04/05/2019 - 10:12

Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Ô Môn - Khu vực Thới An

Khẩn trương khắc phục sạt lở, hoàn thành trước khi lũ về  

Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Ô Môn - Khu vực Thới An (phía bờ phải), phường Thới An, quận Ô Môn được triển khai thi công từ đầu năm 2019 và dự kiến hoàn thành trước mùa lũ năm nay. Qua đó, đảm bảo an toàn, ổn định cho cuộc sống cũng như sinh hoạt người dân sinh sống ven sông. Tuy nhiên, cuối tháng 4 vừa qua, xảy ra sạt lở trong phạm vi thi công. Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xử lý điểm sạt lở hiệu quả, đảm bảo tiến độ thi công công trình…

Sạt lở bờ sông Ô Môn tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn.

► Xác định nguyên nhân sạt lở

Kè chống sạt lở bờ sông Ô Môn - Khu vực Thới An (phía bờ phải) có chiều dài 430m, với giá trị dự toán xây dựng khoảng 45 tỉ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 35 tỉ đồng do Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố làm chủ đầu tư.  Công trình được giới hạn từ rạch Vàm Điểm đến Vàm Thới An, với hạng mục tường kè, vỉa hè, cầu thang, đường giao thông sau kè, cấp thoát nước... Đến nay, đoạn từ K0 đến K0+250 đã thi công xong đóng cọc và đổ tường góc; đoạn từ K0+250 đến K0+275 đã thi công xong đóng cọc và đổ bản đáy tường; đoạn từ K0+275 đến K0+335 đang thi công đóng cọc và tiến hành thả bao tải cát cho đoạn từ K0+300 đến K0+430.

Khoảng 3 giờ sáng 24-4-2019, tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An đã xảy ra sạt lở bờ sông Ô Môn, khiến 11 căn nhà bị sụp đổ một phần. Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 60m, ăn sâu vào bờ khoảng 5m. Ngoài 11 căn nhà bị ảnh hưởng, sự cố còn khiến một cột điện sụp xuống sông, gây mất điện diện rộng.Vụ sạt lở không làm ảnh hưởng đến các hộ dân vì đã được hỗ trợ di dời năm 2018. Đối với công trình Kè chống sạt lở bờ sông Ô Môn - Khu vực Thới An, vụ sạt lở gây ảnh hưởng 49 cọc trong tổng số 61 cọc đã đóng. Khu vực sạt lở nằm trong phạm vi đang triển khai thi công kè, ngay sáng 25-4-2019, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (đơn vị tư vấn) đã cử cán bộ và phương tiện chuyên dùng đến kiểm tra tại điểm sạt lở và tiến hành đo đạc, khảo sát toàn bộ địa hình dòng sông quanh khu vực sạt lở nhằm so sánh, phân tích, đánh giá và tìm ra nguyên nhân sạt lở.

Theo đó, Viện tiến hành khoan bổ sung 2 hố khoan, gồm: 1 hố tại vị trí sạt lở - tim công trình và 1 hố ngay sau vị trí sạt lở. Ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết: Tuy chưa có thí nghiệm địa chất cụ thể nhưng qua quá trình khảo sát hiện trường cho thấy về địa tầng không khác nhiều so với giai đoạn thiết kế. Mặc dù xảy ra sự cố, tuy nhiên trong “rủi có may” bởi tại vị trí này chỉ thực hiện đóng cọc, việc phát hiện sự cố giúp đơn vị có hướng xử lý kịp thời và giải pháp thi công phù hợp, đảm bảo công trình an toàn, hiệu quả.

Qua khảo sát ban đầu, về địa hình, đoạn từ K0+250 đến K0+335 địa hình phía ngoài lòng sông không thay đổi nhiều, đoạn phía trong bờ trung tâm là tim tuyến thì địa hình bị lún sụt sống, chỗ sâu nhất tại K0+300 với chiều sâu lún sụt khoảng 4m. Đoạn từ K0+335 đến K0+387 địa hình lòng sông phía ngoài có sâu hơn so với giai đoạn thiết kế, có vị trí sâu hơn khoảng 2m, phía trong bờ đơn vị thi công đang thả bao tải cát nên địa hình nông hơn. Về địa chất, đơn vị tiến hành khoan bổ sung 2 hố khoan, 1 hố tại vị trí sạt lở (tim công trình) và 1 hố ngay sau vị trí sạt lở.

Theo ông Nguyễn Nghĩa Hùng, qua khảo sát đã tìm ra nguyên nhân ban đầu của vụ sạt lở. Khu vực sạt lở lần này nằm sát với điểm sạt lở xảy ra vào năm ngoái. Vết lở vào tháng 5-2018 đã tạo ra một số vết nứt nội hàm của vùng lân cận. Vị trí sạt lở đang xây dựng công trình kè nằm trên nền đất rất yếu, bên dưới có lớp đất sét mềm dạng bùn, ở độ sâu từ 12-22m, lớp đất yếu dần theo độ sâu, địa chất tại đây có sự bất thường. Cùng với đó là sự xói lở ngoài lòng sông, dẫn đến hiện tượng sụt lún trên đoạn dự án đang triển khai. Trong 10 ngày tới, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam sẽ có đánh giá cuối cùng, đồng thời tham vấn giải pháp để có điều chỉnh trong thiết kế, cũng như kỹ thuật thi công.

► Ðảm bảo bền vững, an toàn cho người dân

Trên cơ sở những nhận định về nguyên nhân sạt lở như nêu trên, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam kiến nghị biện pháp xử lý cho đoạn sạt lở sông Ô Môn. Theo đó, quy mô kết cấu công trình đoạn xử lý không thay đổi so với thiết kế được duyệt, chỉ điều chỉnh tăng kích thước chiều rộng bản đáy thêm 0,5m, từ 4,5m như thiết kế trước đây lên 5m. Chiều dài cọc đóng tăng thêm 7m, tức từ 23m lên 30m. Dự kiến chi phí tăng thêm khoảng 8,4 tỉ đồng; trong đó, chi phí di dời hộ dân khoảng 1 tỉ đồng; chi phí xây dựng khoảng 7 tỉ đồng; khảo sát 300 triệu đồng.

Ông Đỗ Sĩ Khoa, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ cho rằng: Có 3 nguyên nhân dẫn đến sạt lở, đơn vị tư vấn căn cứ vào nguyên nhân tìm giải pháp xử lý độc lập hoặc phối hợp để đảm bảo hiệu quả. Ngoài ra, cần xem xét đến nguyên nhân từ thi công, chẳng hạn: xe thi công có tải trọng phù hợp, những căn nhà chưa di dời có ảnh hưởng… Từ đó, đơn vị có cảnh báo giải pháp thi công phù hợp.

Ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết thêm: Đây là kết quả ban đầu qua khảo sát địa hình; thí nghiệm địa chất vẫn đang được tiến hành. Trong 10 ngày tới, khi có kết quả thí nghiệm địa chất, Viện sẽ có báo cáo cụ thể UBND thành phố nguyên nhân và giải pháp xử lý điểm sạt lở trên.

Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương kịp thời thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện tại, quận cảnh báo, vận động bà con không ra vị trí sạt lở. Sau khi có kết quả chính thức từ phía đơn vị tư vấn, quận sẽ tổ chức họp dân tuyên truyền. Nếu kết quả là an toàn, sẽ hướng dẫn người dân cách ở, đi lại; nếu không an toàn, sẽ tiến hành di dời dân.

Công trình Kè chống sạt lở bờ sông Ô Môn - Khu vực Thới An (phía bờ phải) hiện tạm dừng thi công.

Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan về xử lý điểm sạt lở Kè chống sạt lở bờ sông Ô Môn - Khu vực Thới An mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu đơn vị tư vấn sớm báo cáo kết quả cụ thể về điểm sạt lở. Trên cơ sở đó, tham vấn cho thành phố phương án xử lý để khi dự án hoàn thành đảm bảo bền vững, an toàn cho người dân. Hiện còn khoảng 2 tháng nữa là tới mùa lũ, dự án phải hoàn thành trước khi lũ về nên đang gặp áp lực về thời gian. Do đó, các đơn vị liên quan làm sao phải vừa đảm bảo việc khảo sát, đánh giá chính xác, vừa triển khai thi công kịp thời trước mùa lũ về. Ông Võ Thành Thống nhấn mạnh: Nếu kết quả có điều chỉnh thiết kế cơ sở thì các sở, ngành liên quan thẩm định phải ưu tiên để hoàn thành các thủ tục một cách nhanh nhất để đảm bảo việc nối lại triển khai dự án. Nếu phương án xử lý đảm bảo hiệu quả và an toàn, tăng nguồn vốn, chủ đầu tư phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn vốn thực hiện. Đồng thời, chủ đầu tư phải theo sát diễn biến công tác tham vấn của đơn vị tư vấn cũng như nhà thầu thi công; phải có biện pháp để dự án triển khai lại trong thời gian sớm nhất…

Video clip đoàn khảo sát, kiểm tra của lãnh đạo thành phố

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết