01/05/2014 - 17:01

Khám phá rừng cây “khủng” ở Nam Cát Tiên

Cây tùng lớn đến 20 người ôm, cây gõ và cây thiên tuế tuổi thọ nửa thiên niên kỷ, cây bằng lăng một gốc nhưng có đến 6 ngọn cao vút trên không trung…. Sống giữa đô thị, mảng xanh rất quý giá nên khi nghe đến một rừng cây “khủng” như thế, chúng tôi háo hức lên đường vào Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 150km về phía Bắc.

Cây tùng hoành tráng đến 20 người ôm có tuổi thọ đến ngàn năm. 

Ban đầu, điểm đến của chúng tôi là Bàu Sấu nằm sâu trong rừng thuộc Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Tuy nhiên, do không đặt dịch vụ trước nên chúng tôi bị rớt lại vì số lượng vào khu vực này có hạn. Không cam tâm ở lại bìa rừng, chúng tôi nhờ tư vấn một số điểm khác. Với sự giới thiệu tận tình của nhân viên trực ban, cuối cùng, chúng tôi chọn tuyến đường qua những rừng cây “khủng” trên đường đến Thác Trời. Lượng khách quá đông, xe dịch vụ đã hết, chúng tôi đành cuốc bộ.

Nam Cát Tiên từ lâu được biết đến là khu rừng nguyên sinh, gắn với tộc người Châu Mạ. Ở đây, người ta còn tìm thấy di chỉ văn hóa Óc Eo từ nhiều thế kỷ trước, minh chứng cho sự tồn tại của con người ở vùng đất này. Một điều thú vị là từ thượng nguồn, sông Đồng Nai vượt đồi núi và luồn lách vào tận rừng Nam Cát Tiên trước khi đổ về đồng bằng, chia khu rừng này thành hai bờ riêng biệt, tạo sự đa dạng sinh học phong phú. Vì vậy, các nhà khoa học và chính quyền địa phương đã quyết liệt ngăn chặn việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong khu vực bảo tồn vườn quốc gia.

Cây bằng lăng sáu ngọn bí ẩn ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên.

Ở Nam Cát Tiên, dịch vụ du lịch được tổ chức gắn liền với giáo dục bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Với sự hướng dẫn của nhân viên vườn, du khách có thể tự tổ chức cho mình một chuyến khám phá đầy thú vị. Chúng tôi tiến sâu vào rừng. Và thật không tin nổi khi trước mắt mình là cây tùng khổng lồ. Đã từng nhìn thấy tấm ảnh chụp 20 người nối tay nhau ôm gốc cây này nhưng khi đứng trước cây thật, du khách vẫn không khỏi trầm trồ ngạc nhiên. Cây cao vút trời xanh, ngước nhìn đến mỏi cổ. Gốc cây có những chỗ vươn dài ra xa hơn 5m. Theo các nhà khoa học, cây tùng này có đến ngàn năm tuổi.

Ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, ngoài cây tùng “thọ” nhất với tuổi đời cả thiên niên kỷ, du khách còn khám phá được cây thiên tuế cao vời vợi, tuổi đời bằng một nửa cây tùng. Cây gõ đỏ nằm trong Sách Đỏ Việt Nam có bề hoành trên hai mét cũng ngần ấy tuổi của cây thiên tuế. Rừng ở Nam Cát Tiên được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt, kể cả những cây gỗ quý bị ngã do xói mòn, mưa bão vẫn được giữ nằm nguyên giữa rừng. Người Châu Mạ, người Ch’Ro, S’Tiêng ở đây bảo: Của rừng phải để lại rừng, không được mang về nhà. Với họ, đây là khu rừng thiêng, đã che chở, bảo bọc cho con người sống an lành từ bao đời nay.

Chúng tôi tiếp tục luồn đường rừng để đến Thác Trời. Cây cối dày đặc, có những chỗ nắng giữa trưa vẫn không lọt xuống đến mặt đất. Đang đi giữa rừng thẳm âm u, chúng tôi chợt bị lóa mắt bởi ánh nắng. Nắng chói chang cả một vạt rừng và xung quanh chúng tôi là những cây cao to nhưng gần như trụi lá. Đây là khu rừng bằng lăng với cây bằng lăng sáu ngọn. Mùa này, bằng lăng rụng sạch lá để kịp thay lá mới khi mùa mưa đến. Băng qua rừng bằng lăng, chúng tôi tiếp tục tận hưởng khung cảnh thiên nhiên thuần khiết và có cảm giác như đang thám hiểm những khu rừng già ở Nam Mỹ. Đi mãi, chân mỏi nhừ, đã có lúc cả đoàn định quay lui nhưng cái tên Thác Trời cứ thôi thúc từng bước chân. Và rồi, niềm vui vỡ òa khi nghe văng vẳng tiếng nước ào ào đổ qua những bãi đá. Bước chân lại càng thêm hăng hái, thêm nhanh nhẹn. Cuối cùng cũng đến đích! Trước mắt chúng tôi, thác nước chảy mênh mông khiến mọi mệt nhọc dường như đã được cuốn trôi. Giờ chỉ còn lại niềm sung sướng và tự hào vì đã tận mắt chiêm ngưỡng những cổ thụ nổi tiếng và chinh phục được Thác Trời giữa đại ngàn Nam Cát Tiên!

Bài, ảnh: THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết