tin tuyên truyền, triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển KTTH…

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020: “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

TP Cần Thơ ký kết cùng các đơn vị tham gia dự án “Vì sông Mekong không rác - Thí điểm mô hình KTTH tại các chợ nổi ở TP Cần Thơ”.

Cần Thơ tiên phong đi đầu cả nước trong công nghệ đốt rác phát điện - mô hình tận dụng tốt “tài nguyên chất thải”. Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ đi vào hoạt động từ năm 2018, tiếp nhận và xử lý hằng ngày khoảng 400 tấn rác thải rắn, phát điện hơn 150.000 Kwh/ngày hòa vào lưới điện quốc gia. Các chỉ số khí thải phát thải đạt tiêu chuẩn EU 2010; nước rỉ rác sau xử lý được tái sử dụng toàn bộ cho hoạt động sản xuất; tro xỉ tận dụng làm vật liệu xây dựng...

 

Chia sẻ bài viết