16/01/2019 - 18:46

Không tiêm chủng, chắc chắn mắc bệnh nhiều 

(CTO) - Đó là phát biểu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý sau tiêm chủng tại 679 điểm cầu toàn quốc vào chiều 16-1-2019.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tiêm chủng là gây ra miễn dịch chủ động, đưa vào cơ thể kháng nguyên không đủ gây bệnh, kích thích cơ thể sản sinh kháng thể. Khi kháng nguyên vào cơ thể, bao giờ cũng có phản ứng, nhẹ nhất là sốt. Người càng khỏe, trẻ càng bụ bẫm thì càng gặp phản ứng. Trẻ em sốt, quấy khóc là bình thường. Nặng là sốc phản vệ, có thể tử vong. Vô bào sinh kháng thể không mạnh bằng toàn tế bào (tiêm chủng mở rộng) nên phản ứng ít hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang bàn cãi hiệu quả vắc – xin vô bào và muốn quay lại vắc – xin toàn tế bào.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tiêm chủng là mô hình y tế thông minh. Tiêm cho số lượng người lớn, phòng bệnh cho nhiều người, chi phí thấp nhất. Còn để bệnh rồi, số người bệnh tuy ít nhưng chi phí rất cao mà hiệu quả thấp. Không có tiêm chủng, chắc chắc mắc bệnh nhiều, nguy cơ tử vong. Vì thế, phải tiêm chủng, sau tiêm, phải theo dõi sát, khi có bất thường, đưa các cháu đến cơ sở y tế sớm để kịp thời cấp cứu, điều trị. Một ngày, tử vong trẻ dưới 1 tuổi từ 20-30 cháu do nhiều nguyên nhân như sặc sữa, chết đuối, nghẹt thở, suy hô hấp…hoặc tử vong không rõ nguyên nhân. Ngẫu nhiên tử vong trùng với tiêm chủng. Nguyên nhân thứ 2, cơ địa cháu mẫn cảm. Thứ ba, gia đình không phát hiện, đưa cháu đi không kịp thời hoặc gia đình ở xa quá, không đưa đến cơ sở y tế kịp.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu TP Cần Thơ 

Theo các chuyên gia, bà mẹ, gia đình trẻ tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà trong 1- 2 ngày sau tiêm chủng. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Các dấu hiệu cần theo dõi: tinh thần; tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ (nếu có sốt phải cặp nhiệt độ), phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…). Khi trẻ có những phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc... thì phải được theo dõi thường xuyên, liên tục, chú ý vào ban đêm để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường; không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm. Cho trẻ bú, ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú, ăn khi nằm…

Lưu ý các bà mẹ sử dụng thuốc tại nhà: Không tự ý dùng thuốc. Dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm ấm, nới rộng quần áo. Dùng thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế. Sau khi sử dụng thuốc chủ động thông báo lại cho cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của trẻ.

Dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sau tiêm chủng: Sốt cao > 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng; quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê; co giật; nôn chớ, bú kém, bỏ bú; phát ban; thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi; chi lạnh, da nổi vân tím hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.

Đây là hội nghị qui mô nhất về tăng cường xử trí sau tiêm chủng. Hơn 10.000 cán bộ y tế từ tuyến trung ương đến các trạm y tế tham dự. Các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương… đã cập nhật hướng dẫn xử trí sau tiêm chủng, hướng dẫn tư vấn cho các bà mẹ…

Tin, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết