01/03/2018 - 14:14

Khẳng định vị thế trung tâm đồng bằng 

Bài, ảnh: B.Ngọc

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: Thương mại, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao là 3 trụ cột quan trọng cho sự phát triển. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố hội đủ điều kiện về vốn - khoa học và công nghệ - con người; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, từ nhiều nguồn, thành phố đã đầu tư, hỗ trợ  để các trường đại học phát triển, góp phần bổ sung đáng kể nguồn nhân lực chất lượng.

Thành quả đầu tư

Tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trường Đại học (ĐH) Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ vào đầu năm 2018, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh tầm quan trọng giáo dục ĐH. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo nhà trường phải hoàn thiện chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030, đầu tư nâng cao chất lượng, đưa trường phát triển bền vững, trở thành một trong những đơn vị đào tạo nguồn nhân lực khối ngành kỹ thuật - công nghệ có uy tín, chất lượng cao của thành phố.

Một góc Trường ĐH Cần Thơ. 

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ năm 2005 đến nay, thành phố đã tranh thủ nhiều nguồn của Trung ương, địa phương, tạo điều kiện cho hàng trăm cán bộ học sau ĐH trong và ngoài nước. Đề án Cần Thơ 150 (trong khuôn khổ Chương trình Mekong 1000) là một điển hình, khi đã có 121 cán bộ học sau đại học ở nước ngoài về phục vụ. Ngoài ra, thành phố còn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường ĐH, CĐ phát triển, như: thành lập ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trên cơ sở nâng cấp Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ; Trường Cao đẳng (CĐ) Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ (nâng cấp từ Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ); Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ (nâng cấp từ Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ)… Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, để đảm bảo điều kiện hoạt động cho trường, thành phố đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị thực hành cho cơ sở 1 và quy hoạch diện tích trên 17ha (ở quận Bình Thủy) làm cơ sở 2; song hành cùng chú trọng đội ngũ cán bộ giảng viên. So với năm đầu thành lập, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, từ chưa đến 100 người, nay có gần 200 cán bộ, giảng viên; trong đó, trên 91% cán bộ, giảng viên có trình độ sau ĐH.

Một số trường ĐH khác: Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Nam Cần Thơ, Tây Đô, tuy thành phố không đầu tư, nhưng với sự ủng hộ về cơ chế chính sách, cộng với sự năng động của tự thân các trường đã đưa đơn vị ngày càng phát triển. Như ĐH Cần Thơ - vốn có thế mạnh hợp tác quốc tế, thông qua các chương trình hợp tác song phương, trường tạo điều kiện để nhiều giảng viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần đưa tỷ lệ giảng viên có trình độ sau ĐH lên 95%. ĐH Y Dược Cần Thơ xác định đội ngũ cán bộ, giảng viên là nền tảng để trường phát triển, cho nên trong 5 năm đầu thành lập, lãnh đạo nhà trường tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao đời sống vật chất cán bộ, giảng viên; ban hành các chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ đi học nâng cao trình độ. Từ hơn 200 cán bộ, giảng viên ban đầu, nay trường có 657 người, trong đó có 446 giảng viên cơ hữu. Giảng viên có trình độ sau ĐH chiếm trên 68%. PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: Thành quả của trường  nhờ quan tâm đầu tư của Bộ chủ quản, tự thân nỗ lực và sự ủng hộ của thành phố Cần Thơ về cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho trường phát triển.

Hướng đến chuẩn quốc tế

TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH, 17 trường CĐ, đáp ứng nhu cầu học tập cho toàn vùng. Quy mô hệ thống giáo dục ĐH, CĐ thành phố đứng đầu vùng ĐBSCL. Không chỉ thế, các trường đã, đang đầu tư nguồn lực để mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo, đào tạo theo chuẩn quốc tế. Theo lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ, định hướng sau năm 2020, trường phấn đấu nằm trong tốp 200 trường chất lượng ở Châu Á- Thái Bình Dương. Trường đang tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện Dự án “Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ thành trường ĐH xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ” bằng nguồn vốn ODA. Trước mắt, trường xây dựng, mở rộng thêm một số chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Trường hiện có 3 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn chất lượng quốc tế AUN-QA. PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Từ năm học 2015-2016, trường dành hơn 2 tỉ đồng để sinh viên giao lưu, học tập ngắn hạn ở nước ngoài. Ghi nhận từ sau những chuyến đi, sinh viên trở về hầu hết có sự nỗ lực và quyết tâm cao trong học tập, lao động, tự trau dồi mọi mặt để đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây là những hạt nhân tiêu biểu, tạo sức bật trong học tập cho các sinh viên khác.

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ thực hành trong phòng thí nghiệm.

Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tạo điều kiện cho nhiều sinh viên sang Thái Lan học tập, nhằm giúp sinh viên tiếp cận môi trường giáo dục quốc tế. Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, trong xu thế hội nhập quốc tế, ngoài chuyên môn, sinh viên cần có thêm kỹ năng mềm, nhất là ngoại ngữ. Lộ trình đến năm 2020, sau khi tốt nghiệp, sinh viên ra trường phải có ít nhất bằng TOEIC 450, để có cơ hội tìm được việc làm tốt ở các đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài nước.

Các trường CĐ khác trên địa bàn đã và đang mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước. Đơn cử như nhiều năm qua Trường CĐ Y tế Cần Thơ đã đào tạo các ngành trung cấp tăng cường tiếng Anh (điều dưỡng, dược, y sĩ…). Trong 24 ngành CĐ, trung cấp nghề của Trường CĐ Nghề Cần Thơ, có 9 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN. Từ năm học 2016-2017, trường đã đào tạo khóa đầu tiên cao đẳng trình độ quốc tế của Úc.

*      *      *

Sự quan tâm đầu tư, ủng hộ của thành phố Cần Thơ đã tạo động lực giúp các trường ĐH, CĐ phát triển. Phía ngược lại, các trường góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu con người cho các chương trình phát triển của thành phố; tạo thế đứng vững chắc, xứng tầm là trung tâm ĐBSCL.

Theo Quyết định số 2012/QĐ-UBND về chương trình đào tạo nguồn nhân lực TP Cần Thơ, giai đoạn 2015 trở về sau là phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng tốc, tạo tiền đề cho việc phát triển TP Cần Thơ tiến vững chắc vào nền kinh tế tri thức, là cực phát triển của vùng trên mọi lĩnh vực. Việc đầu tư giáo dục ĐH là  cấp thiết, phấn đấu năm 2020, đạt tỷ lệ bình quân 150 sinh viên ĐH /1 vạn dân; đào tạo và liên kết đào tạo chính quy 5.700 sinh viên cao đẳng. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố có nhiều chương trình thành phần, đề án triển khai thực hiện. Trong đó, có 8 đề án để xây dựng và phát triển TP Cần Thơ thành trung tâm giáo dục - đào tạo  của vùng. Nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình (đến năm 2020) hơn 7.631 tỉ đồng (vốn ngân sách trên 5.094,7 tỉ đồng). 

Chia sẻ bài viết