Ðảm bảo tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa tổ chức họp khẩn với 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Tại cuộc họp, các địa phương đều thống nhất, trong bối cảnh hiện nay, cần hạn chế vận tải hành khách và tạo mọi điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa ra vào TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam.

Kiểm tra thông tin phương tiện và người lái trước khi vào địa bàn TP Cần Thơ.
Ưu tiên vận chuyển hàng hóa
Thông tin từ nhiều địa phương khu vực phía Nam, hiện nay cơ bản các hoạt động vận tải hành khách công cộng, hành khách hợp đồng, xe buýt, xe taxi, tuyến cố định liên tỉnh đã tạm dừng tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh. Các địa phương có tuyến vận tải khách bằng đường thủy đã yêu cầu giảm số lượng chuyên chở để đảm bảo nguyên tắc 5K, tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa lưu thông.
Tại TP Cần Thơ, Sở GTVT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 29-5-2021 triển khai các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các tuyến giao thông trọng điểm, các bến xe khách trên địa bàn thành phố. Ðồng thời, triển khai khai báo y tế điện tử phục vụ công tác phòng chống, dịch COVID-19 bằng mã QR; tổ chức lại hoạt động vận tải; công bố, công khai địa chỉ Email, Zalo, đường dây nóng của Sở GTVT. Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản, hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản bằng ô tô đi đến TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Vẫn còn một số doanh nghiệp (DN) vận tải chưa xây dựng phương án vận chuyển hàng hóa gửi đến Sở GTVT thành phố để kiểm soát. Mặt khác, một số DN chưa chủ động cho lái xe, người đi cùng lái xe xét nghiệm SARS-CoV-2, vì thế gây tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ ở một số điểm kiểm soát. UBND thành phố chỉ đạo Sở GTVT tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các DN để hoàn thiện phương án vận tải và vận động các DN cam kết để các lái xe đi đến Cần Thơ hoặc từ Cần Thơ đến các tỉnh, thành đều phải thực hiện nghiêm xét nghiệm, tránh tình trạng ùn tắc. Ðồng thời, chỉ đạo Sở GTVT tăng cường phối hợp Sở GTVT các tỉnh, thành và TP Hồ Chí Minh; từ đó, tham mưu cho UBND thành phố trong công tác phối hợp, liên kết để tạo điều kiện thuận lợi nhất lưu thông hàng hóa thông suốt mà vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Ngọc Hè đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể về thời hạn đối với phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 để các địa phương áp dụng một
cách đồng bộ.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh thông tin: Các loại hình phương tiện công cộng trên địa bàn thành phố đã cơ bản tạm dừng. Ðến ngày 9-7, các xe hợp đồng, xe ôm cũng sẽ dừng chỉ còn lại xe vận tải hàng hóa. Tập trung ưu tiên vận chuyển hàng hóa với các địa phương vùng Ðông Nam Bộ, nhất là các hoạt động vận tải hàng hóa qua cảng Cát Lái và xe vận chuyển hàng hóa trong vùng, Sở GTVT thành phố đã xây dựng phương án và thống nhất với 6 Sở GTVT lân cận theo hướng tạo luồng xanh, phương tiện sẽ được cấp nhận diện bằng mã QR để qua chốt, không bị ùn tắc. Ngay ngày 8-7, Sở thực hiện chuyển các mã này về cho các DN dán lên xe. Sở GTVT tạo 5 luồng xanh để phương tiện lưu thông, các phương tiện phải đăng ký qua Sở GTVT là đầu mối để được cấp QR Code thông qua các trạm kiểm soát.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT về lưu thông hàng hóa, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo phân luồng, đảm bảo giao thông phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 để phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ tổ chức phân luồng, tuyến vận tải hàng hóa, bảo đảm thông suốt 24/24 giờ. Tăng cường lực lượng để giải quyết nhanh nhất không để tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các điểm khai báo y tế, đồng thời bảo đảm an toàn dịch bệnh cho lái xe…
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Ðường bộ Việt Nam cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành công khai các chốt kiểm soát, trình tự, nội dung quy trình, số điện thoại của chốt để DN chuẩn bị trước các nội dung kiểm soát dịch. Bố trí luồng riêng hoặc tăng thêm cửa kiểm tra đối với phương tiện và người lái xe được lưu thông nhanh nhất do đã thực hiện khai báo y tế trước và bố trí vị trí điểm xét nghiệm nhanh tại các chốt kiểm soát cho lái xe…
Lưu thông an toàn
Ðể quản lý an toàn vận tải hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Ðình Thọ cho rằng: Giải pháp chung về y tế phải thực hiện nghiêm, riêng với lĩnh vực vận tải phải tính toán kỹ lưỡng, tổ chức phân luồng, vận tải hàng hóa phải ưu tiên số một vì phải kết nối với các loại hình vận tải khác để lưu thông hàng hóa, bảo đảm sản xuất, tiêu dùng của người dân... Vì vậy, phải quản lý chặt chẽ về luồng hàng và luồng tuyến. Về phân luồng tuyến, các địa phương phải chủ động hoàn toàn theo tinh thần “4 tại chỗ”. Các đơn vị của Bộ sẽ phối hợp tích cực, tránh tình trạng ùn tắc…
Ở khía cạnh khác, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất cần khẩn trương nghiên cứu, nâng cấp tờ khai y tế điện tử theo hướng bổ sung trường khai báo thông tin về việc đã tiêm vaccine hay đã xét nghiệm PCR để thuận lợi hơn trong công tác kiểm soát.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, trong thời gian chờ Chính phủ có nghị quyết về việc lùi thời gian lắp camera, Tổng cục cũng đã yêu cầu Sở GTVT các địa phương tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các DN kinh doanh vận tải ô tô trên địa bàn khẩn trương lắp đặt camera trên phương tiện để triển khai các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động kinh doanh vận tải. Tổng cục đang phối hợp VNPT xây dựng thí điểm hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera, dự kiến thử nghiệm từ ngày 15-7 để phân tích dữ liệu nhận diện các trường hợp vi phạm của lái xe và hành khách trên xe. Trong đó, có hành vi không đeo khẩu trang trên xe, chở quá người quy định, dừng đỗ không đúng quy định. Ðồng thời, sử dụng nhóm Zalo để trao đổi, xử lý nhanh các vấn đề ùn tắc tại các chốt kiểm soát phía Nam, để hằng giờ, hằng ngày nắm bắt tình hình và giải quyết nhanh nhất các vướng mắc khó khăn khi phương tiện vận chuyển hàng hóa bị ùn tắc tại các chốt kiểm soát. Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại bến xe, trạm ngừng nghỉ và trên phương tiện vận tải.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương cần xác định các lộ tuyến có trọng tâm trọng điểm, chẳng hạn, cảng hàng hải, đường thủy nội địa, khu công nghiệp, các chợ, siêu thị… thống kê nhanh nhất nhu cầu vận tải hàng hóa, số lượng phương tiện vận tải để có giải pháp quản lý. Ðối với vận chuyển chuyên gia và công nhân, các DN phải đăng ký phương tiện, số lượng, lộ trình để các Sở GTVT cấp phép và quản lý. Liên quan đến việc quản lý phương tiện, phải có giải pháp nhanh nhất, thuận tiện nhất, ứng dụng công nghệ nhằm rút ngắn thời gian qua trạm kiểm soát; ưu tiên tiêm phòng vaccine cho đội ngũ lái xe. Các địa phương phối hợp, thông báo, thống nhất với nhau trong quản lý luồng xanh giữa các địa phương đảm bảo kết nối và hiệu quả trong kiểm soát các tuyến di chuyển. Thống nhất với các địa phương về thời hạn giấy xét nghiệm nhanh và PCR có giá trị trong vòng 3 ngày. Vì vậy, cần giao trách nhiệm cho DN khi điều động phương tiện, lái xe và có chế tài xử lý nghiêm với các DN vi phạm. Sở GTVT nơi đi và đến của hàng hóa phải nắm được thông tin để quản lý phương tiện và lái xe. Các địa phương tăng cường tuyên truyền rộng rãi để người dân hạn chế tối đa đi lại, có giải pháp kiểm soát việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Bộ GTVT có các đơn vị trực thuộc của các chuyên ngành trên địa bàn các tỉnh, thành như: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không. Các địa phương có thể triệu tập ngay lực lượng của các đơn vị này vào công tác phòng, chống dịch và đảm bảo các hoạt động vận tải thông suốt. Để có sự thống nhất giải quyết vướng mắc theo cơ chế phối hợp, Bộ trưởng gợi ý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương có thể thành lập nhóm trên các ứng dụng Viber, Zalo để trao đổi thông tin vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính để xử lý kịp thời, tránh ùn tắc. Những chỉ đạo mới của Chính phủ, những quy định mới phải được cập nhật ngay vào nhóm để phối hợp giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc…
Bài, ảnh: T. TRINH