24/07/2025 - 15:46

Không phải hợp đồng nào cũng cần công chứng, chứng thực 

Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật có liên quan không bắt buộc tất cả các hợp đồng, giao dịch dân sự đều phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý. Theo luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh, Hội Luật gia TP Cần Thơ, những hợp đồng, giao dịch dân sự bắt buộc phải công chứng, chứng thực mà người dân không thực hiện đúng thì hợp đồng, giao dịch đó sẽ vô hiệu. Ngược lại, đối với những hợp đồng, giao dịch dân sự mà luật không bắt buộc phải công chứng, chứng thực thì không cần phải công chứng, chứng thực, hợp đồng, giao dịch đó vẫn có giá trị pháp lý.


Người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai. 

 

Ông N ngụ xã Ðông Phước, chuyển nhượng 400m2 đất ở cho bà B, ngụ phường Hưng Phú, với giá 900 triệu đồng. Ban đầu, hai bên thỏa thuận bằng giấy tay và bà B đặt cọc cho ông N 200 triệu đồng. Hai bên hẹn ra văn phòng công chứng để công chứng hoàn tất các thủ tục nhưng ông N đổi ý, không bán đất nữa và trả lại tiền cọc. Bà B không đồng ý và cho rằng ông N đã thỏa thuận bán đất, có ký tên trên giấy thì đã có hiệu lực, nếu trả cọc phải đền gấp đôi.

Luật sư Phan Văn Hùng, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, phân tích: Khoản 3, Ðiều 27, Luật Ðất đai năm 2024 quy định, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự. Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại UBND cấp xã. Trường hợp của bà B và ông N, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực mới đảm bảo tính pháp lý.

Luật cũng quy định công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên đối với hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản. Giao dịch liên quan đến nhà ở có quy định riêng. Theo Ðiều 164, Luật Nhà ở năm 2023, các trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở đều bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực. Một số ngoại lệ như tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà Ðại đoàn kết hoặc mua bán nhà thuộc tài sản công... có thể không cần công chứng, trừ khi các bên có nhu cầu.    

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Tuy nhiên, nếu pháp luật yêu cầu giao dịch phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực thì bắt buộc phải tuân theo quy định đó. Luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh nhấn mạnh, ngay cả khi một hợp đồng hoặc giao dịch được công chứng, chứng thực đúng quy trình thì vẫn có thể bị vô hiệu nếu vi phạm pháp luật hoặc đạo đức xã hội. Cụ thể, giao dịch sẽ vô hiệu nếu công chứng viên thực hiện công chứng trong các trường hợp sau: nội dung hợp đồng trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho hành vi gian dối; công chứng hợp đồng có liên quan đến lợi ích cá nhân hoặc người thân; nội dung tài liệu được chứng thực có tính xúc phạm danh dự, vi phạm quyền công dân…

Bài, ảnh: B.B

Chia sẻ bài viết