Buffet bánh dân gian ở cồn Sơn.
Từ nguồn sản vật phong phú và tài khéo của người xưa, Nam bộ có hàng trăm loại bánh dân gian. Ðến nay, bánh dân gian Nam bộ vẫn giữ được sự tinh túy bởi người làm bánh luôn coi trọng hương vị truyền thống. Trải qua nhiều kỳ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ (lễ hội), các nghệ nhân có thêm sự tự tin, chủ động và sáng tạo để bánh dân gian từng bước có diện mạo mới, tiếp cận và thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa.
Du khách trải nghiệm làm bánh dân gian ở nhà vườn Công Minh, cồn Sơn.
► Mang tinh túy gia truyền đến hội bánh
Cô Trương Thị Hoa Lài với món bánh xếp.
Cô Trương Thị Hoa Lài, ấp Nhơn Lộc 1A, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, nổi tiếng hơn 30 năm với tài làm bánh dân gian. Hơn 20 loại bánh cô làm không chỉ ngon mà còn khéo bởi sự chăm chút từ nguyên liệu cho đến tạo hình. Tay nghề của cô được trao truyền qua 3-4 thế hệ trong gia đình, nên có nhiều loại bánh vẫn giữ đúng cách làm xưa: dân dã, tự nhiên và vén khéo. Năm nay, cô Hoa Lài chọn bánh xếp để mang đến lễ hội. Bánh xếp làm từ gạo, có nhưn đậu, dừa, bên ngoài gấp mép khá đẹp, được hấp chín. Đó là cách làm cô học được từ bà của mình, nay cô sáng tạo thêm để da bánh có màu đẹp mắt từ lá dứa, lá cẩm… Cô cũng biến tấu thêm bánh nhưn mặn với thịt, tép, tôm khô, nấm đông cô, nấm mèo… ăn kèm rau, nước mắm và nước cốt dừa.
Cô Hoa Lài cho biết, bánh này biến tấu từ chiếc bánh ít bốn góc ngày xưa, nhưng do phải gói kỳ công quá nên mới có bánh xếp. Chiếc bánh xếp ngon kỳ công nhất ở khâu làm da bánh. Phải chọn gạo ngon, ngâm một đêm và xay bằng cối đá, bột nhào phải đều tay, đánh ra thật nhuyễn. Phần nhưn thì tùy cách chọn nguyên liệu và tài khéo của mỗi người. Cô Hoa Lài nói: “Mỗi lần tham gia tôi đều muốn mang đến lễ hội một món gia truyền mà ngày nay ít thấy, rồi thêm thắt cho phù hợp với hiện tại, để chia sẻ. Cứ đến mỗi mùa lễ hội là tôi lại bắt đầu tìm trong ký ức những món bánh truyền thống của ông bà. Cách làm xưa mình vẫn giữ, sau đó có thêm vài đổi mới để phù hợp với hiện đại, hoàn thiện. Những loại bánh dân gian được mọi người quan tâm, tôi vui lắm, thêm động lực để giữ nghề”.
Cô Nguyễn Thị Mùi với món trôi nước.
Ở tuổi 63, cô Nguyễn Thị Mùi, khu vực 4, phường Ba Láng, quận Cái Răng, vẫn gắn bó với nghề làm bánh. Cô Mùi là truyền nhân của bà Hai Cây- người bán bánh dạo ai cũng biết ở chợ Cái Răng mấy chục năm trước. Trong 8 người con của bà Hai, chỉ có cô Mùi theo nghề, đến nay cũng đã có hơn 45 năm gắn bó. Bánh của cô Mùi không chỉ đủ sắc, đủ hương mà còn tinh tế, tỉ mỉ. Chẳng hạn như bánh trôi nước ngũ sắc, da bánh không chỉ trơn láng, mịn màng mà còn mềm dẻo, béo thơm. Cô Mùi chia sẻ “bí quyết” đầu tiên để làm bánh ngon là khâu chọn nguyên liệu. Cô Mùi nói: “Tôi tham gia lễ hội 3 lần rồi. Ngày trước, bánh được người ta biết đến qua truyền miệng, nhưng khi tham gia hội bánh thì nhiều người tìm đến hơn. Tôi đến hội bánh với hy vọng truyền niềm đam mê làm bánh dân gian đến những người trẻ”.
Cô Hà Thị Sáu, khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, mang đến lễ hội năm nay tay nghề bánh tráng hơn 30 năm. Giữ nghề truyền thống, cô còn học hỏi, tìm tòi để chiếc bánh quê nhà có thêm sắc màu mới. Từ chiếc bánh tráng đơn giản, cô Sáu sáng tạo để có bánh tráng ngọt, bánh cuốn ngọt, hủ tiếu ngọt... để làm mới sản phẩm và thu hút du khách. Cô Sáu nói: “Lần nào lễ hội tôi cũng mang cả bếp lò, dụng cụ đủ hết để trình diễn cho mọi người xem. Tuy cực nhưng người đến tham quan có không gian trải nghiệm, hiểu hơn về nghề bánh, từ đó nghệ nhân chúng tôi có thêm động lực giữ nghề”.
► Tiếp cận du khách
Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch huyện Phong Điền, cho biết: “Năm nay, Phong Điền mang đến lễ hội khoảng 15 loại bánh, nhiều hơn năm trước 3 loại. Thông qua các kỳ lễ hội, bánh dân gian địa phương được du khách biết đến nhiều hơn. Riêng Phong Điền tạo được sự chú ý qua bánh canh gõ, bánh hỏi mặt võng, bánh ít trần nhân thịt vịt xiêm, bánh bao chỉ… Từ chiếc bánh dân gian và tài khéo của các nghệ nhân, đã tạo được sự kết nối du khách đến với Phong Điền tìm hiểu văn hóa, ẩm thực bản địa”. Tại Phong Điền, nhiều du khách, nhất là khách quốc tế, tìm đến các nhà vườn để trải nghiệm, thưởng thức các món ngon, như bánh hỏi mặt võng Út Dzách, bánh ít trần nhân vịt xiêm ở vườn 9 Hồng… Nét mới của lễ hội năm nay là sự kết nối bánh dân gian đến các tour trải nghiệm tại điểm vườn cho du khách. Các tour đó được hình thành liên tuyến đến các điểm ở Phong Điền: vườn 9 Hồng, vườn Vàm Xáng, khu du lịch Mỹ Khánh, làng du lịch Ông Đề…
Chị Nguyễn Thị Thanh Đào, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Ba Láng, nói: “Qua các lần tham gia lễ hội, bánh dân gian ở Cái Răng nói chung và Ba Láng nói riêng dần được nhiều người biết đến; vì luôn ưu tiên sử dụng nguyên liệu thảo mộc, các nghệ nhân khéo tay, sáng tạo. Có rất nhiều loại bánh của Ba Láng đã trở thành đặc trưng, được nhiều người yêu thích và nhắc đến như bánh ít trần bột bán”. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Đào, sau khi trở về từ hội bánh, các nghệ nhân được chú ý hơn, có nhiều đơn hàng hơn, thậm chí từ các tỉnh, thành khác. Chị Phan Kim Ngân, nghệ nhân làm bánh ở cồn Sơn, Bình Thủy, cũng nói: “Du khách biết đến tôi một phần cũng từ việc tôi từng tham gia lễ hội. Cho đến nay, khách đến cồn Sơn luôn ghé qua nhà vườn Công Minh của tôi để trải nghiệm làm bánh dân gian. Trong kỳ lễ hội năm nay, đã có nhiều đoàn khách đặt tour trải nghiệm làm bánh ở nhà vườn của tôi”. Chị Phan Kim Ngân cho biết, năm nay chị chỉ đến lễ hội biểu diễn một buổi, còn lại sẽ ở cồn Sơn để đón du khách đến trải nghiệm làm bánh dân gian và có chương trình ưu đãi dành cho các đơn vị kết nối tour trải nghiệm bánh dân gian ở nhà vườn Công Minh. Đó là miễn phí thưởng thức bánh lá mơ trong ngày đầu khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2019.
Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2019 sẽ được khai mạc vào ngày 12-4. Các công tác chuẩn bị của địa phương và nghệ nhân đã hoàn tất. Địa phương nào cũng có nghệ nhân tham gia với hơn chục loại bánh, đa dạng, đa sắc. Với hàng trăm loại bánh dân gian cùng sự tề tựu của những nghệ nhân tài hoa, lễ hội năm nay hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều món ngon, độc đáo.
Bài, ảnh: Ái Lam