04/11/2015 - 20:18

Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL

Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn

 Thanh Long

Bài 4: Kinh nghiệm nhân rộng cánh đồng lớn

Phương thức tổ chức cánh đồng lớn (CĐL) đã triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới và đem lại những thành công nhất định. Tại Việt Nam, khởi nguồn từ vùng ĐBSCL, được Bộ NN&PTNT chính thức phát động nhân rộng vào năm 2011, mô hình CĐL đã và đang có sức lan tỏa rộng ra nhiều địa phương trong cả nước. Không chỉ dừng lại ở sản xuất lúa gạo, CĐL được nhiều địa phương áp dụng thành công trên nhiều cây trồng, vật nuôi khác. Kinh nghiệm rút ra từ những mô hình thành công chắc chắn sẽ là bài học quý báu để có thể nhân rộng mô hình có hiệu quả nhất, khả thi nhất.

Sức lan tỏa của mô hình

Trước năm 2011, nhiều mô hình kỹ thuật thâm canh theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành trong sản xuất lúa gạo, như: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"... áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được triển khai thực hiện ở ĐBSCL. Ngoài ra, một số địa phương còn triển khai thực hiện và đạt kết quả khả quan một số mô hình kỹ thuật cải thiện chất lượng, như: "cánh đồng một giống", "cánh đồng hiện đại", "cánh đồng lúa chất lượng cao"… Ngày 26-3-2011, Bộ NN&PTNT chính thức phát động phát triển mô hình CĐL xu hướng liên kết, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Theo thống kê từ Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, vụ hè thu 2011, CĐL ở ĐBSCL có 2 tỉnh (An Giang và Bến Tre) thực hiện với khoảng 8.000ha và khoảng 6.400 hộ tham gia. Vụ đông xuân 2011-2012, có 12/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển mô hình CĐL với tổng diện tích trên 19.720ha… Trong năm 2012, mô hình CĐL được nhiều địa phương áp dụng trên các cây trồng khác, như: mía, rau, cây ăn trái… Đến năm 2013, diện tích CĐL ở 13/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đạt khoảng 80.000ha, tăng gấp 10 lần so với năm 2011. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Cùng với việc tăng số lượng, liên kết tiêu thụ lúa gạo trong CĐL ở ĐBSCL cũng tăng theo chất lượng. Vụ hè thu 2014, ĐBSCL có trên 100 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Và tỷ lệ thành công của việc thực hiện hợp đồng tăng từ chưa quá 30% năm 2013 lên trên 55% năm 2014. Năm 2014, diện tích CĐL ở ĐBSCL đạt khoảng 140.000ha và dự kiến trong năm 2015 đạt khoảng 290.000ha.

Ngày 16-1-2012, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai thí điểm "cánh đồng mẫu lớn" trong vụ đông xuân 2011-2012 tại 4 tỉnh, thành phố phía Bắc, gồm: Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội. Đến vụ lúa hè thu – mùa 2012, ngoài 4 địa phương vừa nêu, còn có Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An tham gia CĐL với tổng diện tích khoảng 12.280ha. Nhiều địa phương cũng triển khai mô hình CĐL trên khoai tây, cà rốt, hành, tỏi, rau, cải bắp, su hào… Đến vụ hè thu và vụ mùa 2014, 17 tỉnh, thành phố phía Bắc xây dựng được khoảng 700 mô hình CĐL với diện tích trên 27.000ha. "Mặc dù triển khai muộn hơn, nhưng nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc đã nhanh chóng hưởng ứng phong trào và rất khẩn trương xây dựng đề án, kế hoạch phát triển CĐL. Kết quả cho thấy, các mô hình đều cho kết quả tốt, bước đầu được nông dân tin tưởng. Nhiều cánh đồng thực hiện dồn điền, đổi thửa; hợp tác xã tổ chức dịch vụ làm đất, gieo sạ, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật…mang lại hiệu quả khá cao. Liên kết cung ứng giống tốt và thu mua sản phẩm cho tiêu thụ nội địa ở các CĐL phía Bắc có chiều hướng bền vững để nhân rộng"- Tiến sĩ Phạm Văn Dư nhận xét.

Đâu là chìa khóa thành công?

TP Cần Thơ là một trong những địa phương sớm triển khai xây dựng mô hình CĐL, từ vụ hè thu 2011 với khoảng 400ha ở huyện Vĩnh Thạnh. Đến vụ đông xuân 2014-2015, qua hơn 12 vụ lúa/hơn 4 năm, thành phố đã thực hiện 75 CĐL với tổng diện tích hơn 17.630 ha và trên 12.500 hộ nông dân tham gia. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, chia sẻ: Thành phố xác định, CĐL không phải phép cộng những diện tích đất nhỏ của nông dân hoặc là các cánh đồng. CĐL là liên kết của nông dân bằng ý chí, quyết tâm trong một kế hoạch sản xuất, theo một mục tiêu sản xuất gắn bó, phù hợp với mục tiêu doanh nghiệp. Nếu không làm theo quy tắc này, trước sau CĐL cũng sẽ lụi dần, giống như kiểu hợp tác xã trước đây. Phát triển CĐL ở TP Cần Thơ theo 3 nguyên lý: liên kết các hoạt động khuyến nông - theo nhóm nông dân - trên một cánh đồng. Bắt tay vào thực hiện, ngành nông nghiệp tập trung "3 mũi giáp công", gồm: Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Phát triển Nông thôn và Chi cục Bảo vệ Thực vật hỗ trợ nông dân trong cùng CĐL về tổ chức, xây dựng kế hoạch và các bước thực hiện kế hoạch về kỹ thuật sản xuất cũng như kinh tế. Ngoài ra, Chi cục Phát triển Nông thôn bồi dưỡng nhóm nông dân về kỹ năng quản lý, điều hành và tổ chức… Chi Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với Trung tâm Khuyến nông điều hành quá trình sản xuất nhằm bảo đảm an toàn, thắng lợi. Hơn 12 vụ liên tục hơn 4 năm qua, phong trào xây dựng CĐL ở TP Cần Thơ được giữ vững. Niềm tin của nông dân ngày càng tăng lên là một minh chứng về tính đúng đắn của chủ trương, tín hiệu khả thi và hiệu quả của mô hình.

 Nhiều năm liền đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, CĐL ấp D2, xã Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) được trang bị kho chứa lúa, lò sấy... do “Dự án cạnh tranh nông nghiệp” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Ảnh: T. LONG

Một trong những mắc mứu lớn nhất trong CĐL là sự hợp tác chia sẻ lợi nhuận giữa doanh nghiệp và nông dân. Tình trạng phá vỡ hợp đồng, chèn ép, bẻ kèo… trong quá trình thực hiện CĐL luôn xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng chưa có giải pháp chấn chỉnh hiệu quả. Trong bối cảnh này, DNTN Công Bình, tỉnh Long An là một trong những điển hình hiệu quả. Theo ông Phạm Công Bình, Chủ DNTN Công Bình, doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu để sản xuất sản phẩm lúa gạo theo yêu cầu thị trường từ năm 2014. Hiện tại, doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất lúa với hơn 3.000 hộ nông dân các tỉnh: Long An, Sóc Trăng và Hậu Giang, tổng diện tích trên 3.000ha theo 3 bước. Đầu tiên, sau khi xác định được vùng trồng lúa phù hợp, doanh nghiệp làm việc với chính quyền địa phương để được hỗ trợ trong việc tổ chức nông dân và bầu chọn tổ trưởng, tổ phó tổ hợp tác liên kết. Tiếp theo, doanh nghiệp ký hợp đồng với tổ trưởng có địa phương chứng nhận để cung cấp đầu vào, như: giống, tiền phân thuốc cho nông dân. Đồng thời, kết hợp khuyến nông các cấp về lịch thời vụ và cử cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp để hướng dẫn và theo dõi, cũng như giúp nông dân giải quyết những bất thường xảy ra trong quá trình sản xuất. Cuối cùng, trước khi thu hoạch 7 ngày, doanh nghiệp định giá với nông dân bằng cuộc họp công khai và bổ sung giá bán lúa của nông dân (đảm bảo cao hơn thị trường 200 đồng/kg) vào hợp đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cung cấp bao bì do doanh nghiệp thiết kế cho nông dân để đựng lúa và tiến hành thu mua, trả tiền mặt cho nông dân sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu. Với việc tổ chức bài bản, đúng các bước đề ra, tỷ lệ nông dân có hợp đồng bán lúa cho doanh nghiệp đạt 100%. "Thành tựu lớn nhất là doanh nghiệp luôn đồng hành với nông dân; đối thoại, trả lời và quyết định các vấn đề nông dân đặt ra theo cách đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra, doanh nghiệp luôn đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, giữ uy tín và chia sẻ lợi ích với nông dân. Ngược lại, doanh nghiệp đòi hỏi nông dân phải sản xuất theo quy trình sản xuất đạt chuẩn doanh nghiệp đưa ra" - ông Phạm Công Bình chia sẻ. Theo anh Bùi Văn Đậu, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, thực hiện CĐL với DNTN Công Bình đảm bảo nông dân có lời từ 50% trở lên nên nông dân rất phấn khởi và tin tưởng.

Nhìn ra thế giới

Phương thức tổ chức sản xuất theo CĐL đã được nhiều nước trên thế giới triển khai thành công. Theo Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban Kinh tế Trung ương (Nguyên Phó Giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn), việc tiếp cận CĐL trên thế giới thường được thực hiện bắt đầu bằng xác định các tiêu chí thị trường yêu cầu hoặc chính phủ áp đặt như về chất lượng sản phẩm, môi trường, kỹ thuật canh tác, kế hoạch sản xuất, hệ thống quản trị để làm cơ sở xây dựng hành động tập thể của liên kết ngang và liên kết dọc. Ví dụ như những CĐL có thể ở một khu vực, vùng nhỏ, hoặc cả một lưu vực cho một sản phẩm chuyên môn hóa cao như sản xuất lúa ở Malaysia, rượu vang của Pháp, trồng rau ở Philippines,... Hay như sản xuất lúa ở Malaysia trước đây cũng gặp tình trạng đất nhỏ lẻ và manh mún, bình quân 0,1-0,5 ha/hộ. Công cuộc thay đổi để cải thiện năng suất lúa gạo ở Malaysia được thực hiện từng bước qua nhiều năm bằng cách tác động vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống kênh mương thủy lợi, đường cho máy móc vào ruộng, đường giao thông cho đi lại và vận chuyển sản phẩm phục vụ cho quá trình cơ giới hóa sản xuất và dồn điền đổi thửa. Ba hình thức Malaysia sử dụng để tăng quy mô diện tích của các đơn vị sản xuất lúa là: Doanh nghiệp thuê những mảnh đất nhỏ của nông dân và làm tất cả các khâu. Các hợp tác xã và tổ chức của nông dân đứng ra tổ chức canh tác trên mảnh ruộng lớn. Doanh nghiệp thương mại phát triển và quản lý các cánh đồng rộng có nhiều mảnh lớn hoặc mảnh liền thửa.

Qua nghiên cứu thành công nhiều mô hình CĐL của các nước trên thế giới, Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, đưa ra các kinh nghiệm dựa trên nhiều nguyên tắc cơ bản. Đó là: Nhà nước phải quy hoạch vùng sản xuất ổn định cho sản phẩm mang tính lâu dài. Tại các vùng quy hoạch, chỉ những doanh nghiệp chế biến sản phẩm đó mới được cấp phép xây dựng và vận hành. Toàn bộ hạ tầng, khoa học công nghệ cũng sẽ đầu tư theo quy hoạch. Sự kết hợp tổng lực này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh, không những về điều kiện tự nhiên, mà còn về chi phí sản xuất, chi phí giao dịch thương mại, áp dụng khoa học công nghệ, giảm rủi ro, không có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng hợp đồng đã ký, nếu không sẽ bị phạt hoặc thu hồi giấy phép sản xuất kinh doanh... "CĐL chỉ thành công khi nông dân thực sự tổ chức được các tổ chức sản xuất hợp tác của họ, như: hợp tác xã, hiệp hội, nghiệp đoàn của các chủ trang trại trên phạm vi những CĐL, tiểu vùng, vùng và cả cấp quốc gia. Chính các tổ chức nông dân này là đối tác bình đẳng đủ lớn, đủ mạnh, độc lập bảo vệ quyền lợi kinh tế của nông dân trong đàm phán với doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng liên kết dọc theo chuỗi ngành hàng với doanh nghiệp…"- Tiến sĩ Vũ Trọng Bình khẳng định.

***

Năm 2015, Việt Nam đã kết thúc đàm phán và ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) và cam kế thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ 1-1-2016. Nếu như các FTA mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nền kinh tế nước ta thì AEC là cộng đồng kinh tế của những nước có cấu trúc kinh tế giống ta và cạnh tranh với ta trên nhiều mặt, trong đó có nông sản. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: nông nghiệp cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng phải gấp rút tái cơ cấu, phải chuyển sang canh tác trên những CĐL – một điển hình trong sản xuất lúa đang thực hiện.

(Còn tiếp)

Bài cuối: Xu thế tất yếu của nền nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập

Chia sẻ bài viết