02/07/2009 - 20:29

Không nên tự ý mua thuốc kháng virus để dự phòng, điều trị cúm A (H1N1)

Bác sĩ ĐOÀN ANH LUÂN
(Trưởng phòng Nghiệp vụ Y- Sở Y tế TP Cần Thơ)

Cục Quản lý dược- Bộ Y tế vừa có công văn thông tin việc người dân chưa hiểu rõ về dịch cúm A(H1N1), phác đồ điều trị, các quy định chuyên môn nên đã tự ý mua thuốc kháng virus để dự phòng, điều trị cúm A(H1N1) không có đơn của bác sĩ. Trong đó, có cả trường hợp mua thuốc qua mạng Internet, không có sự kiểm soát của ngành y tế.

Việc tự ý mua, sử dụng thuốc tamilfu tràn lan có thể gây ra hậu quả như:

- Uống thuốc không đúng cách có thể làm gia tăng tính kháng thuốc của virus cúm A(H1N1), làm cho việc điều trị khó khăn hơn.

- Việc mua thuốc trôi nổi, trên mạng internet, không được kiểm soát, có thể gặp phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Sử dụng phải những loại thuốc này, người bệnh không những không khỏi bệnh mà còn có thể bị tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là có thể tử vong.

- Việc đổ xô tìm mua thuốc kháng virus còn tạo cơ hội cho tiểu thương, nhà thuốc lợi dụng tăng giá thuốc.

Thuốc tamiflu là một trong những loại thuốc kháng virus. Bộ Y tế sẽ có nhiều biện pháp để cung cấp đủ cơ số thuốc phục vụ bệnh nhân trong trường hợp xảy ra đại dịch. Tại TP Cần Thơ, đã có sẵn 1.000 viên tamiflu dự phòng tại các cơ sở khám chữa bệnh theo sự phân bổ của Bộ Y tế. Ngoài ra, thành phố còn có nguồn kinh phí dự phòng để có thể mua thêm 16.100 viên phục vụ bệnh nhân khi có dịch lớn xảy ra. Bệnh nhân nhiễm cúm A(H1N1)) sẽ được cấp thuốc tamiflu miễn phí trong quá trình điều trị và uống dự phòng khi cần thiết. Vì vậy, người dân không nên tìm mua thuốc kháng virus để dự phòng. Khi có các biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, đau cơ... (giống bệnh cảm cúm thông thường) kết hợp với yếu tố dịch tễ như vừa đi từ vùng có dịch về trong vòng 7 ngày hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh cúm A(H1N1) thì nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, xử trí phù hợp, kịp thời.

Các trường hợp sau có thể uống thuốc điều trị dự phòng: nghi ngờ nhiễm bệnh (có dấu hiệu kèm yếu tố dịch tễ), người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm cúm A(H1N1), nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhưng vì điều kiện nào đó mà không trang bị đồ bảo hộ. Tuy nhiên, việc uống dự phòng phải có chỉ định của bác sĩ và theo dõi tình trạng sức khỏe của nhân viên y tế.

Để phòng bệnh, thay vì đổ xô đi mua thuốc kháng virus, tốt nhất là nên thực hiện các biện pháp sau:

- Đeo khẩu trang y tế khi đến các sân bay, bến xe. Hạn chế đến nơi tụ tập đông người.

- Giữ vệ sinh cá nhân (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn); vệ sinh môi trường ở, làm việc, lau chùi vật dụng, đồ dùng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn; che mũi miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi.

- Ăn chín, uống sôi.

- Khi nghi ngờ mắc bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tại TP Cần Thơ, hiện nay, chỉ có các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân cúm A(H1N1) mới cấp thuốc kháng virus miễn phí cho bệnh nhân. Ngoài ra, các các cơ sở dược trên địa bàn không được bán thuốc kháng virus nếu không có toa của bác sĩ.

S. KIM (ghi)

Chia sẻ bài viết