Thời gian qua, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách “đền ơn đáp nghĩa” và công tác bảo trợ xã hội cho người tàn tật, người bị nhiễm chất độc hóa học, hộ nghèo
Gần đây, một số trường hợp đang được hưởng chính sách người có công và đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội (BTXH) đã bị địa phương cắt, vì cho rằng gia đình khá giả, không đủ tiêu chuẩn để hưởng chính sách trên
Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi vấn đề này với bà Lâm Nhật Phượng, Phó Giám đốc Sở LĐ TB&XH TP Cần Thơ:
* Thưa bà, TP Cần Thơ hiện có bao nhiêu đối tượng đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội?
- TP Cần Thơ đang trợ cấp thường xuyên ngoài cộng đồng cho 9.066 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 1.106 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, 875 người cao tuổi cô đơn, 1.206 người tàn tật, 518 người tâm thần, 20 người nhiễm HIV, 30 gia đình và cá nhân nhận nuôi trẻ mồ côi bị bỏ rơi, 14 hộ có từ 2 người tàn tật nặng, 489 người đơn thân nuôi con nhỏ và 5.249 người (từ 85 tuổi trở lên).
* Xin bà cho biết rõ hơn về quy trình xét trợ cấp chính sách thường xuyên cho đối tượng BTXH ra sao, gồm những đối tượng nào?
- Trong việc xét trợ cấp cho cá nhân hoặc gia đình được hưởng trợ cấp hằng tháng phải làm đầy đủ hồ sơ gởi UBND cấp xã, phường, thị trấn theo quy định, gồm:
Đơn đề nghị hưởng trợ cấp (có xác nhận của Trưởng ấp), sơ yếu lý lịch, văn bản xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về tính trạng tàn tật, tâm thần, nhiễm HIV (nếu có). Trong thời gian 7 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của đối tượng, UBND cấp cơ sở có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, nếu thấy đủ tiêu chuẩn theo quy định thì niêm yết công khai tại trụ sở UBND và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau 30 ngày, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì UBND xã, phường, thị trấn hoàn chỉnh hồ sơ gởi Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện xem xét giải quyết. Thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do cấp xã gởi, Phòng LĐ-TB&XH huyện có trách nhiệm thẩm định trình Chủ tịch UBND các quận, huyện ra quyết định trợ cấp cho từng đối tượng.
* Đối tượng được hưởng chính sách BTXH có quy định thời gian không? Trường hợp địa phương cắt tiền trợ cấp hằng tháng của đối tượng đang hưởng chính sách người có công và BTXH, với lý do gia đình khá giả, là đúng hay sai?
- Theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26-6-2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, qui định các đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19-8-1945; liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng Vũ trang và Anh hùng Lao động trong kháng chiến; thương, bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người tham gia cách mạng bị địch bắt, tù đày... trong đó, có quy định rõ mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo từng thời điểm để phù hợp với chính sách tiền lương. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tổ chức thực hiện, ban hành quyết định áp dụng cho cá nhân hoặc tập thể. UBND các xã, phường, thị trấn quản lý, chi trả chế độ chính sách đến trực tiếp đối tượng được thụ hưởng. Qua kiểm tra, Sở LĐ-TB&XH chưa phát hiện trường hợp nào đối tượng chính sách đang thụ hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên bị cán bộ địa phương ngang nhiên cắt hoặc ngừng trợ cấp ưu đãi với lý do gia đình khá giả...
Riêng đối tượng BTXH được hưởng trợ cấp hằng tháng không quy định thời gian hưởng bao lâu, mà chủ yếu là đối tượng có đủ điều kiện được hưởng. Thí dụ trẻ mồ côi: Theo quy định, trẻ được hưởng trợ cấp đến 16 tuổi, nhưng nếu trẻ đã trên 16 tuổi mà còn đang học văn hóa hoặc học nghề thì tiếp tục được hưởng đến 18 tuổi. Hay như trường hợp người tàn tật nặng hoặc tâm thần, trước đây được hưởng trợ cấp là do thuộc hộ nghèo, nay nếu hộ gia đình đã thoát nghèo thì sẽ không còn được hưởng trợ cấp nữa. Những trường hợp đang hưởng trợ cấp nay không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định (có sự thay đổi về tuổi tác, về hoàn cảnh kinh tế gia đình...) thì UBND cấp quận, huyện quyết định chấm dứt trợ cấp theo quy định.
* Sở LĐ-TB&XH thành phố có biện pháp gì nhằm khắc phục những trường hợp trên, để các đối tượng BTXH được hưởng chính sách đúng theo luật định?
- Để thực hiện tốt Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời cũng chăm sóc tốt hơn nữa đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, Sở LĐ-TB&XH thành phố có kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, đặc biệt trong việc nhận diện đối tượng để đảm bảo không bị trùng lắp hay bỏ sót đối tượng trên địa bàn. Đồng thời kiểm tra định kỳ và đột xuất trong quản lý và thực hiện trợ cấp thường xuyên đối tượng BTXH, phối hợp và trực tiếp xác minh, giải quyết các trường hợp thắc mắc, khiếu nại nếu có. Sở sẽ chỉ đạo các địa phương thường xuyên rà soát để đảm bảo không bỏ sót đối tượng.
Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai cài đặt phần mềm quản lý đối tượng BTXH trên địa bàn 9 quận, huyện và chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện khẩn trương thực hiện quản lý đối tượng bằng phần mềm thống nhất để công tác quản lý đi vào nề nếp và chặt chẽ hơn.
Xin cảm ơn bà !
Kim Xuân (thực hiện)