* Khắc phục các tồn tại trong hoạt động điều hành, đảm bảo thực hiện mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững và ổn định
Ngày 14-11, Bộ Giáo dục Đào tạo đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009 - 2010 khối các trường đại học tại 5 điểm cầu truyền hình : Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh và Cần Thơ với sự tham dự của có hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các trường đại học trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chưa bao giờ điều kiện phát triển giáo dục đại học thuận lợi như bây giờ. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học: từ các lực lượng xã hội, từ công tác hợp tác quốc tế... đều đang mở rộng. Chính phủ cũng rất quan tâm đầu tư cho bậc học này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thách thức đặt ra trong công tác quản lý chất lượng các trường đại học cũng lớn hơn bao giờ hết. Không thể tiếp tục quản lý chất lượng các trường đại học theo cách cũ như vừa qua. Vì thế, năm học 2009 - 2010, khối các trường đại học, cao đẳng cả nước sẽ bắt đầu quyết liệt triển khai lộ trình 3 năm thực hiện Chương trình “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”.
Theo đó ở cấp quốc gia sẽ khẩn trương hoàn thiện, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà trường đai học. Dự kiến sẽ có 12 văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học sẽ được ban hành. Đáng chú ý trong số này là Nghị định của Chính phủ về phân cấp và phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành và địa phương, tạo sự đồng bộ giữa Bộ Giáo dục- Đào tạo với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý các trường đại học, cao đẳng. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục Đào tạo - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này và của các bộ, ngành, địa phương khác là các cơ quan chủ quản của một số lượng rất lớn các trường (hơn 100 trường đại học, chiếm gần 2/3 tổng số trường cả nước) đối với quá trình phát triển của trường đại học cần được làm rõ. Hiện nay, nước ta chưa có một văn bản quy phạm nào về: Trách nhiệm của các cơ quan chủ quản trường đại học và Quy chế phối hợp quản lý giữa cơ quản và ngành chủ quản. Đây là những khoảng trống cần phải khắc phục.
Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện các cam kết trong đề án thành lập trường và mở ngành đào tạo từ năm 2006 trở lại đây; đổi mới Quy chế đánh giá và cho phép mở ngành tuyển sinh: kiểm tra tại thực tế cơ sở trước 3 tháng; 3 năm sau đó mỗi năm kiểm tra lại 1 lần, hoàn thành Quy chế mới vào tháng 12-2009. Cũng trong năm 2009, tất cả các đại học phải thực hiện 3 công khai, nếu không sẽ bị cắt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010. Quý IV năm 2009, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn và yêu cầu tất cả các trường đại học phải công bố Chuẩn đầu ra vào 2010. Cuối 2009, các trường có tổ chuyên trách để đánh giá tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp... Để tạo động lực mới, Bộ yêu cầu từ năm học này tất cả các trường đều thực hiện sinh viên đánh giá giảng viên; giảng viên đánh giá hoạt động của lãnh đạo trường và các trường đánh giá công tác chỉ đạo, quản lý của bộ, ngành, địa phương chủ quản.
* Ngày 14-11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo. Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh XK gạo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Nghị định của Chính phủ về kinh doanh XK gạo được soạn thảo trên quan điểm nhằm tạo lập một hành lang pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại trong hoạt động điều hành XK gạo, đảm bảo thực hiện mục tiêu XK gạo bền vững và ổn định. Việc điều hành XK gạo để giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất, tiêu dùng và XK cần được trao đổi thẳng thắn, xây dựng để tìm ra một cơ chế điều hành phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của nước ta, đảm bảo quyền lợi của người nông dân sản xuất ra lúa gạo và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, Trưởng ban soạn thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh XK gạo đánh giá công tác điều hành XK gạo trong thời gian qua và trình bày một số nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định. Hội thảo đã tập trung thảo luận một số nội dung cần thống nhất trong Nghị định như: quy định kinh doanh XK gạo là ngành hàng kinh doanh có điều kiện và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh; quy định đăng ký hợp đồng XK gạo; cơ chế đảm bảo cho nông dân bán lúa có lãi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; việc công bố giá XK định hướng; việc đấu thầu thực hiện hợp đồng tập trung; quy định về dự trữ lưu thông...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, công tác điều hành XK gạo thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng bộc lộ những tồn tại như chưa xác định rõ trách nhiệm của thương nhân XK gạo với các nhiệm vụ chính trị và kinh tế của đất nước, với người nông dân sản xuất lúa gạo, với việc bình ổn giá thu mua lúa cho nông dân và giá bán gạo cho người tiêu dùng trong nước. Với cơ chế điều hành như hiện nay, tất cả các DN đều có quyền kinh doanh XK gạo tuy nhiên có những DN không có kho tàng, cơ sở chế biến, không kinh doanh chuyên sâu về ngành lương thực mà chỉ tham gia XK khi thị trường thuận lợi. Nhiều DN không dự trữ đủ lượng gạo cần thiết cho XK, khi ký được hợp đồng XK mới tổ chức thu mua. Khi thị trường XK thuận lợi, nông dân bán được lúa với giá cao và khi thị trường XK khó khăn, nông dân rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Việc khống chế lượng gạo XK theo chỉ tiêu hướng dẫn hàng quý cũng gây ra những bức xúc trong xã hội, như khi thị trường XK được giá nhưng nông dân không bán được lúa giá cao do bị khống chế số lượng XK. Trong khi Nhà nước chưa tổ chức được lượng gạo dự trữ lưu thông cần thiết để can thiệp bình ổn giá gạo cho người tiêu dùng trong nước khi có biến động về thị trường thì trách nhiệm của DN kinh doanh XK gạo không được quy định rõ ràng, cụ thể. Việc định giá sàn XK gạo hiện nay cũng còn những bất cập như có thời điểm quy định giá sàn quá cao, DN không XK được gây tồn đọng lúa trong dân làm giá lúa giảm, thiệt hại cho nông dân và phát sinh tình trạng lách luật, bán phá giá. Từ đó dẫn đến những lúng túng, bị động trong công tác điều hành khi có biến động về thị trường giá gạo ở trong và ngoài nước...
Phát biểu tại hội thảo, đa số ý kiến đều nhất trí cần quy định kinh doanh XK gạo là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, giao cho Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo. Cần có biện pháp chế tài mạnh đối với các DN vi phạm những quy định trong kinh doanh XK gạo. Nên giảm mức dự trữ lưu thông xuống dưới 10% để giảm chi phí cho DN. Cần tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý Nhà nước và vai trò của các Hiệp hội, nhưng phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nông dân và các thành phần kinh tế khác.
HOÀNG HOA-LÊ BÁ LƯ (TTXVN)