Du lịch biển bây giờ không còn đơn thuần là khai thác cảnh sắc và tài nguyên biển, mà còn còn có đầu tư, sáng tạo những môn thể thao độc đáo trên đầu ngọn sóng để thu du khách yêu biển, mê thể thao cảm giác mạnh. Những vùng biển có gió mạnh, với những con sóng to là nơi những người làm du lịch tổ chức chơi ván diều, ván buồm, lướt ván
Những môn thể thao du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm nay đã quen thuộc với giới trẻ yêu thích du lịch.
Đất nước trải dài theo hơn 3.200 km bờ biển, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của thể thao trên biển. Đầu tiên, có thể kể tới Mũi Né (Bình Thuận). Nhật thực toàn phần được nhìn ngắm toàn mỹ nhất tại Phan Thiết vào năm 1995, du khách từ năm châu đổ về xứ biển này. Sau đó, Mũi Né trở thành điểm đến "trú đông" của du khách châu Âu. Biển ấm, ngày gió chiếm hơn 2/3 số ngày trong năm, các môn thể thao trên biển (chơi ván diều, ván buồm và lướt ván) cũng từ đó du nhập vào Việt Nam qua Mũi Né rồi tỏa đi khắp miền Trung, ra Bắc, vô Nam. Đến nay, Mũi Né có hẳn những câu lạc bộ, điểm huấn luyện các môn thể thao này dành cho người Việt và du khách đến từ nước ngoài.
Những ngày đầu tháng tư, đi dọc theo tuyến đường ven biển từ Vũng Tàu sang La Gi, Tiến Thành về Phan Thiết rồi ra Mũi Né chạy dài tới Cổ Thạch, Phan Rang, Ninh Chữ, Vĩnh Hy
đâu đâu cũng thấy những cánh diều, cánh buồm lướt gió trên biển đầy ngoạn mục. Khoảng 11 giờ trưa tới xế chiều là lúc "đông ken". Họ là những tay chơi chuyên nghiệp, tới từ khắp nơi trên thế giới. Qua Việt Nam, họ mang theo dù, buồm và ván để thỏa ước mơ của mình. Nhiều đoàn người được ô tô chở ra các vùng biển vắng người có vách núi và sóng to ở tận khu vực Ninh Chữ - Vĩnh Hy (Ninh Thuận) để nhào lộn trên sóng.
|
Lướt ván diều trên biển Bình Sơn lộng gió.
|
Các môn thể thao này không đơn giản chút nào. Bởi ngoài kỹ năng bơi lội giỏi, người chơi còn phải trải qua các buổi huấn luyện vừa "chịu đòn", vừa "né đòn" nếu chẳng may dù không bay, buồm không đứng. Phải bầm dập một vài ngày đầu để làm quen và điều tiết lượng gió thì mới đạp trên sóng được. Nhưng khi quen rồi, không thể ngồi yên trên bờ nhìn con sóng lớn vỗ ầm ầm trên biển. Hoặc những lúc biển êm, lòng cồn cào. Ở Việt Nam, mùa bấc là lý tưởng nhất cho các môn thể thao này hoạt động, kéo dài từ tháng 11 năm trước tới tháng 5 dương lịch năm sau. Nhưng khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận thì hầu như các tháng trong năm đều lộng gió- điều kiện lý tưởng cho ván diều, ván buồm hoạt động, ít nhất cũng 5-6 ngày/ tuần. Từ đó, Mũi Né trở thành điểm tổ chức các cuộc thi thể thao trên biển, hội tụ các tay chơi chuyên nghiệp từ khắp nơi trên thế giới về đây tranh tài. Cuối tháng 2-2016, Phan Rang- Tháp Chàm được tổ chức Gải lướt ván diều quốc tế Tour Châu Á 2016 với sự tranh tài của 82 tay đua tới từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ đó, đủ thấy điều kiện lý tưởng của vùng biển Việt Nam cho các hoạt động thể thao du lịch và sức hút đối với du khách quốc tế.
|
Bãi đá sỏi màu độc đáo ở bãi biển Cổ Thạch. |
Mùa này, du lịch biển bắt đầu "dậy sóng". Ai ai cũng đổ xô đi biển. Và người ta đến biển không chỉ thỏa sức đắm chìm trong làn nước xanh mênh mang, ngắm san hô..., mà còn để ngắm những cánh diều, cánh buồm đang thoăn thoắt lướt sóng. Nếu có đủ điều kiện, bạn cũng nên thử một lần cảm giác phiêu du trên đầu con sóng. Một lời khuyên của người Việt tham gia trò chơi mạo hiểm này: phải đủ sức khỏe, nhất là không tiền sử bệnh tim. Đặc biệt với người nhút nhát, luôn có cảm giác bị "cái khó" đè nặng mà không dám vượt qua thì càng nên chơi môn thể thao này. Bảo đảm, khi đã lướt nhẹ nhàng trên đầu con sóng rồi, không còn một khó khăn nào trong cuộc sống mà bạn không vượt qua được. Không chỉ là môn thể thao mạo hiểm, ván diều, ván buồm còn rèn luyện được nhiều kỹ năng sinh tồn và quan trọng hơn là để vượt lên chính mình.
Môn thể thao này hiện có khắp nơi trên vùng biển Việt Nam. Nhưng địa điểm ngắm và chơi lý tưởng nhất là khu vực Mũi Né (Bình Thuận), biển Bình Sơn, Ninh Chữ (Ninh Thuận). Ngoài ra, còn những điểm hoang sơ chưa khai thác du lịch nhưng lại thu hút nhiều tay chơi chuyên nghiệp là khu vực biển Vườn Quốc gia Núi Chúa và khu vực biển gần làng chài Mỹ Hiệp (Ninh Thuận). Các điểm này đều có biển sạch đẹp, nhiều nơi có san hô gần bờ. Nếu chơi thể thao biển ở Mũi Né, bạn có thể kết hợp khám phá "dấu chân địa đàng" trên dòng Suối Tiên, đón bình minh tinh khôi trên đồi Trinh Nữ. Xa hơn, có bãi đá cuội sắc màu rực rỡ thuộc vùng biển Cổ Thạch, cách Phan Thiết non 100km. Còn nếu chơi ở Ninh Thuận, bạn có cả một danh sách dài các điểm khám phá bởi nơi đây là vùng đất du lịch đang lên, chưa được khai thác nhiều, như: biển Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, hòn Đỏ, mũi Dinh, sa mạc cát Nam Cương
và những trang trại trồng nho làm rượu vang, nuôi cừu
Bài, ảnh: THỤY DU