03/11/2020 - 19:48

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội:

Khẳng định năng lực cạnh tranh trong đại dịch 

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 3-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội. Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, trong phiên họp sáng 3-11, đã có 23 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận và 2 Bộ trưởng đã tham gia trao đổi các vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Các đại biểu đánh giá cao những chính sách điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc phòng chống dịch COVID-19, ứng phó với thiên tai, bão lũ; đồng thời đảm bảo ổn định đời sống của người dân, thực hiện mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, mức tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt của "năm COVID". Giá trị giải ngân đầu tư công cao hơn nhiều cùng kỳ các năm trước, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế... Trong đại dịch COVID-19, tính ưu việt của thể chế chính trị và năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam lại được tỏa sáng.

Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, thiên tai gây nhiều thiệt hại, nhiều đại biểu QH đưa ra vấn đề về thủy điện và bảo vệ, phát triển rừng. Theo đại biểu, chính sách giao đất, giao rừng sản xuất cho hộ gia đình, doanh nghiệp là giải pháp mang tính đột phá cho việc chăm lo giữ rừng, trồng rừng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, việc lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển ngành lâm nghiệp chưa rõ nét, một số chỉ tiêu về trồng rừng phân tán, rừng phòng hộ chưa đạt kế hoạch. Việc giữ rừng tự nhiên một số khu vực chưa hiệu quả. Trong giai đoạn vừa qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng lâm nghiệp và phát triển sản phẩm từ lâm nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Các sản phẩm từ rừng mới chỉ là nguồn nguyên liệu, chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là giải pháp giảm nghèo hiệu quả cho các địa phương.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin, nước ta có tổng diện tích 14,6 triệu héc-ta rừng, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu héc-ta, rừng trồng đạt 4,3 triệu héc-ta. Hệ số che phủ rừng 42%, thế giới bình quân 29%. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mặt trái của vấn đề, trong 30 năm, phát triển rừng tự nhiên không thể phục hồi như ban đầu bởi thời gian quá ngắn. Thiệt hại về rừng tự nhiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ rất lớn. Vì vậy, việc phục hồi rừng phải từng bước. Theo Bộ trưởng, thời gian tới, chính sách khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng cần được cải thiện, nâng cao mức tiền công khoán để đảm bảo từng bước nâng cao chất lượng khoanh nuôi bảo vệ rừng.

Liên quan đến đường sắt đô thị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể giải trình, đây là loại hình giao thông hiện đại, là hướng đột phá để giải quyết ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn và việc này cần sự ủng hộ của Chính phủ, của QH để bố trí nguồn lực và tổ chức xây dựng nhanh hơn, tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển. Bộ GTVT, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội làm chủ đầu tư nhiều dự án. Tuy nhiên, thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là chậm tiến độ. Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Bộ trưởng GTVT khẳng định, sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu cho Chính phủ tốt hơn, để những dự án khởi công mới có giải pháp rõ ràng, từ đó xác định giá trị và tránh tình trạng phải điều chỉnh giá.

Giải trình một số ý kiến của đại biểu về lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông khu vực ÐBSCL là vấn đề Chính phủ dành sự quan tâm rất lớn trong thời gian qua.

"Trong nhiệm kỳ tới 2021-2025, chúng tôi đã đánh giá về giao thông của các vùng miền, trong đó có vùng ÐBSCL. Hiện nay Bộ GTVT tập trung cho nghiên cứu 7 đường cao tốc ở khu vực này. Nghiên cứu thì nhiều, nhưng chúng ta sẽ lựa chọn những đoạn, những tuyến, những khu vực quan trọng để đầu tư trong 5 năm tới” - Bộ trưởng nói.

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH TP Cần Thơ, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Theo tính toán của Bộ GTVT, hiện nay cơ quan này đã trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội, hết nhiệm kỳ tới có thể nâng tỷ lệ giao thông cao tốc của ÐBSCL, từ hơn 40km hiện nay lên khoảng hơn 300km trong năm 2025, phải đầu tư thêm hơn 200km. Cụ thể, tuyến cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành năm 2022 và cầu Mỹ Thuận 2023. Ðoạn Cao Lãnh - Vàm Cống và Vàm Cống ra Rạch Sỏi sẽ được nâng cấp khoảng 75km để công bố đạt chuẩn đường cao tốc.

Quốc lộ 30 từ Cao Lãnh ra An Hữu sẽ kết nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đặc biệt là đường cao tốc từ TP Cần Thơ đến TP Cà Mau nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Ðông. Ðây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, và Bộ trưởng cũng đánh giá “không có đường cao tốc thì vấn đề thu hút đầu tư phát triển sẽ khó khăn”.

“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, rất mong các đại biểu QH ủng hộ để làm sao hình thành nên hệ thống giao thông vận tải ở khu vực ÐBSCL. Có như vậy mới đánh thức được tiềm năng, phát huy được thế mạnh của khu vực này để phát triển tốt hơn trong thời gian tới” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

►Chiều 3-11, QH tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.

Theo TTXVN và Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết