05/11/2015 - 21:08

Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL

Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn

* Thanh Long

Bài cuối: Xu thế tất yếu của nền nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập

Dù còn những khó khăn nhưng mô hình cánh đồng lớn (CĐL) ở ĐBSCL đã đạt những kết quả khả quan và chứng tỏ nhiều ưu việt trong nâng cao chuỗi giá trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất và tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều cơ hội và không ít thách thức như hiện nay, sản xuất lúa theo mô hình CĐL là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Muốn đạt được điều này, cần có một cuộc cách mạng trong tư duy, nhận thức về CĐL trong tình hình mới.

* Liên kết vùng

Ngày 25-10-2013, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương vùng ĐBSCL ban hành tiêu chí xây dựng CĐL phù hợp với thực tiễn. Điển hình như: TP Cần Thơ, một trong những tiêu chí bắt buộc là diện tích tối thiểu cho một CĐL đối với các huyện trọng điểm trồng lúa của thành phố, như: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai là 200ha; các quận, huyện còn lại tối thiểu 50ha. CĐL rau màu các loại diện tích tối thiểu phải đạt 5ha và là 20ha đối với cây ăn trái. Tỉnh Long An quy định quy mô diện tích tối thiểu bắt buộc của một CĐL (liền canh, liền thửa) trên cây lúa: 50ha với các cánh đồng thuộc huyện Đức Huệ và các huyện phía Nam (Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ, Châu Thành, Đức Hòa, TPTân An); 100 ha đối với cánh đồng thuộc các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười (Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thị xã Kiến Tường, Vĩnh Hưng, Tân Hưng). CĐL trên rau màu thực phẩm, dược liệu, hoa là 3ha; cây ăn quả lâu năm (thanh long, chanh, ổi...): 20 ha; cây trồng cạn (bắp, mè, đậu phộng...): 20ha... Đây được xem là một quyết tâm của các địa phương vùng ĐBSCL trong việc nâng chất, nâng cấp CĐL phát triển theo chiều sâu.

Thu hoạch lúa trên CĐL ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: T. Long

Tuy nhiên, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, CĐL cần đặt trong bối cảnh liên kết vùng. PGS. TS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng Bộ phận thường trực phía Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng: Việc liên kết vùng để xây dựng một cách logic, hợp lý và khoa học các tiểu vùng trồng lúa 1 vụ, 2 vụ, 3 vụ tại ĐBSCL cũng như đồng bằng sông Hồng, duyên hải Nam Trung bộ. Trên cơ sở đó phát triển hệ thống thông tin thị trường và dự báo (cấp quốc gia, cấp vùng). Điều này rất quan trọng vì dự báo "cầu" tốt sẽ giúp ngược lại quy hoạch và điều tiết nguồn "cung" ổn định hằng năm, phục vụ tốt mục tiêu phát triển bền vững. "CĐL trước yêu cầu tăng cường liên kết vùng không đơn thuần là những hoạt động ký kết hợp tác, hay liên kết giữa chính quyền địa phương với chính quyền địa phương. Liên kết vùng trong CĐL có ý nghĩa quan trọng hơn chính là tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy liên kết 4 nhà. Trong đó, giúp mối liên kết giữa doanh nghiệp – nông dân thực chất, chặt chẽ, bền vững hơn", ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ bày tỏ quan điểm. Ngoài ra, CĐL phải được xây dựng trên một quy hoạch sản xuất lúa được tiếp cận theo lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh vùng. Cần áp dụng vùng theo không gian, để từ đó có chính sách hỗ trợ khác nhau ở "vùng lõi", "vùng vành đai" và các khu vực trồng lúa bình thường khác có xem xét mục tiêu sản xuất lúa cho an ninh lương thực hay lúa hàng hóa.

* Tiếp cận theo chuỗi giá trị

Sản xuất và tiêu thụ nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng ổn định và bền vững phải theo cách tiếp cận chuỗi giá trị là sản xuất theo yêu cầu thị trường về số lượng và chất lượng với giá cạnh tranh. Điều này có nghĩa, cần nghiên cứu thị trường trước tiên, chứ không phải quan tâm khâu sản xuất đầu tiên - để biết rõ và cụ thể khách hàng cần sản phẩm chất lượng như thế nào và số lượng bao nhiêu. Từ đó quy hoạch sản xuất phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường với giá cạnh tranh. Đây cũng là hình thức tổ chức sản xuất cấp tiến của mô hình CĐL vùng ĐBSCL.

Vấn đề tiếp cận chuỗi giá trị, PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Giải pháp cốt lõi trong quy hoạch lại sản xuất theo yêu cầu thị trường là liên kết ngang (tổ nhóm, câu lạc bộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã) và liên kết dọc (giữa công ty cung cấp đầu vào và các liên kết ngang, giữa các liên kết ngang và công ty tiêu thụ). Các liên kết này sẽ mang lại kết quả chi phí toàn chuỗi thấp (nông dân được giảm khoảng 18,4% giá thành sản xuất do không phải vay và trả lãi ngân hàng cũng như trả lãi khi mua vật tư đầu vào vì được công ty cung ứng), bảo đảm chất lượng đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định và bền vững. "Trong bối cảnh dự báo thị trường cấp vĩ mô (Nhà nước) và cấp trung (tỉnh/thành) còn nhiều hạn chế, quy hoạch sản xuất phù hợp về lâu dài thì yêu cầu thị trường thông qua các công ty là cách làm tốt nhất hiện nay. Nghĩa là, cần có công ty đầu tư vùng nguyên liệu, tạo điều kiện hình thành các liên kết ngang để sản xuất theo yêu cầu thị trường – gọi tắt là liên kết nông dân - công ty. Hiện nay, các dự án quốc tế rất quan tâm đầu tư phát triển các liên kết nông dân – công ty. Bởi đây là cách duy nhất theo cách tiếp cận chuỗi giá trị để đưa sản phẩm ra thị trường ổn định và bền vững" - PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc khẳng định.

Theo giáo sư Võ – Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng không theo thị trường là duy ý chí, tự phát chỉ đem lại thiệt hại tiền của và công sức của nông dân. Mỗi sản phẩm đưa ra thị trường cần được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị thực hiện đúng quy trình GAP, được liên kết 4 nhà, nòng cốt là do doanh nghiệp đầu ra gắn với hợp tác xã nông nghiệp. "Điều kiện cần cho sản xuất theo chuỗi giá trị để giành thị trường bền vững là xây dựng cụm nông nghiệp kỹ thuật cao với đầy đủ thiết bị hiện đại. Doanh nhân điều khiển cụm công nghiệp phải được đào tạo một cách cơ bản, có thực tâm vì nông nghiệp và nông dân, uy tín quốc gia, có trách nhiệm xã hội. Nông dân xã viên của hợp tác xã nông nghiệp hoặc trang trại lớn phải được đào tạo nhuần nhuyễn quy trình sản xuất kỹ thuật nông nghiệp cao (GAP). Đặc biệt, Nhà nước cần ưu tiên cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Giao cho ngân hàng thẩm tra, duyệt và giải ngân thay vì giao cho bộ, ngành phê duyệt như thời gian qua" – Giáo sư Võ – Tòng Xuân nói.

* Cải tiến và phát triển chính sách

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: "Những yếu kém về thể chế là gánh nặng lên nông nghiệp và doanh nghiệp cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng". Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: "Hiện nay có đến 800 điều kiện kinh doanh khác nhau được áp dụng cho ngành nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa gạo. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân. Tiến trình hội nhập, một lần nữa khiến nông nghiệp ĐBSCL đứng trước tình trạng không còn chỗ để lùi. Phải gấp rút tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển sang canh tác trên những CĐL, chuyển nông dân hoạt động từ truyền thống trở thành những công nhân nông nghiệp được đào tạo, có kỹ năng và biết tuân thủ kỷ luật thị trường. Vai trò của Nhà nước từ trung ương đến địa phương là cực kỳ quan trọng trong cuộc thay đổi bước ngoặt này. Các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục giảm bớt các chi phí về thời gian, tiền bạc cho nông dân và doanh nghiệp, giảm bớt các loại thủ tục, phí, lệ phí để doanh nghiệp và nông dân có thể giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành".

Thực tiễn đã chứng minh, chỉ có doanh nghiệp đủ tiềm lực mới đủ sức làm "hạt nhân" xây dựng CĐL. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, có những vấn đề vượt ra ngoài tầm của doanh nghiệp (về vốn đầu tư, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, thông tin thị trường…). Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi căn bản, toàn diện và cần những cải cách mạnh mẽ hơn nữa từ cơ chế, chính sách đồng bộ gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, cải cách doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập cho nông dân, xây dựng CĐL ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cần tách biệt hẵn các hệ thống và chiến lược xuất khẩu gạo mang tính "chính trị - xã hội" và tính thương mại. Từ đó có chính sách rõ ràng, phân biệt giữa 2 mục tiêu để tăng cường hỗ trợ nhóm thực hiện mục tiêu "chính trị - xã hội", giải phóng một phần gánh nặng nhằm tăng lợi nhuận và nâng cao trách nhiệm cho nhóm thương mại. Thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo, bao gồm: đổi mới thể chế, cải tiến công nghệ,… hướng đến sản xuất bền vững hơn với môi trường, chất lượng và dịch vụ tốt hơn. Khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng phải xây dựng trên cơ sở hiệu quả và đổi mới, không phải dựa trên thù lao giá rẻ cho nông dân hay CĐL. Những chuyển biến này rất cần cho việc xây dựng và phát triển CĐL trở thành xu thế của nền nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

***

Thời cơ và áp lực từ hội nhập, chỉ có sản xuất theo CĐL mới chủ động kiến tạo các vùng nguyên liệu đặc thù, chủ động áp dụng và ứng dụng có hiệu quả, đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cùng một thời điểm với quy mô diện tích gieo trồng lớn. Hình thức sản xuất này cắt bỏ bớt những chi phí bất hợp lý trong sản xuất mà những chi phí này làm gia tăng giá thành sản xuất và giảm bớt thu nhập của người trồng lúa. Sản xuất lúa gạo theo mô hình CĐL sẽ bảo đảm quyền lợi cho người trồng lúa, tăng cường mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thêm bền chặt. Từ đó giúp ổn định diện tích và sản lượng lúa gạo phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo "made in Vietnam". Với những ưu việt mang lại, CĐL chắc chắn sẽ phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành xu thế phát triển tất yếu, khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như kỳ vọng.

Chia sẻ bài viết