25/06/2019 - 10:19

Không trúng tuyển lớp 10, vẫn còn nhiều cơ hội... 

Kỳ thi Tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020, Cần Thơ có 11.165 học sinh trúng tuyển (đạt 86,9%), tức là còn khoảng hơn 13% học sinh không trúng tuyển phải rẽ theo hướng khác. Nhiều “cánh cửa” vẫn rộng mở chào đón các em.

Sinh viên thực tập sửa chữa thiết bị ô tô.

Sinh viên thực tập sửa chữa thiết bị ô tô.

Nguyễn Thị Chinh (quận Ninh Kiều) khi biết tin con mình không đậu lớp 10 vì thiếu chưa tới 0,5 điểm, cũng mất ngủ nhiều ngày. Nhưng khi bình tĩnh lại, chị quyết định cho con học trường ngoài công lập. Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Vinh (phường An Bình) thì biết học lực con trai khó trúng tuyển lớp 10 công lập, nên anh đã tìm hiểu 2 trường THPT tư thục để đăng ký cho con. Anh Vinh nói: “Tôi đánh giá cao phần kỹ năng mềm của các trường này”.

Thầy Nguyễn Phúc Tăng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “Những thí sinh không trúng tuyển các nguyện vọng ở kỳ thi tuyển lớp 10, sẽ theo học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, trường ngoài công lập hoặc theo học ở các trường nghề”. Đó là chưa kể hệ thống 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện; một trung tâm giáo dục thường xuyên - kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp thành phố và 7 trường THPT ngoài công lập với nhiều chương trình học phát triển nhiều kỹ năng cho học sinh.

Một hướng đi khác nữa là vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các trường cao đẳng nghề. Ngày 7-3-2019 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH tạo điều kiện cho các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh và cơ hội cho người học. Học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học cao đẳng có thể đăng ký dự tuyển, trong quá trình học phải hoàn thiện chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau 3 năm, các em vừa hoàn thiện chương trình học THPT, vừa có bằng cao đẳng nghề. Việc học “2 trong 1” này đã mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn nghề nghiệp.

Cần Thơ hiện có 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 7 trường, 3 phân hiệu cao đẳng; đào tạo nghề ở tất cả các lĩnh vực, như: y tế, nông nghiệp, thủy sản, kỹ thuật và công nghệ… Thời gian học trung cấp nghề được rút ngắn từ 2 năm xuống còn 1,5 năm. Theo khung chương trình chung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường tăng thời gian thực hành trên 60%, còn lại phần học lý thuyết. Đối tượng tốt nghiệp THCS vào học nghề được xét tuyển và miễn học phí hoàn toàn, được vay tiền học tập. Theo ông Đào Minh Lợi, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường nghề trên địa bàn Cần Thơ có cơ sở vật chất khang trang, trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt và vượt chuẩn. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường nghề có việc làm khá cao, kể cả một số lớp nghề ở địa phương.

Theo thống kê sơ bộ ở các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt từ 85% trở lên, có trường hợp tìm được việc làm ngay khi đang học. Đơn cử 2 trường hợp: Lê Quốc Cường và Tổng Minh Hoàng, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, đang làm việc ở bộ phận kỹ thuật của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Ô tô Tây Đô (phường Trà An, quận Bình Thủy). Anh Nguyễn Hoài Thanh, Trưởng phòng Dịch vụ của công ty, cho biết: “Qua 2 tháng thực tập, hai bạn đủ điều kiện làm việc tại công ty”. Cũng là cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, sau 5 năm công tác, anh Thanh được giao công việc quản lý. Lê Quốc Cường chia sẻ: “Nghề nào cũng cao quý, cũng có thể nuôi sống bản thân. Thành công của một người vẫn có thể bắt đầu từ học trường cao đẳng, nghề, sau đó liên thông đại học”.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết